25/10/2011 06:55 GMT+7

Bến cảng trong lòng dân

TẤN ĐỨC
TẤN ĐỨC

TT - “Bến tiếp nhận vũ khí từ những con tàu không số không nằm ở đâu xa mà chính trong lòng dân. Mỗi người dân vùng lân cận đều được coi là người của bến” - ông Lê Văn Quyền (Tư Lâm), 84 tuổi, nguyên trưởng Ban tuyên huấn đoàn 962 (hiện ngụ tại P.4, TP Bến Tre), khẳng định.

Read this on Tuoitrenews.vn

UNxJbaJr.jpgPhóng to

Vũ khí từ các tàu không số được chuyển đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: Hồng Chi

Chỗ dựa của bến

Đại tá Khưu Ngọc Bảy, phó chủ tịch Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển, nguyên trung đoàn trưởng trung đoàn 962, nhớ lại: “Tại Cà Mau, hàng trăm người dân sinh sống lâu năm bằng nghề đánh bắt hải sản, làm than trong rừng đước ở Vàm Lũng, Rạch Gốc, Cửa Bồ Đề, Hố Gùi, Rạch Cá Chốt (huyện Năm Căn) đã tự nguyện di dời ra các kênh lớn, chấp nhận mất “nồi cơm” để nhường chỗ cho “bộ đội đóng quân”. Tại hai xã Thạnh Phong và Thới Thuận (huyện Thạnh Phú, Bến Tre), dân đã tự dời hơn 70 hàng đáy và nhường đất ở khu Cồn Tra để phục vụ các hoạt động của bến mà không đòi hỏi bất cứ huê lợi gì".

Thấy con trai mới 14 tuổi cứ nằng nặc xin theo bộ đội để vô rừng với ba và các anh, người mẹ làm mặt nghiêm: “Con nít mà biết gì. Ráng ở nhà phụ má, hết mùa dưa này má cho đi”. Nói vậy nhưng người vợ, người mẹ đã có chồng và hai con trai tham gia bến tiếp nhận tàu không số tại Bến Tre vẫn không giữ được chân con trẻ. Đêm ấy, biết có bộ đội về đóng quân ở cuối xóm, cậu bé thao thức đến gà gáy lần hai, chờ mẹ ngủ thật say, nhón chân nhẹ nhàng xuống nhà dưới lấy giỏ đệm, nhét mấy bộ đồ rồi mở cửa sau lẻn đi...

Cậu bé ấy giờ là phó ban liên lạc Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển tỉnh Bến Tre - ông Trần Văn Hồng. Còn người mẹ, bà Nguyễn Thị Huề (sinh năm 1925), vẫn đang sống ở căn nhà cũ tại xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, Bến Tre, chỉ cách bến tiếp nhận khi xưa một đoạn đường ngắn. Nhắc lại chuyện xưa, ông Hồng trở nên hào hứng.

“Chừng 10 tuổi tôi đã đoán biết phần nào những việc làm của cha và hai anh. Cha đi suốt, lâu lâu mới về. Mà lần nào cũng vậy, cha về lúc nửa đêm, mặc bộ đồ bà ba đen, vội vàng thăm má và mấy anh em tôi, rồi đi. Lớn thêm một chút, tôi biết cha và anh đang ở căn cứ đón tàu không số trong rừng Bình Đại, cách nhà không xa lắm. Chừng trốn vô đó rồi mới thấy rõ sự quan trọng của công việc, càng thương cha, thương anh và tự nhủ bản thân phải cố gắng thật nhiều để chia sẻ với mọi người” - ông Hồng tâm sự. Ở bến Bình Đại, cha của Hồng, ông Trần Văn Trường, là chỉ huy trưởng, anh Hai Trần Văn Nô là trưởng bộ phận thông tin vô tuyến điện, anh Ba Trần Văn Nít là trinh sát (hi sinh năm 1967). Hồng được chọn làm ở bộ phận điện đài, chuyên dò tìm, thu các thông tin của đối phương và giải mã chúng, báo động để bảo vệ tàu, thuyền.

Nhưng đó mới chỉ là một phần của câu chuyện. Những đóng góp âm thầm của những người phụ nữ ở nhà, là mẹ và chị mình, mãi sau này ông Hồng mới hay...

Từ khi Hồng còn bé tí, bà Hai Huề đã là cơ sở liên lạc tin cậy tuyệt đối của bến. Mỗi khi tàu chuẩn bị vào, bà đều được cắt cử làm nhiệm vụ cảnh giới. Bà leo lên trăng xê (hầm tránh bom đạn) ở giồng cát sau nhà, đứng ngó về phía biển. Hễ có tàu tuần tiễu hay máy bay đối phương xuất hiện từ xa là bà vẫy nón lá báo hiệu. Ngày qua ngày, mưa nắng, gió bão bà đều lặng lẽ tự nguyện làm cọc tiêu sống cho tới khi tàu vô bến an toàn mới thôi. Chồng, con trai lớn lần lượt vào rừng, bà cùng người con gái thứ ba Trần Thị Thu bám mấy công rẫy nuôi mấy đứa con nhỏ. Thi thoảng bà lại xách cái giỏ đệm đi bắt cua biển, lân la vô rừng mang theo mấy gói trà, ký đường cát gửi cho chồng...

“Khó vạn lần dân liệu cũng xong”

Ở Bến Tre, không khó để tìm những gia đình gắn bó mật thiết với bến như gia đình ông Hồng. Vì việc cách mạng, nhiều nhà đã nhường đất, nhường địa bàn mưu sinh để làm hành lang an toàn cho bến, tự nguyện tham gia công việc như việc nhà mình.

Ông Lê Văn Kiềm (Tư Cương), nguyên đại đội phó đội xe (tức đội ghe đón, dẫn tàu và trung chuyển vũ khí), nhớ mãi một tình huống đầy bất ngờ: đầu tháng 12-1963, thuyền trưởng Phan Xã chở vũ khí về tới Bến Tre, định cập vào vàm Khâu Băng. Trễ hẹn không gặp ghe đón, tàu lạc sang cửa Hàm Luông. Trong lúc chạy cầm chừng, dò tìm tín hiệu từ bờ, tàu vô tình tiến về phía căn cứ hải thuyền của đối phương. Trong tình thế nguy cấp, đột nhiên thấy một chiếc thuyền đánh cá xăm xăm tiến lại gần.

Lệnh báo động được phát ra, các nóng súng trên tàu lập tức giương lên. Người đàn ông đứng tuổi trên thuyền liên tục vừa chỉ tay vào bờ rồi chỉ vào mình. Thuyền trưởng đoán biết ông đang ra hiệu để dẫn tàu vào. Sau một thoáng ngần ngại, anh mạnh dạn cho tàu tiến lại gần, dùng thang dây thả xuống đón. Quả nhiên, với kinh nghiệm hàng chục năm đánh bắt trên vùng biển này, ông ngư dân đã nhanh chóng dẫn được tàu chạy thẳng vào lạch Khâu Băng, lẩn vào những vòm lá rậm trước khi sáng tỏ mặt người.

Câu chuyện gặp tàu chở vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường Nam bộ được ông Mười Dễ (Nguyễn Văn Dễ, xã Thới Thuận), người ngư dân ấy, giữ bí mật cho tới ngày giải phóng.

Một câu chuyện khác về niềm tin vào dân cũng được ghi vào lịch sử đoàn tàu không số. Đêm 7-11-1964, lợi dụng thời điểm bão lớn cấp 10, cấp 11 trên vùng biển Bến Tre, đối phương lơ là, mất cảnh giác, cùng một lúc ba con tàu không số đang luẩn quẩn ngoài khơi đã mở hết tốc độ lao thẳng vào bờ. Hai chiếc đi đầu vào đúng lạch, cập bến an toàn. Chiếc thứ ba cũng đi đúng vào cửa Cổ Chiên, nhưng khi đến gần bờ, tàu lệch sang phải cách lạch sâu trên 300m, vướng vào bãi cồn Lớn (xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú).

Thủy triều xuống nhanh khiến tàu bị kẹt cứng, nằm phơi mình trên cồn cát cách bờ chừng 3km. Con tàu 100 tấn, to hơn ghe đánh cá của ngư dân địa phương hàng chục lần đối diện nguy cơ bị đối phương phát hiện. Tin tức nhanh chóng được cấp báo về trung ương. Lệnh hủy để xóa dấu vết lập tức được gửi đến. Không đành lòng để hơn 100 tấn vũ khí đã vào đến nơi lại phải tan thành bụi, ban chỉ huy bến thuyết phục cấp trên cho thi hành phương án cứu tàu. Tất cả lực lượng của bến và cả người dân địa phương lập tức được huy động, người dùng xuồng nhẹ, người lội nước ra tàu bốc dỡ “hàng”. Do có tới ba tàu vào cùng lúc, kho bãi bị quá tải, lãnh đạo bến đã áp dụng kiểu “kho gửi dân”: mọi người mang vũ khí về nhà cất giấu, bảo quản, bến cử người đến nhận lại sau.

Hay tin tàu gặp sự cố, người dân địa phương rủ nhau kéo tới ngày một đông, có lúc lên tới 500-600 người, già trẻ, gái trai đủ cả, thay nhau làm việc liên tục suốt hai ngày ba đêm thì bốc dỡ xong 100 tấn “hàng” vào bờ an toàn. Toàn bộ “hàng” ở các “kho gửi dân” sau đó cũng được thu lại không sót món nào.

Sự tin tưởng vào dân đã được đáp đền như thế.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Cánh buồm xuyên Tây Kỳ 2: Cô Ba Định và trái dừa xuyên biển Đông Kỳ 3: Những khoảnh khắc huyền thoại Kỳ 4: Bữa tiệc Tây Kỳ 5: Thinh lặng dưới ngọn sóng Kỳ 6: “Xe” lội nước - kho vô hình Kỳ 7: Tiểu đội nữ của “đường trên biển”

_______________________

Ngày ấy tàu đi, dân ba ấp đều biết, tới đâu trung đoàn trưởng cũng chụm miệng nói: “Ới đồng bào, thấy sao hay vậy, kín miệng cứu nước nghen!”. Đến nửa thế kỷ sau, câu chuyện này vẫn là một nhắc nhớ thiêng liêng về “đồng bào” trong đại cuộc.

Kỳ tới: Đừng quên nghĩa đồng bào!

TẤN ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên