04/11/2019 06:15 GMT+7

'Bé tí, mờ mờ, không ai nghĩ đường lưỡi bò'

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Ông Bùi Văn Thanh, chủ nhiệm khoa tiếng Trung - tiếng Nhật Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, chia sẻ khi mang cuốn giáo trình này về thấy 'bé tí, mờ mờ' nên không ai nghĩ đó là 'đường lưỡi bò'.

Bé tí, mờ mờ, không ai nghĩ đường lưỡi bò - Ảnh 1.

Ông Bùi Văn Thanh - chủ nhiệm khoa tiếng Trung - tiếng Nhật Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội (trái) và ông Nguyễn Nho Ân - phó trưởng khoa, trả lời Tuổi Trẻ - Ảnh: H.THANH

Không chỉ riêng trang 36 của giáo trình Đọc sơ cấp 1 "Developing Chinese" in hình bản đồ Trung Quốc có "đường lưỡi bò", trong trang 32 giáo trình Nghe sơ cấp 1 "Developing Chinese" cũng có hình ảnh "đường lưỡi bò" rất nhỏ, khó phát hiện.

Trưa 3-11, ông Bùi Văn Thanh - chủ nhiệm khoa tiếng Trung - tiếng Nhật Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội - trả lời Tuổi Trẻ xung quanh thông tin vụ việc cuốn giáo trình có "đường lưỡi bò" được sử dụng làm tài liệu học tập và giảng dạy ở khoa này. Cả hai cuốn giáo trình này ghi do phía ĐH Ngôn ngữ Bắc Kinh xuất bản.

Ngay giáo viên không hiểu chấm chấm là "đường lưỡi bò"

Trang 32 giáo trình Nghe sơ cấp 1 "Developing Chinese" có hình ảnh "đường lưỡi bò" rất nhỏ, nhìn bằng mắt thường khó phát hiện. Ông Thanh chia sẻ khi mang cuốn giáo trình này về thấy "bé tí, mờ mờ" nên không ai nghĩ đó là "đường lưỡi bò", phía khoa cũng chỉ dạy về mặt nội dung, ngữ pháp nên rất khó.

"Có cái này thôi, chỉ chấm chấm thế này, ngay giáo viên không hiểu chấm chấm là "đường lưỡi bò", sinh viên không hiểu đây là gì vì không học bản đồ, chủ yếu học ngữ pháp. Trong này (giáo trình - PV) không nói về đường biên giới, tranh chấp Trường Sa, Hoàng Sa hay "đường lưỡi bò", chỉ vẽ thế này nhưng nhiều người không biết chấm chấm là gì" - ông Thanh thông tin.

Ông Bùi Văn Thanh, chủ nhiệm khoa tiếng Trung - tiếng Nhật, Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, chia sẻ về việc hai cuốn giáo trình có "đường lưỡi bò" - Video: PHẠM TÂM

Lãnh đạo khoa cho biết giáo trình trước khi giảng dạy có hội đồng khoa học của khoa kiểm tra lại, đọc lại từng câu chữ, từng nội dung. Tất cả 7 tổ chuyên môn của khoa đọc lại, cam đoan về mặt nội dung không có vấn đề gì.

Hiện nay ở khoa tiếng Trung - tiếng Nhật có hai loại giáo trình là tự biên soạn và sách ngữ pháp lấy của Bắc Kinh. Hai cuốn giáo trình này được mang về từ Trung Quốc.

Sau khi phát hiện vụ việc hai cuốn giáo trình có "đường lưỡi bò", phía khoa tiếng Trung - tiếng Nhật cho kiểm tra lại và thu hồi ngay, đồng thời báo cáo lên ban giám hiệu cho kiểm tra lại toàn bộ giáo trình Trung Quốc.

Mới đưa vào giảng dạy

Phóng viên đặt câu hỏi xung quanh thông tin giáo trình được giảng dạy từ nhiều năm trước sao không phát hiện, lãnh đạo của khoa cho biết nhiều năm trước khoa có nhiều cuốn giáo trình tiếng Trung khác nhưng không có hình bản đồ này. Đến đầu học kỳ năm nay, trường mới đưa cuốn này vào giảng dạy, phần "đường lưỡi bò" ở bài số 7 hiện nay có một số lớp chưa học đến.

Bé tí, mờ mờ, không ai nghĩ đường lưỡi bò - Ảnh 3.

Trong trang 32 giáo trình Nghe sơ cấp 1 'Developing Chinese' cũng có 'đường lưỡi bò' rất nhỏ - Ảnh: HÀ THANH

Bé tí, mờ mờ, không ai nghĩ đường lưỡi bò - Ảnh 4.

Cuốn giáo trình Đọc sơ cấp 1 'Developing Chinese' có 'đường lưỡi bò' đang được thu hồi, NXB Đại học Bắc Kinh xuất bản - Ảnh: HÀ THANH

Ông Bùi Văn Thanh cho rằng vụ việc này không ảnh hưởng đến nhận thức của giáo viên, sinh viên vì về mặt ý thức, sinh viên Việt Nam nhận thức rõ Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam. Một mặt, phía trường và khoa cho thu hồi hai cuốn giáo trình có bản đồ, sinh viên đồng tình đưa lại sách cho trường vì sách vi phạm chủ quyền Việt Nam.

Tuy nhiên, khó khăn là sinh viên trường này trường khác mượn giáo trình, photo lại thì trường khó kiểm soát được việc này để thu hồi.

"Cơ quan truyền thông báo chí nói nên sinh viên biết, sinh viên không ngây thơ, biết ngay "đường lưỡi bò" là gì rồi" - ông Bùi Văn Thanh nói.

Sau sự việc, lãnh đạo khoa tiếng Trung - tiếng Nhật nhận trách nhiệm phía khoa có thiếu sót.

"Chúng tôi chỉ lo tập trung nội dung, không xem kỹ hình ảnh, có cô xem hình ảnh nhưng không hiểu. Một mặt vấn đề này thuộc kiến thức, chứ chúng tôi có nhận thức, có ý thức dùng sách Trung Quốc rất cảnh giác. Quan niệm như thế nhưng thực tế nhìn bản đồ không phát hiện được, đấy là điểm yếu của chúng tôi" - ông Bùi Văn Thanh nhận trách nhiệm.

Xử lý trách nhiệm

Ông Vũ Văn Hóa, phó hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, cho rằng không thể truy trách nhiệm những người đi mua giáo trình vì "nhiệm vụ của chúng tôi mua về dạy chứ không phải sưu tầm, không phải một cuốn mà mua hàng trăm cuốn. Đến lúc dạy môn này thì phát hiện vụ việc nên chúng tôi đình chỉ, chưa dạy môn đó vội".

Theo ông Hóa, trách nhiệm là ở cơ quan mua về bán cho các đơn vị, xử lý coi mua ở chỗ nào, nếu đã bán cho sinh viên thì bắt buộc thu hồi.

Mấy năm dạy giáo trình có Mấy năm dạy giáo trình có 'đường lưỡi bò', giờ mới biết nhờ... sinh viên báo

TTO - Trang 36 của cuốn giáo trình Đọc sơ cấp 1 "Developing Chinese" in hình bản đồ Trung Quốc có “đường lưỡi bò". Mới đây khi nghiên cứu, sinh viên mới phát hiện và báo lại ngay cho ban giám hiệu nhà trường.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên