Học sinh đi học thêm môn tiếng Việt chương trình lớp 1 mới tại TP.HCM tối 5-10 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Chị N.H.T. - phụ huynh học sinh lớp 1 ở một quận vùng ven TP.HCM - bộc bạch.
Nửa đêm chưa xong bài
Chị T. kể: "Tôi cũng đắn đo lắm. Tuy nhiên, năm đầu tiên đi học mà con trai tôi đã buồn, mất tự tin vì thường xuyên bị cô giáo nhận xét là chậm và yếu. Tôi cũng rất căng thẳng, tự thấy không thể bình tĩnh dạy con khi một bên là lời trách móc của giáo viên, một bên là con trai cứ nhầm lẫn chữ này với chữ kia".
Theo chị T., nhiều lúc chị không biết phải dạy con như thế nào cho đúng. "Buổi tối vợ chồng tôi đánh vật với con bên bàn học. Mới viết được 1-2 chữ bé đã đứng lên uống nước, xong 1-2 chữ nữa lại đi vệ sinh, xong lại gọt bút chì...
Phải mất 15-20 phút bé mới hoàn thành được 1-2 dòng chữ sau rất nhiều lời nhắc nhở, năn nỉ, dỗ dành và cả dọa nạt, quát mắng của bố mẹ.
Mà bé viết được nhưng sai ô li, nguệch ngoạc nên phải tẩy đi rồi viết lại. Nhiều bữa ép con học đến 23h mà bài cô giao về nhà vẫn chưa làm xong...".
Một vòng trên các group "Đồng hành cùng con vào lớp 1", "Chia sẻ với phụ huynh có con vào lớp 1", "Hội phụ huynh có con vào lớp 1"... trên mạng, chúng tôi thấy nhiều phụ huynh tìm giáo viên cho con em đi học thêm. Hầu hết các thắc mắc việc chọn giáo viên có khả năng rèn chữ cho học sinh lớp 1.
Cô T. - giáo viên tiểu học ở Q.Tân Phú - cho biết: "Tôi nhận được nhiều cuộc gọi của phụ huynh học sinh lớp 1 xin cho con rèn chữ và tập đọc. Trong đó nhiều phụ huynh không có con học trong trường.
Tôi không dám nhận quá nhiều học sinh như những năm trước vì chương trình lớp 1 mới rất khác. Mỗi ca tôi chỉ nhận không quá sáu học sinh.
Thậm chí, có học sinh sau khi đến học thử một buổi tôi khuyên phụ huynh nên tìm giáo viên để dạy một kèm một mới mong có hiệu quả. Chương trình lớp 1 đã "chạy" được 1 tháng rồi. Bé yếu quá mà không được kèm cặp kịp thời thì sẽ rất "đuối" không theo kịp chương trình".
Giáo viên mầm non cũng dạy thêm
Chị M. - phụ huynh ở Q.Tân Bình - kể: "Thị trường dạy thêm cho học sinh lớp 1 ở TP.HCM rất đa dạng, giá nào cũng có, giáo viên còn đa dạng hơn. Con tôi học trái tuyến ở quận khác nên không học thêm buổi tối với cô giáo chủ nhiệm vì nhà quá xa. Thế là tôi tự đi tìm những điểm học thêm ở gần nhà".
Theo chân chị M. đi tìm chỗ học thêm cho con, chúng tôi đến nhà của một giáo viên ở Q.Tân Bình mà cô cho biết hiện đang dạy học sinh ở quận khác. Nhìn lớp học của cô mới chỉ có tám học sinh, chị M. có vẻ hài lòng.
Nhưng khi nghe đến khoản học phí 1,5 triệu đồng/tháng với lịch học ba buổi/tuần, chị M. thay đổi. Và rồi khi nhìn kỹ lại thấy các bé ngồi học quây quần trên... bàn ăn ở nhà cô, mắt cúi rạp xuống trang vở do bàn quá cao với ánh đèn dành cho phòng ăn, chị M. kéo tôi quay về.
Sang đến địa điểm thứ hai, chị M. vui mừng khi thấy bàn ghế được đóng đúng kiểu như ở trường tiểu học với chiều cao khá phù hợp, hệ thống ánh sáng cũng khá ổn. Thế nhưng, khi hỏi ra thì được biết cô giáo đứng lớp lại là... giáo viên mầm non.
Hơi thất vọng, tôi cùng chị M. đi đến một trung tâm gia sư với yêu cầu tìm giáo viên đang dạy lớp 1 dạy một kèm một.
Tuy nhiên, khi nghe đến khoản phí 300.000 đồng/buổi học, giáo viên thì không được chọn giáo viên lớp 1 mà có thể là giáo viên lớp 2, 3, 4, 5 nhưng đã được dự tập huấn về chương trình mới, chị M. nói: "Thôi, chịu khó đi xa một chút, cho con học với cô chủ nhiệm...".
Chị X. - phụ huynh ở Q.Bình Tân - còn cho con học thêm ở hai nơi. "Cô chủ nhiệm dạy ba buổi tối/tuần nhưng tôi thấy như vậy chưa đủ, tôi phải xin cho bé học thêm hai buổi/tuần với một giáo viên ở gần nhà vì bản thân tôi không thể dạy con.
Nhiều từ trong sách giáo khoa mang tính chất phương ngữ - chính bản thân tôi cũng không hiểu nổi làm sao có thể dạy con được" - chị X. nói.
TP.HCM: giáo viên giãn tiến độ chương trình lớp 1 mới
Chiều 5-10, Sở GD-ĐT TP.HCM phát đi văn bản yêu cầu các giáo viên có thể giãn tiến độ thực hiện chương trình lớp 1 và tăng thời lượng tiết dạy để vừa sức với học sinh của lớp.
Ngoài ra, Sở GD-ĐT TP cũng yêu cầu giáo viên lớp 1 không được tạo áp lực, không phê bình, chê bai học sinh mà cần động viên, khuyến khích kịp thời, tạo động lực và hứng thú học tập cho học sinh.
Riêng đối với môn tiếng Việt lớp 1, giáo viên có thể phân phối tiết dạy theo hướng tăng thêm thời lượng ở phần âm, vần để rèn thêm kỹ năng đọc, viết cho học sinh.
Sở cũng yêu cầu ban giám hiệu các trường tiểu học chủ động dự giờ, thăm lớp để giúp đỡ giáo viên lớp 1 nhằm giải quyết kịp thời những khó khăn trong quá trình giảng dạy.
Bộ GD-ĐT: khắc phục khó khăn giáo viên, phụ huynh phản ánh
Chiều 5-10, Bộ GD-ĐT có văn bản hướng dẫn tăng cường thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc tiểu học nhằm khắc phục những khó khăn được giáo viên và phụ huynh phản ánh.
Theo đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD-ĐT phải chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục để không gây quá tải, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình mới được xây dựng theo hướng mở.
Bộ GD-ĐT cũng lưu ý các trường chỉ đạo giáo viên giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh.
Thời khóa biểu cần bảo đảm tỉ lệ hợp lý giữa các môn học và hoạt động giáo dục, phân bổ hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1.
V.HÀ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận