05/05/2023 17:19 GMT+7

Bé gái 8 tuổi đột quỵ may mắn được cứu sống

Sau khi tắm xong, bé gái 8 tuổi (trú tại tỉnh Phú Thọ) có biểu hiện không thể tự mặc quần áo, co giật. Gia đình nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế và được chẩn đoán đột quỵ, may mắn trẻ được cấp cứu kịp thời.

Bé gái 8 tuổi đột quỵ may mắn được cứu sống - Ảnh 1.

Bé gái 8 tuổi bị đột quỵ đang được điều trị phục hồi chức năng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ - Ảnh: BVCC

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 5-5, đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết hiện đang tích cực điều trị phục hồi chức năng cho bé gái 8 tuổi sau đột quỵ.

"Đây là trường hợp đột quỵ ở trẻ em ít gặp, may mắn bệnh nhi được phát hiện đột quỵ sớm và cấp cứu kịp thời, không bỏ lỡ thời gian vàng cấp cứu (3-6 giờ đầu từ khi khởi phát cơn đột quỵ)", đại diện bệnh viện cho hay.

Cụ thể, theo lời kể của mẹ bệnh nhi, bé N.T.A. vốn khỏe mạnh, đi học và sinh hoạt bình thường. Khoảng 18h ngày 28-3, sau khi tắm xong, bé có biểu hiện không thể tự mặc quần áo và xuất hiện co giật.

Ngay sau đó, gia đình đã đưa trẻ đến Trung tâm Y tế thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ) sơ cứu ban đầu. Trẻ được chẩn đoán theo dõi nhồi máu não nhân bèo trái, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên phải không rõ nguyên nhân. Bệnh nhi được chuyển thẳng xuống Bệnh viện Nhi trung ương.

Sau 9 ngày điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương, bé A. được chuyển về phục hồi chức năng tại Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng miệng còn méo, nói chưa tròn tiếng, nửa người bên phải yếu, việc đi lại sinh hoạt cần sự trợ giúp của người nhà.

Bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Trung tâm đột quỵ bệnh viện, cho hay sau 10 ngày điều trị tích cực tại trung tâm, bé A. đã có phục hồi tốt, miệng hết méo, ăn uống không rơi vãi, đã có thể tự sinh hoạt cá nhân.

"Nếu như đột quỵ ở người lớn có các dấu hiệu ban đầu điển hình dễ nhận biết như miệng méo, nói ngọng, yếu liệt chân tay… thì ở trẻ em dấu hiệu ban đầu khá mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với những bệnh lý thông thường như: co giật, mất ý thức ngắn, hành động vụng về…

Đột quỵ não có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, ngày càng trẻ hóa và để lại nhiều di chứng nặng nề. Trong đó, phổ biến nhất là các rối loạn vận động như liệt, không thể đi lại; các rối loạn về nhận thức, khó vận động, ăn uống.

Việc chẩn đoán và điều trị chính xác đột quỵ não, đồng thời phục hồi chức năng sớm có ý nghĩa rất quan trọng, giúp kiểm soát và hạn chế tối đa các biến chứng.

Khi phát hiện trẻ có triệu chứng bất thường, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời", bác sĩ Trung thông tin.

Nguy kịch vì chích máu đầu ngón tay chữa đột quỵNguy kịch vì chích máu đầu ngón tay chữa đột quỵ

Thấy chồng bỗng khó nói, tê yếu nửa người, nghi chồng bị đột quỵ, người vợ dùng vật nhọn chích toàn bộ các đầu ngón tay, ngón chân nặn máu để 'chữa bệnh'.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên