Bệnh viện tỉnh khấu hao tài sản sai quy định hơn 18,3 tỉ đồng
Với hàng loạt sai phạm phát hiện sau đợt thanh tra mới đây, Sở Tài chính đã kiến nghị UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo giám đốc Sở Y tế rút kinh nghiệm và chỉ đạo kiểm điểm về các khuyết điểm, sai phạm tại BVĐK tỉnh thời gian qua.
Bê bối tài chính kéo dài
Theo kết luận thanh tra của đoàn thanh tra Sở Tài chính, riêng về lĩnh vực đầu tư trang thiết bị y tế bằng nguồn vốn của đề án xã hội hóa trong bốn năm (2007-2010) đã bộc lộ nhiều vấn đề phức tạp, sai phạm. Trong năm 2008 và 2009, BVĐK Bình Định đã không thực hiện góp vốn đủ theo đề án mà thực hiện góp vốn bằng phương thức vừa hạch toán thu góp vốn, vừa chi trả vốn góp và lợi nhuận với tổng số tiền trên 36 tỉ đồng.
Bệnh viện không chỉ sai trong việc chi trả lãi vốn góp, trích khấu hao tài sản mà còn sai trong việc tăng nguyên giá tài sản cố định, tính thuế thu nhập doanh nghiệp của hoạt động dịch vụ, phân phối lợi nhuận sau thuế của dịch vụ khám chữa bệnh bằng nguồn vốn huy động năm 2009 và 2010 giữa bên góp vốn và bệnh viện...
Sai phạm chính, theo nhận định của Sở Tài chính, thuộc về ban lãnh đạo BVĐK Bình Định mà đứng đầu là giám đốc Phạm Tỵ và phó trưởng phòng phụ trách tài chính kế toán Tôn Nữ Thanh Trúc.
Thiếu dân chủ, mất đoàn kết
Không chỉ bị thanh tra tài chính phát hiện nhiều sai phạm, giữa tháng 4 vừa qua tổ công tác của Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định đã kết thúc đợt làm việc với Đảng ủy BVĐK tỉnh Bình Định và đã có báo cáo kết luận. Báo cáo viết: “Tình trạng mất đoàn kết trong đảng ủy bệnh viện, trong ban giám đốc, và trong các khoa phòng kéo dài. Một số cán bộ với nhiều lý do khác nhau đã xin nghỉ việc, xin chuyển công tác đi nơi khác. Từ năm 2006 đến nay có 94 cán bộ, bác sĩ, viên chức trong biên chế xin nghỉ việc, xin chuyển công tác”.
Theo báo cáo, công tác tổ chức cán bộ tại đảng ủy bệnh viện trong nhiệm kỳ giám đốc kiêm bí thư đảng ủy bệnh viện Phạm Tỵ đều do ban thường vụ đảng ủy quyết định và việc tách chi bộ không thông qua đảng ủy là trái với điều lệ Đảng và các quy định của Đảng. Một số trường hợp tách chi bộ và bố trí cán bộ chưa đảm bảo quy trình, thiếu dân chủ, dẫn đến nhiều dư luận không tốt.
“Phương pháp lãnh đạo, quản lý, điều hành của ban giám đốc nói chung, giám đốc bệnh viện Phạm Tỵ nói riêng có mặt còn hạn chế, nhất là phương pháp quản lý, điều hành có lúc thiếu dân chủ, không đảm bảo quy trình, thiếu tôn trọng cán bộ, viên chức” - trích báo cáo của tổ công tác.
Chiều 20-4, TS Phạm Tỵ, giám đốc BVĐK tỉnh Bình Định, khẳng định tình trạng nợ thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 7,8 tỉ đồng là do các cơ quan chức năng trước đây hướng dẫn không thống nhất và bệnh viện sẽ nộp thuế đầy đủ. * Vì sao có vấn đề thiếu dân chủ, mất đoàn kết kéo dài ở bệnh viện? - Ông Phạm Tỵ: Vấn đề đó thật ra đã được khắc phục từ năm 2009 sau khi cơ quan cấp trên kiểm tra về công tác xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Tôi nghĩ không nên nhắc lại vấn đề này vì đã khắc phục xong. Không lẽ năm năm sau nhắc lại nữa? * Vì sao từ năm 2006 đến nay đã có 94 cán bộ, bác sĩ, viên chức trong biên chế xin nghỉ việc, xin chuyển công tác khác? - Trong số hơn 100 bác sĩ xin về thì sau đó khoảng 20 bác sĩ xin nghỉ việc, chuyển công tác, nhưng tôi khẳng định chưa có bác sĩ nào trình độ chuyên khoa 2 xin chuyển đi. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận