16/08/2004 21:43 GMT+7

Bảy xóm Việt kiều ở Pakse

KIM ANH
KIM ANH

TT - Học được mỗi câu “pay tà lạt” (đi chợ), chúng tôi lên chiếc tuktuk (loại xe thông dụng để chở khách, giống xe lam của VN) đi chợ Quốc Tế, TP Pakse, tỉnh Champasak (Lào).

bfEFt96P.jpgPhóng to
Góc xóm Việt kiều trên đất bạn Lào tại TP Pakse - Ảnh: Kim Anh

Dạo mua vài thứ lặt vặt xong, lang thang trên những con đường không biết gọi tên gì (vì không đọc được chữ Lào), chúng tôi đang tìm cách hỏi đường về nhà nghỉ thì thật bất ngờ một giọng nói tiếng Việt rất sõi đến với chúng tôi: “Anh chị về đâu, đi xe không?”. Thì ra tiếng của anh chạy xe tên Thành, người gốc Việt, được sinh ra trên đất bạn.

Lập nghiệp trên đất bạn

Tại TP Pakse, chẳng khó khăn lắm khi bạn muốn thuê xe dạo TP hay vào chợ mua hàng đến quán ăn… vì nơi đây có khá nhiều Việt kiều sống thành từng khu xóm.

“Tại PakSe có bảy xóm người Việt. Đó là xóm Xuống Đá, Nhà Đèn, Tân Phước, Tân An, Sân Bay, Tà Hín và Bản Thung. Có khoảng hơn 5.000 Việt kiều đang sinh sống và lập nghiệp tại đây so với hơn 6.000 Việt kiều sống rải rác tại bốn tỉnh phía Nam Lào”- ông Trần Ngọc Kim, chánh văn phòng Tổng lãnh sự VN tại bốn tỉnh Nam Lào, cho biết. Bên cạnh những công việc như xây dựng, trồng cây công nghiệp, Việt kiều buôn bán rất đông ở hai chợ lớn và làm chủ những khách sạn, nhà hàng có tiếng tại TP này.

Đa số Việt kiều định cư tại Pakse từ khoảng 70 năm trước. Họ có gốc tại miền Trung và Bắc Trung bộ VN. Phần lớn gia đình Việt kiều đều lo cho việc học của con cái. Như gia đình ông Nguyễn Văn Thuật ở xóm Tân Phước có sáu người con đều vào đại học.

Cô con gái đầu Nguyễn Thị Hồng Điệp du học bên Mỹ, cô em gái kế Nguyễn Thị Thanh Đoan tốt nghiệp ĐH Quốc gia Vientiane đã đi làm, cậu con trai út Nguyễn Đức Quang đang học ĐH Y Thái Bình tại VN... “Truyền thống gia đình bên nội rất hiếu học nên chị em nó cũng noi theo. Cha mẹ làm ăn vất vả nhưng giá nào cũng phải cho con cái học đến nơi đến chốn”- bà mẹ tâm sự.

Hay như gia đình ông Trần Hùng cũng quyết cho ba người con vào đại học, trong đó có hai người về học tại VN (Trần Thị Kim Hiền học ĐH Y Huế, cậu em út Trần Trọng Tiến cũng đang là sinh viên năm 2 ĐH Y Thái Bình), riêng người chị Trần Thị Kim Hương có đến hai bằng cử nhân kinh tế và ngoại ngữ, hiện làm tại Công ty dược CPF có tiếng tại Lào. Gia đình ông Nguyễn Văn Minh ở xóm Nhà Đèn cũng vậy, có năm người con thì ba người đã vào đại học.

Ông Đoàn Hữu Đấu, chủ nhiệm Hội Người VN tại tỉnh Champasak, cho biết: “Các gia đình Việt kiều đa số có cuộc sống ổn định, họ đầu tư nhiều cho việc học của con cái. Có nhiều cháu còn được Nhà nước Lào chọn đi du học để phục vụ đất nước nữa đấy”.

Trường tiểu học Hữu Nghị nằm trên con đường 13B TP Pakse là ngôi trường do Hội Việt kiều xây dựng. Mới đây, Hội Người VN ở nước ngoài đã ủng hộ 300 triệu đồng để xây thêm dãy phòng mới đủ để đào tạo hơn 1.000 con em Việt kiều tại đây. Đa số học sinh của trường hiện nay là thế hệ thứ tư, thứ năm.

Khi chúng tôi đến trường, các em đã chào đón bằng những bài hát rất thân quen với thiếu nhi VN: “Giơ tay ra nào, nắm lấy cái tai nào, lắc lư cái đầu nào, ồ sao bé không lắc…”. Trong chương trình dạy tại đây, mỗi ngày các em còn được học một tiết tiếng Việt.

“Bộ GD-ĐT VN đã tăng cường hai giáo viên sang đây dạy tiếng Việt. Chúng tôi là Việt kiều nhưng sử dụng tiếng Việt chừng mực nào đó thôi. Các em chỉ học tiếng Việt đến lớp 5. Chúng tôi rất lo là lên cấp II các em sẽ bị mai một tiếng Việt”- thầy Đặng Công Lân, hiệu trưởng Trường Hữu Nghị, bộc bạch.

Giữ hồn Việt

r9noqAOr.jpgPhóng to
Các em học sinh Việt kiều thế hệ thứ tư, thứ năm vẫn hát những bài hát thiếu nhi VN rất hay - Ảnh: Kim Anh

Con đường dẫn vào xóm Tân Phước rất đỗi thân thuộc với những dãy nhà trang trí rất giống như khu xóm tại VN. Bước vào đầu ngõ, nhà cô Cúc phơi đầy bánh tráng phía trước. Phía bên đường là tiệm cơm mang biển quảng cáo song ngữ Lào-Việt “cơm bình dân”.

Chúng tôi cứ ngỡ không phải đang đi trên đất bạn. Những đứa trẻ chạy tung tăng trong con xóm nhỏ gọi nhau í ới bằng tiếng Việt, đôi lúc chúng lại pha tiếng Lào.

Trung tâm xóm Tân Phước là ngôi đền thờ Hưng Đạo Vương, phía trước có hai câu đối Núi Kiếp bao phen vang chiến tích - Sông Đằng một trận phá Nguyên binh, bên trong có bàn thờ tượng Trần Hưng Đạo và một bàn thờ những người có công giữ đền từ xa xưa. Ngôi đền xây dựng từ năm nào bà con trong xóm không ai còn nhớ. Đền được mở rộng và xây khang trang hơn vào năm 1993, kinh phí do bà con Việt kiều đóng góp.

Gia đình ông Đặng Văn Tình nhà ở gần ngôi đền nên được giao trọng trách giữ đền. “Hằng ngày tôi vẫn vào thắp hương, dọn dẹp. Tượng của ngài được một bà thỉnh tận VN sang sau khi về thăm quê đấy. Ngoài đám giỗ chính vào ngày 20-8 âm lịch, hằng năm bà con còn tập trung về đây tổ chức các lễ như lễ đầu năm, lễ vào hè, ra hè, lễ cuối năm... Chúng tôi sống xa quê hương nhưng vẫn luôn giữ phong tục tập quán của đất nước mình, dù có người chưa một lần được đặt chân về VN mà chỉ xem qua hình ảnh trên tivi ”- ông Tình tâm sự.

Ngay cả cách trang trí của nhà hàng Ketmany trên con đường 13 của ông chủ Bùi Văn Huấn cũng không khác gì những nhà hàng tại VN. Quầy chính của nhà hàng được bày bình hoa đào treo băng pháo giả, phía trên tủ thờ là tượng ba ông Phúc - Lộc - Thọ rất to.

Chúng tôi được cô Mai Huỳnh, con gái ông chủ, “tiếp thị” các món ăn rất Nam bộ như cá kho tiêu; canh đậu hũ, lá hẹ nấu thịt bằm. Ngồi ăn trên đất Lào cứ ngỡ đang ở VN. Hội Người Việt tỉnh Champasak hoạt động khá mạnh so với Hội Người Việt ở các tỉnh khác trên đất nước Lào. Hễ nghe tin quê nhà bị bão lũ, hoạn nạn là bà con tức tốc gom góp gửi về... Nhà hội phân công hẳn một người phụ trách công tác thanh niên, đó là ông Mai Văn Khuê.

Ông cho biết: “Phong trào cũng khá sôi nổi. Các bạn thành lập đội bóng của từng xóm, tập luyện thường xuyên tại sân vận động của tỉnh. Đội văn nghệ mỗi dịp giao lưu, họp mặt cũng hoạt động hết công suất”. Những bài hát về Hà Nội như Em ơi Hà Nội phố, Hà Nội mùa vắng những cơn mưa... do anh Nguyễn Văn Tuấn trình bày luôn làm rung động những trái tim người Việt trên đất bạn.

“Tôi nói giọng Việt hơi lơ lớ nhưng tôi dặn mấy đứa con đều phải sử dụng tiếng Việt khi nói chuyện trong gia đình, nếu không chúng sẽ quên nguồn gốc mất” - anh Tuấn nói.

KIM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên