22/08/2013 06:57 GMT+7

Bảy năm làm thuê nuôi giấc mơ đại học

ĐỨC TRONG - MAI HIỀN
ĐỨC TRONG - MAI HIỀN

TT - Bảy năm trời làm thuê với đủ thứ nghề từ chạy bàn cho đến bốc vác, chàng trai 25 tuổi Võ Thành Lợi đã đỗ ĐH Luật TP.HCM với tổng số điểm 20,5 (khối C).

Fq4PRcsy.jpgPhóng to
Bảy năm qua Lợi hành nghề bốc vác để nuôi dưỡng ước mơ đại học - Ảnh: ĐỨC TRONG

Tốt nghiệp lớp 12, từ quê nghèo Bình Thuận, Lợi một thân một mình vào TP.HCM làm nghề bốc vác để kiếm sống và tự ôn thi đại học. Cứ ban ngày đi làm thuê, ban đêm Lợi lại giở sách vở ra học... Ròng rã bảy năm trời, trải qua nhiều lần thi trượt, Lợi mới có tin vui ngày hôm nay.

Trong nhọc nhằn vẫn mơ đại học

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở huyện Bắc Bình (Bình Thuận), từ khi sinh ra Lợi đã không biết mặt cha. Cha đã bỏ bốn mẹ con Lợi ra đi khi Lợi còn nằm trong bụng mẹ. Cả gia đình sống nhờ vào mấy sào đất trồng mì. “Miếng ăn qua ngày còn bấp bênh huống chi chuyện học hành. Tất cả đều trông chờ vào một tay mẹ vun vén nên cuộc sống rất khó khăn”-Lợi tâm sự.

Năm 2006 Lợi tốt nghiệp THPT, do không có tiền để học đại học, Lợi vào TP.HCM tìm đường mưu sinh phụ giúp gia đình. Lợi làm đủ thứ nghề từ bồi bàn, bốc vác, phụ hồ...

Dù cực khổ nhưng trong Lợi vẫn luôn khao khát một ngày bước chân vào giảng đường đại học. Ban ngày làm việc vất vả nhưng đêm đến Lợi vẫn miệt mài ôn thi đại học. Năm 2009, Lợi thi đại học. Lần đó không đủ điểm vào nguyện vọng 1, Lợi dốc hết số tiền tiết kiệm ít ỏi của mình để nộp đơn vào một trường dân lập. Vừa đi học vừa đi làm được hơn một năm, Lợi đành phải nghỉ học do không kham nổi số tiền học phí vượt sức của mình, quay trở lại làm thuê để kiếm sống. Lợi nhủ lòng: “Mình nghèo không học nổi trường dân lập thì phải quyết chí học trường công để nhẹ gánh học phí”. Ba năm sau, Lợi tiếp tục nộp hồ sơ dự thi đại học nhưng rồi lại trượt...

Không nản chí, Lợi tiếp tục vừa làm thuê vừa tự học. Lợi học từ sách giáo khoa và tự tìm tài liệu ôn thi trên mạng chứ không đến một trung tâm luyện thi nào. Gần ngày thi, Lợi phải nghỉ làm thuê một tháng để tập trung học bài. Trong một tháng không làm ra tiền đó, Lợi phải dè sẻn từng đồng. Lợi nói: “Lúc nào trong tâm trí tôi cũng thôi thúc việc học, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi lại thường xuyên bị đau đầu nên việc ôn luyện rất khó khăn”. Dù bị chứng đau đầu hành hạ nhưng Lợi vẫn ngày đi làm, đêm thức học bài. Căn bệnh đau đầu vẫn chưa tìm được nguyên nhân vì Lợi sợ...gặp bác sĩ. Nói về điều này, Lợi cười: “Làm cật lực mỗi tháng tôi kiếm được 3 triệu đồng, lo chi tiêu đủ thứ mà vẫn thiếu trước hụt sau thì lấy đâu ra tiền đến bác sĩ”. Năm 2013, Lợi quyết định thi vào Đại học Luật TP.HCM và lần này Lợi đã đỗ đại học với tổng số điểm 20,5 (khối C).

Gian nan còn ở phía trước

Lợi kể sau mỗi kỳ thi trượt là một nỗi thất vọng ghê gớm. Người ta chỉ buồn vì thi trượt, Lợi thì không chỉ buồn mà còn “cày” gấp đôi gấp ba lần để kiếm tiền trả nợ cho những tháng ở không luyện thi. Lợi nhìn xa xăm: “Nhiều lúc đau ốm do làm việc quá sức, tôi chỉ ước một điều nếu ông trời đã không cho tôi cái gì thì hãy cho tôi sức khỏe để làm thuê kiếm tiền đi học”.

Mẹ luôn là hình ảnh thôi thúc Lợi theo đuổi giấc mơ đại học để thay đổi số phận mình, bởi: “Mẹ tôi một mình nuôi bốn người con rất vất vả. Biết tôi dù có đậu đại học mẹ cũng không có tiền nuôi nổi tôi ăn học, vậy mà lúc nào mẹ cũng động viên tôi cố gắng thi đậu đại học rồi tính sau” - Lợi chia sẻ.

Khi chúng tôi đang viết bài này, Lợi gọi điện cho biết đã nghỉ việc bốc vác vì không thể vừa đi học vừa đi làm theo quy định giờ giấc của công trường. Số tiền ít ỏi dành dụm được bấy lâu Lợi mua xoong chảo, bếp dầu để làm chuối chiên bán cho sinh viên, công nhân trong một con hẻm nhỏ gần Trường ĐH Giao thông vận tải (Q.2, TP.HCM). Chưa biết với việc bán chuối chiên liệu Lợi có đủ thời gian và tiền bạc để đến trường hay không, nhưng chúng tôi tin với sự cố gắng không ngừng nghỉ của mình, Lợi sẽ vượt qua mọi chông gai trên để hiện thực hóa ước mơ đã nung nấu bảy năm qua.

“Tiếp sức đến trường” lan tỏa đến trường đại học

Ngày 21-8, tin vui đến thêm với “Tiếp sức đến trường” khi Tuổi Trẻ nhận được thông báo của Trường ĐH Tài chính - marketing TP.HCM. Đó là từ cảm xúc với “Tiếp sức đến trường”, trường ĐH này đã quyết định áp dụng mô hình tiếp sức tân sinh viên nghèo với trường mình. Nghĩa là trong quá trình tiếp nhận tân sinh viên, nếu phát hiện sinh viên nào có hoàn cảnh thật khó khăn, có nguy cơ bỏ học, trường sẽ tặng học bổng trị giá 10 triệu đồng/suất cho tân sinh viên đó. Ông Nguyễn Ngọc Tân, trưởng ban quản lý các cơ sở đào tạo Trường ĐH Tài chính - marketing, cho biết: “Chúng tôi thật sự ấn tượng với chương trình “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ suốt những năm qua. Vì vậy, nhân dịp thành lập Quỹ đồng hành cùng sinh viên UFM của Trường ĐH Tài chính - marketing, chúng tôi sẽ tiếp sức cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được đến trường”. Theo ông Tân, học bổng sẽ không giới hạn số lượng, miễn là tân sinh viên xác thực được hoàn cảnh khó khăn thật sự thì sẽ được nhận học bổng.

Ngay ngày 22-8, đại diện Trường ĐH Tài chính - marketing sẽ về Trà Vinh trao học bổng cho một tân sinh viên nghèo người Khmer, đồng thời đưa bạn sinh viên này về trường nhập học. Được biết, Quỹ đồng hành cùng sinh viên UFM do các thầy cô Trường ĐH Tài chính - marketing tự quyên góp từ ngày công làm việc để giúp đỡ các bạn sinh viên gặp khó khăn. Quỹ được hình thành từ giữa tháng 8-2013.

ĐỨC TRONG - MAI HIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên