16/09/2022 09:35 GMT+7

'Bẫy lừa' chực chờ tân sinh viên

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Chỉ vài ngày nữa, tân sinh viên sẽ lên các thành phố lớn nhập học. Họ rất dễ trở thành con mồi cho các chiêu trò lừa đảo.

Bẫy lừa chực chờ tân sinh viên - Ảnh 1.

Thí sinh và phụ huynh đến nộp hồ sơ xét tuyển tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành - Ảnh: NHƯ HÙNG

T.N.V. - sinh viên năm 2 Trường ĐH Ngoại ngữ tin học TP.HCM - cho biết năm trước sau khi nhập học, có một người xưng là sinh viên năm 3 của trường vào kết bạn Facebook. 

Người này nhắn tin trao đổi các thông tin liên quan đến học hành và nói hiện tại có ba vấn đề tân sinh viên cần quan tâm: kỹ năng mềm, kiếm thu nhập, học lấy bằng để ra trường và hỏi mình quan tâm vấn đề nào.

Học phí chỉ đóng qua tài khoản của trường, không chuyển cho bất kỳ cá nhân nào nhân danh trường. Khi nhận được những lời mời tham gia các câu lạc bộ kỹ năng, giới thiệu nhà trọ, đề nghị hỗ trợ từ người lạ, tân sinh viên cần hết sức cảnh giác. Đặc biệt là đa cấp, tân sinh viên rất dễ bị lừa.

Ông NGUYỄN VĂN ĐƯƠNG (trưởng phòng chăm sóc và hỗ trợ người học Trường ĐH Kinh tế TP.HCM)

Những người lạ "thiện chí"

"Chị hẹn trao đổi trực tuyến, rủ vào các hội nhóm học tập kỹ năng mềm, giao lưu cộng đồng sinh viên, kinh doanh online, làm giàu tự túc, vẽ lên trong đầu mình rất nhiều cách làm sao để kiếm tiền nhanh nhất. 

Lúc đầu mình không nghĩ gì nhưng sau khi nghe chị nói chuyện, mình cảm thấy có gì đó không ổn. Mình vội kiểm tra thông tin thì nghi đây là đa cấp nên đã thoát khỏi cuộc nói chuyện đó", V. cho hay.

Tương tự, H.T.S. - sinh viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - cũng được một người lạ xưng là sinh viên khóa trên kết bạn. Biết S. thích đá banh, người này mời S. tham gia câu lạc bộ đá banh của mình và sau đó có ra sân đá thật. Người này sau đó trao đổi với S. rất nhiều và mời S. tham gia câu lạc bộ kỹ năng mềm.

"Đó là một căn nhà ở đường Trường Chinh, quận Tân Bình. Rất đông người, toàn 19 - 20 tuổi. Mới vô họ đòi giữ căn cước công dân. Mình bị thuyết phục nghỉ học ĐH để phục vụ cho sự nghiệp làm giàu. Khi học được gần một tháng, họ bắt đầu yêu cầu đóng tiền mua sản phẩm để trở thành nhà kinh doanh để bắt đầu kiếm tiền. 

Không có tiền thì lừa cha mẹ, bán xe. Kinh khủng nhất là ngay cả đi vệ sinh, ăn uống đều có người đi theo. Đi làm không được phép kết bạn với đồng nghiệp khác trừ tuyến trên tuyến dưới. May mà mình chưa đóng tiền cho nhóm đa cấp này", S. kể.

Việc nhẹ lương cao là một cái bẫy rất thu hút sinh viên. P.T.H. - sinh viên Trường ĐH Văn Hiến - cho biết có đăng ký theo dõi một trang về chó mèo. Một người đăng thông báo tuyển dụng làm việc bán thời gian online, một đơn hàng là 50.000 đồng. 

"Lúc đấy mình chỉ nghĩ là bán hàng quần áo cho chó mèo thôi nên đăng ký và người này đồng ý. Ngày đầu tiên chị yêu cầu mình vô trang web mà chị ấy đưa rồi làm theo hướng dẫn. Sau khi làm xong mình nhận được tiền. 

Ngày hôm sau làm năm đơn hàng nhưng số tiền quá lớn, chị yêu cầu mình phải nạp tiền vào tài khoản. Nhưng sau khi hoàn thành năm đơn hàng thì không rút được tiền, muốn rút phải làm thêm mấy đơn nữa. Mình đã mất gần 4 triệu đồng", H. chia sẻ.

Đây là một vài trong vô số những chiêu trò tiếp cận tân sinh viên với mục đích cuối cùng là lừa đảo. Việc tiếp cận ban đầu với tư cách người đi trước chỉ là vỏ bọc cho những dẫn dụ sau này.

Dấu hiệu nhận biết lừa đảo

Bà Hoàng Thị Thoa - phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - cho biết dù năm nào sinh hoạt đầu khóa trường cũng nhắc nhở tân sinh viên về chiêu trò lừa đảo nhưng hầu như luôn có sinh viên sập bẫy, nhất là đa cấp. 

Theo bà Thoa, sinh viên từ các tỉnh về thành phố nhập học phải xa gia đình đối mặt với nhiều điều mới lạ và cám dỗ. Tại các quán ăn, các quán nước xung quanh các trường ĐH luôn luôn có những người bán hàng đa cấp túc trực, nhất là trong thời gian đầu năm học.

"Người làm đa cấp có thể là bạn cùng phòng, bạn học cùng trường, bạn khóa trên, hay một người nào đó tiếp cận bạn và hứa sẽ giới thiệu cho bạn một công việc tốt, phù hợp sinh viên và thu nhập rất cao... 

Nhưng khi sinh viên tham gia vào mới biết là đa cấp và tiền mất, tật mang. Tân sinh viên hãy cảnh giác nếu nghe các luận điệu như công việc nhẹ nhàng, thời gian linh động, mức lương rất cao có thể vài chục, vài trăm triệu mỗi tháng. 

Đây là mô hình kinh doanh mới, bạn sẽ tự làm chủ không phải làm thuê cho ai hết. Bị lôi kéo tham gia các buổi hội thảo, tập huấn... Tuyệt đối không tham gia những hoạt động như vậy. Những đối tượng này thường xuyên nhắn tin, lôi kéo, thuyết phục bạn tham gia với họ. 

Bất kỳ công việc nào mà bạn chưa đi làm, chưa nhận lương mà người giới thiệu yêu cầu phải đóng một khoản tiền có thể là thế chân, mua tài liệu, mua sản phẩm, phí môi giới... thì đều không đáng tin và hãy tránh xa", bà Thoa lưu ý.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Anh - phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM - lưu ý các bẫy nhà trọ giá rẻ và tín dụng đen, điều tân sinh viên rất dễ bị lừa. Theo ông Quốc Anh, nhiều nhà trọ sau khi nhận tiền cọc xong có những cách thức làm cho các bạn sinh viên phải tự rút và mất cọc. 

"Thông thường, phòng công tác sinh viên các trường có bộ phận hỗ trợ tân sinh viên về ký túc xá, giới thiệu chỗ trọ nên phụ huynh, sinh viên có thể liên hệ phòng công tác sinh viên để được tư vấn và hỗ trợ thêm cũng như nắm bắt được mức giá cho thuê trung bình tại khu vực hiện tại như thế nào. Tránh những trường hợp cọc thuê nhà quá rẻ nhưng lại bị chủ nhà có mục đích chiếm đoạt tiền cọc", ông Quốc Anh nói.

Cũng theo ông Quốc Anh, tân sinh viên thường vướng vào vay tiêu dùng với những tổ chức tín dụng cho vay lãi suất cao, chỉ cần để lại thông tin và số điện thoại là các bạn sẽ có thể được giải ngân sau vài phút nhanh chóng với lãi suất khoảng 0,3%/ngày. 

Nhưng khi vay thực tế và tính toán thì lãi suất tương đương khoảng 10%/tháng và hơn 100%/năm. Và cứ thế lãi cộng gốc sẽ gia tăng đến mức không có khả năng chi trả và phụ huynh phải bán tài sản để trả nợ cho các em.

Cẩn thận với thông báo đóng tiền

Mới đây, Trường ĐH Văn Lang phát đi cảnh báo giả mạo thông báo của trường về việc đóng học phí đối với tân sinh viên trúng tuyển khóa 2022.

Thông báo đóng mộc đỏ của trường yêu cầu thí sinh chuyển khoản qua ngân hàng số tiền hơn 86 triệu đồng hoặc đóng tiền mặt tại trường khi đến làm thủ tục nhập học.

Trường cho biết số tài khoản trong thông báo này không phải của trường. Đây là thông báo giả mạo.

Coi chừng bẫy lừa Coi chừng bẫy lừa 'trúng tuyển học bổng trường đại học'

TTO - Thí sinh bất ngờ nhận được email thông báo đã trúng tuyển học bổng 50% của trường đại học nhưng khi xác minh tại trường thì hoàn toàn không có thông tin này.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên