14/04/2016 06:20 GMT+7

Bầu Quốc hội Hàn Quốc, đảng cầm quyền không còn chiếm đa số

ANH THƯ - TÚ ANH
ANH THƯ - TÚ ANH

TTO - Hôm qua, cử tri Hàn Quốc bỏ phiếu chọn 300 thành viên quốc hội mới. Theo AFP, Đảng cầm quyền Saenuri của Tổng thống Park Geun Hye vẫn hi vọng giành đa số ghế bất chấp kinh tế ì ạch và nhiệm kỳ qua được cho là kém hiệu quả. 

Cậu bé Hàn Quốc theo mẹ đi bầu cử tại Seoul ngày 13-4 - Ảnh: Reuters
Cậu bé Hàn Quốc theo mẹ đi bầu cử tại Seoul ngày 13-4 - Ảnh: Reuters

Tuy vậy, Reuters dẫn thông tin từ Đài truyền hình KBS của Hàn Quốc dự báo đảng bảo thủ Saenuri chỉ giành được 121-143 ghế, trong khi đảng đối lập chính Minjoo giành được 101-123 ghế. Một đảng đối lập nhỏ là Đảng Nhân dân dự kiến lấy được 41 ghế.

Ủy ban bầu cử quốc gia Hàn Quốc cho biết số cử tri đi bầu cử sớm (tổ chức từ mấy ngày qua) ít hơn so với 4 năm trước. Reuters nhận định nếu xu hướng này vẫn kéo dài thì sẽ mang lại lợi thế cho Đảng Saenuri vốn đã phần nào mất đi sự ủng hộ những năm qua.

Cuộc bầu cử lần này vì thế trở thành cuộc bầu cử khó đoán hơn hai lần trước đây. Saenuri nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cử tri lớn tuổi và đảng cầm quyền đang tìm cách củng cố sự ủng hộ bằng các biện pháp và lập trường cứng rắn đối với Bình Nhưỡng sau vụ thử bom hạt nhân và các vụ phóng tên lửa của chính quyền Kim Jong Un.

Khảo sát của Gallup Korea ngày 1-4 công bố kết quả các cuộc thăm dò ý kiến trước bầu cử quốc hội cho thấy Đảng Saenuri giành được 37% sự ủng hộ, trong khi đảng đối lập chính Minjoo chỉ có 21%.

Tuy nhiên, hiện tại cử tri Hàn Quốc đang bày tỏ sự thất vọng trước việc quốc hội nước này đã bỏ qua các vấn đề thiết thực như việc làm và an ninh quốc gia trong khi tập trung hơn vào việc bảo vệ các lợi ích chính trị.

Kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng 2,6% trong năm 2015 và tỉ lệ thất nghiệp của giới trẻ đạt kỷ lục mới kể từ năm 1999 đến nay, chạm mốc 12,5% trong tháng 2-2016.

Vì thế mối lo quyết định lá phiếu của cử tri chính là vấn đề thất nghiệp của giới trẻ và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn (số người giàu chỉ chiếm 10% dân số nhưng lại có được đến phân nửa tổng thu nhập quốc gia).

Kết quả bầu cử được công bố sớm nhưng sự thất vọng của người trẻ không thể giải quyết một sớm một chiều.

Cử tri trẻ tên Yuna, 24 tuổi, nói với Đài RFI: “Tôi đi bỏ phiếu vì muốn thay đổi đất nước quá bảo thủ. Tôi còn đang trong giai đoạn thực tập và không tìm được việc ổn định. Đó là vấn đề lớn cho tôi và những bạn bè của tôi. Chúng tôi không có việc làm và phụ nữ như chúng tôi thì càng bị phân biệt đối xử”.

Trong khi đó, cô Sang Hee, 22 tuổi, lại có cách cảm nhận khác: “Không nhiều người trẻ đi bỏ phiếu bởi vì suy cho cùng cũng không thay đổi được gì. Vấn đề chính hiện nay là thất nghiệp. Khi bầu cử đến gần thì các chính trị gia tạo cảm giác là đã nỗ lực nhưng trên thực tế họ chẳng làm gì cả...”.

ANH THƯ - TÚ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên