20/09/2015 10:27 GMT+7

Bất thường giá sữa

LÊ THANH - NHƯ BÌNH - DŨNG TUẤN (lethanh@tuoitre.com.vn)
LÊ THANH - NHƯ BÌNH - DŨNG TUẤN (lethanh@tuoitre.com.vn)

TT - Giá sữa nguyên liệu trên thị trường thế giới giảm liên tục, giảm ít nhất 20 - 25%, thậm chí nhiều lúc giảm gần 50%, nhưng ở VN không giảm, thậm chí tăng....

Các loại sữa được bày bán trên đường Nguyễn Thông, Q.3, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Từ tháng 3-2015 đến nay, giá sữa nguyên liệu trên thị trường thế giới giảm liên tục, giảm ít nhất 20 - 25%, thậm chí nhiều lúc giảm gần 50%. Nhưng ở VN, giá sữa thành phẩm đến tay người tiêu dùng không hề giảm, thậm chí còn tăng.

Theo lý giải của cơ quan quản lý, giá sữa trong nước không thể giảm ngay vì cần có độ trễ từ khi mua nguyên liệu đến sản xuất, lưu thông sữa thành phẩm ra thị trường. Thế nhưng so với mức đỉnh của tháng 4-2013 là hơn 5.100 USD/tấn, lý giải trên liệu có hợp lý?

Không giảm mà còn tăng theo tỉ giá

Nhiều phụ huynh đang nuôi con nhỏ có dùng sữa đều cho biết có nghe nói giá sữa nguyên liệu thế giới giảm nhưng số tiền chi hằng tháng để mua sữa cho con không hề giảm. Chị Minh Hằng, ngụ Q.7, TP.HCM, có hai con nhỏ, cho biết mỗi tháng chỉ riêng tiền sữa đã ngốn hơn 3 triệu đồng chi tiêu của gia đình.

“Số tiền này không giảm so với cách đây hơn một năm cho dù tôi đã chuyển qua một dòng sữa rẻ tiền hơn để tiết kiệm khi bé đầu đã lớn hơn. Thậm chí gần đây, sau khi thị trường có biến động tỉ giá, loại sữa tôi đang cho con uống còn tăng thêm 15.000 đồng/hộp” - chị Hằng nói.

Theo anh Hoàng - chủ cửa hàng sữa trên đường Nguyễn Thông (Q.3), cửa hàng chủ yếu đi lấy lại hàng từ các đại lý lớn. Bán sỉ cho các cửa hàng khác, các đại lý lớn sẽ bán giá sau khi đã được chiết khấu (giá gốc tại cửa hàng) chứ không chiết khấu thêm, ví dụ một lon sữa sau khi trừ đi chiết khấu thì đại lý lớn niêm yết giá bán cho đại lý nhỏ hơn khoảng 490.000 đồng, đại lý nhỏ nhập về bán cho người tiêu dùng khoảng 520.000 - 530.000 đồng là hết mức.

Anh Hoàng khẳng định hiện nay giá sữa đang bán ra không giảm, kể cả từ đầu năm cũng không giảm. “Hình như không có mặt hàng nào giảm cả, ngay cả sản phẩm Similac Gain IQ của Abbott giảm từ 900gr nay còn 850gr, giá 520.000 đồng, lúc trước là 550.000 đồng loại 900gr, giảm vậy thì cũng như không” - anh Hoàng cho hay. Không chỉ vậy, gần đây giá một số mặt hàng sữa nước nhập khẩu cũng tăng nhẹ.

Tương tự, tại Hà Nội, nhiều mặt hàng sữa bột từ sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đến sữa cho phụ nữ mang bầu, người già... tăng nhẹ 15.000 - 30.000 đồng/hộp so với tháng 6-2015. Giải thích nguyên nhân tăng giá sữa, chủ cửa hàng bán sữa trên phố Lê Hồng Phong (Hà Đông) cho biết do tỉ giá tăng, đại lý tăng giá nên buộc cửa hàng bán lẻ cũng phải tăng theo.

Chị Nhung ở Thanh Xuân cho biết giá bán sữa Pediasure BA dành cho trẻ 1-10 tuổi loại 850gr đã tăng lên 597.000 đồng/hộp, tăng 26.000 đồng so với tháng trước. Mức tăng khoảng 5% là không hề nhỏ.

“Như tháng trước cũng loại sữa này, tôi đã mua hộp 1,6kg nhưng hôm nay tôi đành phải chọn hộp bé hơn vì giá hộp 1,6kg đã tăng lên 1,002 triệu đồng, tăng thêm tới 38.000 đồng” - chị Nhung cho biết.

Giá nguyên liệu sữa thế giới giảm mạnh trong thời gian qua - Ảnh: Thanh Tùng - Đồ họa: như khanh - Nguồn: globaldairytrade

Khó giảm vì chi phí cao?

Theo Hiệp hội Sữa VN, sữa nguyên liệu ngoại nhập hiện đang chiếm hơn 70% thị trường VN với giá trị nhập khẩu hằng năm ở mức gần 1 tỉ USD. Giá nguyên liệu sữa đang giảm và được dự báo sẽ tiếp tục giảm 5-10% vào năm 2018 nhờ vào yếu tố giảm thuế theo lộ trình cam kết của VN với một số nước trong các hiệp định thương mại tự do như New Zealand, Úc...

Ngoài ra, nhu cầu ở một số thị trường lớn trên thế giới như Trung Quốc đang giảm cũng khiến nguồn cung trở nên dư thừa. Dù phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, nhưng khi giá sữa nguyên liệu thế giới có hiện tượng dư thừa nguồn cung, giảm liên tục thời gian qua và có nhiều thời điểm “kịch sàn”, thấp nhất trong vòng 12 năm qua thì giá sữa thành phẩm trong nước vẫn bình chân như vại!

Trước đây, mỗi năm các công ty sữa hay “len lén” tăng giá khoảng 7 - 10% cộng với việc sản lượng tăng 5 - 10% thì doanh số ngành sữa luôn đảm bảo tăng ít nhất 12 - 20%. Thế nhưng, theo các công ty kinh doanh sữa, sức tiêu thụ các sản phẩm sữa ở thị trường VN khoảng một năm gần đây giảm về cả số lượng lẫn giá trị, trong đó mức giảm đến từ ngành sữa bột.

Điều này hơi bất ngờ do sữa bột là sản phẩm thiết yếu dành cho trẻ em, mà theo thống kê, 65% người tiêu dùng sữa VN hiện nay là trẻ em. Nếu giảm giá sữa nữa đồng nghĩa doanh số sẽ giảm, điều mà không một doanh nghiệp nào mong muốn.

Phó giám đốc một công ty sữa VN cho biết giá nguyên liệu sữa gần đây giảm nên nhà sản xuất “dễ thở” hơn, nhưng mức giảm vậy không giúp doanh nghiệp bù nổi các chi phí khác đang leo thang như lương nhân viên, chi phí bán hàng, chi phí quản lý, điện, nước...

Vì vậy, trong bối cảnh này không thể giảm giá sữa. “Tiền thuê mặt bằng, điện, nước... của đại lý tăng, lợi nhuận cho người bán hàng cũng phải tăng để trang trải các chi phí. Nhà sản xuất vì vậy phải điều chỉnh lợi nhuận cho người bán cao hơn” - ông này giải thích.

Giám đốc đối ngoại một công ty sữa nước ngoài còn cho rằng từ khi cơ quan quản lý áp dụng quy định trần giá, tiêu thụ mặt hàng này cũng giảm theo, trong khi đó chi phí bán hàng tăng liên tục, sức ép tỉ giá..., nếu cho rằng nguyên liệu giảm mà giá sữa phải giảm theo là chưa đủ.

Tuy nhiên, theo nhiều đại lý, gần đây mức chiết khấu dành cho họ không chỉ giảm mà có sản phẩm không có chiết khấu. Một đại lý cho hay trước đây chiết khấu một số sản phẩm của Cô Gái Hà Lan khoảng 7% nay giảm xuống chỉ còn 2-3%.

Riêng đối với các dòng sữa nước của Abbott giá không tăng nhưng lại nhận được thông báo không có hàng từ các nhà phân phối. “Họ yêu cầu cửa hàng phải lấy sữa bột thì mới bán kèm sữa nước. Đơn hàng lấy 10 lon sữa bột thì sẽ bán kèm theo 1 thùng sữa nước” - ông chủ tiệm này nói.

Dồn chi phí vào khuyến mãi?!

Tháng 4-2015, khoảng 25 mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi đã được một số siêu thị sớm điều chỉnh giảm giá theo quy định của Bộ Tài chính sau khi chi phí quảng cáo được phép loại bỏ ra khỏi giá thành sữa.

Việc ép buộc này làm giá bán của 25 mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi của các nhà cung cấp Nestlé, Tiên Tiến (Mead Johnson), Danone và FCV, gồm các nhãn hàng Pro.Gold, Nan Gro, Enfamil A+, Enfagrow A+, Dumex, Friso, Ducht Lady... đã giảm từ 0,8 - 4%, tức chỉ giảm hơn 1.000 đồng/hộp sữa có giá vài trăm ngàn đồng, một mức giảm “gây sốc” với người tiêu dùng thời điểm đó.

Theo chủ tiệm kinh doanh sữa, bánh kẹo AD trên đường Trường Chinh (Q.12), tình hình tiêu thụ sữa từ đầu năm đến nay nhìn chung thấp. Để kéo sức mua, các nhà sản xuất cắt chiết khấu dành cho đại lý và tăng cường khuyến mãi.

“Thay vì chiết khấu 5% thì hiện giờ giảm còn 1 - 2% nhưng lại tăng khuyến mãi. Hầu như hãng nào cũng vậy, ví dụ dòng sữa Dielac giảm chiết khấu nhưng lại có khuyến mãi thêm các sản phẩm đi kèm” - anh này nói.

Các hãng sữa liên tục mời các cửa hàng lớn tham gia các chương trình khuyến mãi. Ví dụ, có hãng sữa tặng cho đại lý chuyến du lịch Mỹ khi nhập hàng giá trị trên 1 tỉ đồng, rồi bốc thăm trúng thưởng xe máy, xe hơi... nhằm kích hàng bán ra. Việc các hãng sữa liên tục bơm khuyến mãi, điều này gián tiếp làm giá sữa cũng giảm nhẹ.

Ví dụ mua ba lon thì tặng thêm một lon sữa khác. Theo các chủ cửa hàng, khách thường ít mua ba lon cùng một lúc, cửa hàng sẽ lấy giá của hộp sữa chia đều ra cho mọi khách được hưởng, giá giảm này sẽ giảm trực tiếp lên sản phẩm.

“Ví dụ tùy thùng loại 12 lon, loại 16 lon, loại hơn 20 lon mua thì được tặng một chiếc xe đạp, nhưng chiếc xe đạp mình đâu có xài, bán đi được 400.000 - 500.000 đồng, tiền này chia đều ra trên từng sản phẩm trong một thùng để giảm giá cho người mua. Ước tính mỗi lon sẽ được giảm thêm 8.000 - 15.000 đồng nữa. Tính ra sữa cũng đã giảm” - một chủ cửa hàng tính toán.

Với hình thức khuyến mãi này, giá sữa đến tay người tiêu dùng có giảm hay không tùy thuộc rất nhiều vào người bán. Nhiều cửa hàng cũng muốn giữ khách nên chủ động bớt giá, nhưng bớt bao nhiêu thì... tùy khách.

Nếu khách quen thì giảm một chút, nếu khách vãng lai thì bán như giá niêm yết. Vào các siêu thị hiện nay dễ thấy sữa đang là mặt hàng được thực hiện nhiều quảng cáo, khuyến mãi nhất, đặc biệt là sữa nước, phổ biến mua 4 tặng 1 hay tặng vật dụng đi kèm...

Người Việt đang uống sữa ít, đắt nhất khu vực!

Theo thống kê tính bình quân đầu người, mỗi năm người VN tiêu thụ khoảng 14 lít sữa/người, con số này khá thấp khi so sánh với các nước khu vực vốn tiêu thụ 20 - 30 lít/người/năm. Thậm chí ở châu Âu, có nhiều nước tiêu thụ sữa trên đầu người lên hàng trăm lít.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp VN (VBF) diễn ra tháng 6-2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng giá sữa của VN đang cao hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới. Tính trung bình giá 1kg sản phẩm thì giá sữa của tất cả nhãn hàng tại VN đều đang cao hơn khoảng 14% so với Thái Lan, 24% so với Philippines, 46% so với Malaysia và 60% so với Indonesia. Cụ thể, 1kg sữa thành phẩm ở VN có giá 16 USD trong khi Thái Lan là 14 USD/kg, Philippines 12,9 USD/kg, còn Malaysia 10,9 USD/kg…

* Chị Thu Nga (Q.Phú Nhuận, TP.HCM):

Mua sữa có ai cho trả giá

Giá sữa tăng giảm thế nào mình cũng chịu, cửa hàng bán sao thì mình đành mua vậy chứ có ai cho trả giá bao giờ. Giá ở mỗi cửa hàng khác nhau. Tháng trước mình mua hộp Pediasure 900gr ở Nguyễn Thông giá 585.000 đồng, hôm qua tiện đường đi làm về mua ở đường Cộng Hòa (Tân Bình) giá 610.000 đồng/hộp. Đi mua nhiều loại sữa khác ở các cửa hàng khác cũng thế, chỗ tăng chỗ giảm không cố định. Tùy nơi tùy chỗ mà chênh nhau 30.000 - 40.000 đồng/hộp cũng có.

* Chị Nguyễn Hằng (Q.Bình Thạnh, TP.HCM):

Chưa thấy giá sữa giảm bao giờ

Đang nuôi con nhỏ, từng đổi qua nhiều loại sữa, nhưng chưa khi nào tôi thấy sữa giảm giá. Ngay cả cửa hàng gần nhà tôi thường mua chương trình khuyến mãi cũng ít, lâu lắm mới có hãng sữa trực tiếp đến cửa hàng làm chương trình, chủ yếu tặng quà. Như Bình ghi

Ảnh: C.V.Kình
Ảnh: C.V.Kình

* Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long:

Giá sữa bán ở VN đang bất thường

Nguyên liệu sữa chiếm 40% trong cơ cấu giá thành sữa nên khi giá nguyên liệu giảm tới 30% trong mấy tháng qua mà giá bán sữa tới tay người tiêu dùng không giảm mà còn tăng là vấn đề bất bình thường.

Một vấn đề nữa, như hồi tháng 6, Bộ Tài chính thông tin theo Bộ Ngoại giao cung cấp thì giá sữa VN cao hơn một số nước trong khu vực. Vậy giá sữa bán ở Thái Lan, Malaysia… so với VN hiện như thế nào? Có chuyện họ giảm mà chúng ta lại không giảm hay không? Cơ quan quản lý giá cần xem xét và sớm có câu trả lời đầy đủ những vấn đề liên quan đến giá sữa.

Mặt hàng sữa nằm trong danh sách các mặt hàng bình ổn giá. Do đó, tôi cho rằng để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, cơ quan quản lý giá cần phải thanh tra, kiểm tra giá sữa, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh sữa thuyết minh các chi phí trong cơ cấu giá.

L.THANH ghi

Giá sữa trong nước không giảm “do có độ trễ”

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 19-9, ông Nguyễn Anh Tuấn - cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - cho biết qua theo dõi, cập nhật thông tin giá từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, báo cáo của Bộ Công thương cho thấy giá chào bán một số loại nguyên liệu sữa trên thị trường thế giới từ tháng 4 đến nay giảm mạnh.

Cụ thể, theo ông Tuấn, giá sữa bột gầy, sữa nguyên kem của thị trường Tây Âu, châu Úc dù tăng liên tục trong ba tháng đầu năm, nhưng từ tháng 4 đến nay giá nguyên liệu tại hai thị trường này có xu hướng giảm khoảng 20%.

Tuy nhiên theo ông Tuấn, đây là mức giá chào bán. Còn thực tế các doanh nghiệp sản xuất sữa phải giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng nên đều có độ trễ kể từ khi mua nguyên liệu đến sản xuất, lưu thông sữa thành phẩm ra thị trường.

Ông Nguyễn Anh Tuấn lý giải giá sữa trong nước chưa giảm dù giá nguyên liệu giảm mạnh trong năm tháng qua là do giá nhập khẩu sữa thành phẩm về VN của các công ty, doanh nghiệp vẫn ổn định.

“Trong cơ cấu giá thành sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sản xuất trong nước, giá nguyên liệu chiếm khoảng 40%, trong đó riêng hai loại nguyên liệu chính là sữa bột gầy và sữa bột béo chiếm khoảng 20%.

Trong khi hai nguyên liệu này, xu hướng giảm thời gian qua không nhiều. Ngoài nguyên liệu, 60% còn lại trong cơ cấu giá là các chi phí khác có liên quan, như lương tối thiểu vùng tăng; tỉ giá từ đầu năm đến nay cũng được điều chỉnh thêm 5% từ tháng 6 năm ngoái đến nay; trần chi phí quảng cáo, khuyến mãi (15% tổng chi phí hoạt động của doanh nghiệp) đã được dỡ bỏ; giá điện tăng khoảng 7,5% từ tháng 3 vừa qua” - ông Tuấn cho hay.

Để tiếp tục thực hiện bình ổn giá sữa, Cục Quản lý giá tiếp tục theo dõi diễn biến giá sữa nguyên liệu trên thế giới, các yếu tố đầu vào để có biện pháp xử lý thích hợp. Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu doanh nghiệp tiết giảm chi phí, giúp giảm giá thành các mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi từ 0,1 - 34% so với giữa năm 2014 trở về trước, tức là trước khi thực hiện bình ổn giá.

LÊ THANH ghi

LÊ THANH - NHƯ BÌNH - DŨNG TUẤN (lethanh@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên