22/04/2018 10:03 GMT+7

Bát nháo dạy lái ôtô 'bao đậu' nhưng ra đường... không biết gì

THU DUNG
THU DUNG

TTO - Hiện nay, có tình trạng nhiều trung tâm đào tạo lái ôtô tại TP.HCM gợi ý học viên đóng tiền để bao đậu 100%, gồm bao khám sức khỏe, bao đậu lý thuyết và có cách nói "ý tứ" về chuyện đậu cả thực hành.

Bát nháo dạy lái ôtô bao đậu nhưng ra đường... không biết gì - Ảnh 1.

Một thí sinh tập chạy cho quen xe trước khi thi thực hành - Ảnh: T.T.D.

Không chỉ vậy, còn xuất hiện một số trung tâm lừa đảo khiến học viên "tiền mất tật mang".

Bao đậu lý thuyết

Anh Nguyễn Thanh Tùng - một người dân ở Q.Gò Vấp - đăng ký học thi lấy bằng lái ôtô tại trung tâm dạy nghề đào tạo lái ôtô thuộc một trường đại học. Anh được gợi ý rằng: khóa học bằng lái ôtô B2 giá 4 triệu đồng, đóng trước 1 triệu đồng xếp lớp đi học ngay. 

Trường hợp "học viên có nhu cầu qua (thi đậu) phần thi lý thuyết thì các giáo viên dạy sẽ đứng ra lo, chỉ cần đến ngày thi lý thuyết học viên đóng 1,5 triệu đồng".

Theo như thỏa thuận, đúng ngày thi anh Tùng vẫn vào phòng thi nhưng không thao tác gì trên máy tính (làm bài). Bài thi của anh được hệ thống tự động hoàn thành.

Trường hợp chị Bùi Thị Hoa - một nhân viên văn phòng - thì tệ hơn. Chị liên hệ với một công ty chuyên tư vấn đào tạo lái xe tại TP.HCM để trao đổi và làm thủ tục đăng ký khóa học. Người tư vấn tại đây tư vấn: học bằng B2 thì chọn gói học phí 5,5 triệu đồng, có 32 giờ tập lái đường trường và 4 buổi lý thuyết.

Khi chị chọn gói học lái này, học viên được bao đậu phần thi lý thuyết "chứ không phải học lý thuyết cực khổ như những thí sinh khác". Ngoài số tiền trên, chị Hoa đóng thêm 2,9 triệu đồng tiền hồ sơ làm thủ tục lệ phí thi và cấp bằng. Trường hợp không có thời gian đi khám, chỉ cần đóng 190.000 đồng thì sẽ được... bao luôn!

Mọi chuyện cũng êm xuôi. Sau khi lấy bằng và ngồi lên ghế lái, chị Hoa rất hối hận bởi thiếu kiến thức lái xe trầm trọng, thường xuyên vi phạm luật giao thông. Kinh khủng hơn, kỹ năng lái xe chẳng đâu vào đâu: các thao tác lùi xe, quay xe cơ bản chị cũng không thực hiện trôi chảy. Chỉ trong vòng 1 tháng, chị liên tục húc xe khác, vi phạm luật giao thông và dĩ nhiên là... bị thổi phạt!

Thấy quá nguy hiểm, chị buộc phải mua các tài liệu lái xe để học lại, đồng thời nhờ người quen tập lái mỗi tuần. 

Chị Hoa nhìn nhận: "Chúng ta nên học bài thật kỹ để thi lý thuyết. Thực hành lái xe nhiều hơn để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình và những người xung quanh. Ôtô không dễ điều khiển nếu không học hành bài bản, nên không được lạm dụng các dịch vụ bao đậu. TP.HCM cũng cần kiểm tra, rà soát tránh những trường hợp môi giới thi bằng lái kém chất lượng tiếp tục diễn ra".

Bát nháo dạy lái ôtô bao đậu nhưng ra đường... không biết gì - Ảnh 2.

Tình hình tai nạn giao thống 3 tháng đầu năm 2018 - Nguồn: Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - Đồ họa: V.CƯỜNG

Dạy cẩu thả, gian dối

Không chỉ vậy, nhiều trung tâm đào tạo lái ôtô còn "treo đầu dê, bán thịt chó". Họ đăng thông tin khóa học rất đầy đủ cả thực hành và lý thuyết nhưng chỉ cho học viên học qua loa, sơ sài.

Anh Phan Quốc Bảo - một người dân ở Q.Phú Nhuận - đăng ký học bằng lái B2 ở một trung tâm tại Q.Thủ Đức. Theo hợp đồng đăng ký, học viên được học 20 giờ thực hành/2 người/xe. Thế nhưng, anh Bảo chỉ được học có 2 buổi thực hành ở bãi đất trống được kẻ vạch qua loa mà chưa chạy thực tế ngoài đường, vậy mà thầy giáo đã thông báo kết thúc khóa học.

Anh Bảo ngỡ ngàng: "Thực sự tôi vẫn chưa biết lái sau 2 buổi học, nói gì đến chuyện đi thi lấy bằng. Khi tôi thắc mắc, nhân viên trung tâm ấy giải thích 20 tiếng/2 người/xe là mỗi người được học 10 tiếng, như vậy học 2 buổi đã đủ 10 tiếng, nếu rớt thì đóng tiền học tiếp, còn chương trình dạy đã xong".

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trịnh Văn Minh - phó phòng quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết khi nhận được thông tin phản ảnh về tình trạng bát nháo ở các trung tâm đào tạo lái xe, đơn vị này sẽ phối hợp với lực lượng thanh tra giao thông của sở để tiến hành xử lý. 

Trong các trường hợp cụ thể, phòng sẽ cho nhân viên vào vai học viên có nhu cầu học bằng lái ôtô để phát hiện sai phạm, có hướng khắc phục kịp thời.

Có nhận được phản ảnh, và...

Ông Trần Quốc Khánh - chánh thanh tra Sở GTVT TP.HCM - cho biết cũng nhận được tin nhắn phản ảnh về một số cơ sở, trung tâm đào tạo lái xe quảng cáo chiêu sinh, đào tạo lừa tiền học viên.

Để kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng này, "chúng tôi đang lên kế hoạch phối hợp với Sở Lao động - thương binh và xã hội, Sở Kế hoạch - đầu tư, chính quyền địa phương, phòng quản lý sát hạch cấp giấy phép lái xe (Sở GTVT TP) tiến hành kiểm tra đồng loạt các công ty, trung tâm, cơ sở, văn phòng đào tạo, tuyển sinh trên địa bàn TP" - ông Khánh nói.

85 tai nạn giao thông xảy ra do nam giới 85 tai nạn giao thông xảy ra do nam giới

TTO - Phần lớn là tai nạn đường bộ, nguyên nhân chủ yếu là các vi phạm làn đường, tốc độ, buổi tối là thời gian hay xảy ra tai nạn nhất - một số điểm đáng chú ý về tình hình giao thông 3 tháng đầu năm 2018.

THU DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên