25/12/2020 10:29 GMT+7

Bất ngờ với Cuộc hành trình tìm bức chân dung

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Cuộc hành trình tìm bức chân dung (tác giả: Khánh Hoàng) là câu chuyện xảy ra thời điểm Bác mất.

Bất ngờ với Cuộc hành trình tìm bức chân dung - Ảnh 1.

4 đứa trẻ trong đội du kích thiếu nhi gồm Non, Đạm, Liêm, bé Ba gây cảm tình với tình yêu trong veo dành cho Bác - Ảnh: LÊ THÚY BÌNH

Ở khu rừng đước của miền Tây, bà con ai nấy bàng hoàng. Chú Ba bí thơ đã đề nghị đội du kích thiếu nhi gồm Non, Ðạm, Liêm, bé Ba chăm sóc ngôi đền dã chiến vừa dựng thờ Bác và canh chừng không để nhang tắt.

Mấy đứa trẻ chưa bao giờ được gặp Bác, sau khi chụm đầu tự hỏi cụ Hồ là ai đã quyết định lén trốn người lớn bí mật ra chợ tìm chân dung Bác Hồ.

Một cuộc hành trình kỳ lạ bắt đầu, khi bọn trẻ đối đầu với sự bố ráp của tàu sắt giặc. Chiếc thuyền mỏng manh bị bắn nát, những đứa trẻ dạt vào một bãi sân chim và gặp ông Ba - một mình trụ giữa vạt rừng đước dày đặc để làm kết nối cho du kích...

Một vở diễn về chiến tranh, tôn vinh lãnh tụ nhưng dung dị, giàu cảm xúc. Không ít đoạn đã khiến người xem phải rươm rướm nước mắt. Lấy góc nhìn là nhóm bạn nhỏ trong đội du kích thiếu nhi nên tình yêu kính lãnh tụ trong vở trong veo, chân thật.

Chuyến đi tìm chân dung Bác đã trở thành chuyến đi bão táp, sự khốc liệt của chiến tranh và bao nhiêu phận người cứ thế mở ra với khán giả hôm nay. Bốn đứa trẻ gồm Non (Tiến Ngô), Ðạm (Tấn Phúc), Liêm (Anh Duy) và bé Ba (Xuân Nghi) đã thực sự chinh phục được tình cảm của khán giả bởi lối diễn xuất dễ thương và mộc mạc.

Các diễn viên nhí này chính là học trò của đạo diễn Lê Cường - người đã rất thành công trong việc đào tạo, dìu dắt nhóm kịch Tuổi Ngọc năm nào. Diễn viên trẻ Thanh Tuấn lại một lần nữa chứng tỏ khả năng diễn xuất già dặn và giàu cảm xúc của mình với nhân vật ông Ba.

Thế nhưng, thành công của vở phải ghi nhận sự sáng tạo của đạo diễn trẻ Hoàng Tấn. Anh sử dụng màn hình LED tải bối cảnh chính làm phông sân khấu, khán giả được nhìn thấy những vạt rừng đước mênh mang, cuộc rượt đuổi tàu sắt, máy bay thả bom, khói ngút trời...

Ở phía trước sân khấu lại là màn Gauze mang đến màu ký ức cho vở diễn. Bỏ qua vài cảnh đồ họa còn chưa tới, hơi thô thì cách sân khấu kết hợp kỹ thuật điện ảnh khiến nhiều khán giả bất ngờ, bị cuốn hút vào câu chuyện xúc động và giàu hình ảnh.

Khi ra mắt, vở được đánh giá cao và nhà hát quyết định đưa vào kế hoạch biểu diễn, lưu diễn phục vụ. Ðại diện Ðường sách TP.HCM cũng có lời đề nghị đem vở ra biểu diễn ở sân khấu của đường sách.

Vở kịch được yêu thích là một niềm hạnh phúc vô bờ nhưng Hoàng Tấn cũng đang đau đầu tính toán kinh phí cho một buổi biểu diễn vì tiền thuê màn hình Gauze, LED không rẻ.

Và đạo diễn trẻ đã nghĩ đến những phiên bản phù hợp để có thể biểu diễn trong sân khấu hộp và cả những nơi không có điều kiện như vùng sâu vùng xa...

Vở kịch về Bác Cuộc hành trình tìm bức chân dung của đạo diễn trẻ Hoàng Tấn (Nhà hát kịch TP.HCM) sẽ ra mắt khán giả ngày 27-12 tới.

Cuộc hành trình tìm bức chân dung là kịch bản mà khi viết Khánh Hoàng đã ghi "Tặng người bạn đã mất". Đó chính là cố nghệ sĩ Lê Vũ Cầu. Lúc còn sống, Lê Vũ Cầu từng kể câu chuyện có thật cho Khánh Hoàng nghe và anh chắp bút viết nên kịch bản.

Cảm hứng kịch lịch sử Cảm hứng kịch lịch sử

TT - Sân khấu kịch IDECAF vừa đưa lên sàn tập vở kịch lịch sử mới: Vua thánh triều Lê (kịch bản: Lê Duy Hạnh, đạo diễn: Vũ Minh).

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên