Để có tiền tiêu xài, trả nợ, Võ Thành Tám (giám đốc Công ty thép Tầm Cao) đã đưa ra các thông tin gian dối nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhiều người, với tổng số tiền hơn 9,4 tỉ đồng.
Trong số này có chị P.T.T.T. (trú tỉnh Quảng Trị) bị lừa đảo nhiều lần với số tiền lớn. Là bạn với nhau nên Tám đưa hợp đồng mua bán nhôm của mình với Công ty S. cho chị T. xem và mượn tiền để đi lại, hứa giao dịch xong sẽ thanh toán lại cho chị T.. Chị T. tin tưởng nên đã nhiều lần chuyển cho Tám với tổng số tiền 730 triệu đồng.
Tám sử dụng hình ảnh (cũ) về số dư tài khoản 7,5 tỉ đồng của mình, nhưng nói dối với chị T. là tài khoản bị khóa, muốn rút 1 tỉ phải đóng phí 60 triệu đồng. Qua đó mượn của chị này 370 triệu đồng
Tám dùng điện thoại khác đóng vai nhân viên ngân hàng nhắn tin trao đổi với mình về nội dung duyệt hồ sơ vay. Từ đó, Tám mượn 415 triệu đồng của chị T., nói là để đáo hạn ngân hàng.
Sau khi nhận hơn 1,5 tỉ đồng, Tám trả lại cho chị T. 126 triệu đồng, còn hơn 1,3 tỉ đồng thì không trả nợ và cắt đứt mọi liên lạc.
Một vụ việc tương tự, Tám trao đổi với Công ty S. về việc mua bán nhôm trị giá 62 tỉ đồng và yêu cầu phải chuyển hơn 2 triệu USD đặt cọc. Đối tác không chuyển tiền nên hai bên không thực hiện hợp đồng. Tám gặp chị Đ.T.T.M. (trú Hà Nội) rủ góp vốn để mua nhôm bán cho Công ty S. Trung Quốc theo hợp đồng trị giá 62 tỉ đồng.
Chị M. góp vốn 10 tỉ đồng, sẽ được hưởng 15% lợi nhuận. Để chị M. tin, Tám gửi qua Zalo hình ảnh yêu cầu Công ty S. chuyển hơn 2 triệu USD để mua nhôm.
Chị M. đã chuyển hơn 6,4 tỉ đồng để Tám mua hàng, nhưng Tám lấy sử dụng vào việc riêng. Khi chị M. thắc mắc về hàng, chia lợi nhuận thì Tám tạo ra một tài khoản tên là "Trung vận chuyển" tự nhắn tin, chụp hình gửi cho chị M..
Nội dung là do nợ tiền vận chuyển, chưa giao hàng được và yêu cầu chị M. gửi thêm tiền để xử lý. Chị M. không thực hiện và yêu cầu Tám trả lại tiền nhưng bất thành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận