Học sinh Đinh Bình Minh, lớp 11N Trường THPT Lê Quý Đôn Q.3, TP.HCM trong ngày tựu trường 1-9 - Ảnh: THÚY HÀ
Một số nơi cho học sinh tựu trường trên Internet và cũng có nơi chia đôi lớp theo hai buổi sáng chiều để đón học sinh.
Khảo sát phương tiện học tập của học sinh
Tại TP.HCM, các trường có một tuần chuẩn bị cho việc dạy học từ xa. Do đó, ngày 1-9 hầu hết các trường THCS, THPT trên địa bàn đã tổng kết việc khảo sát phương tiện học tập của học sinh.
"Năm nay là một năm học đặc biệt. 100% học sinh phải học từ xa nên thông tin đầu tiên chúng tôi muốn biết là có bao nhiêu học sinh có thể học tập được trên Internet. Trên cơ sở đó, trường sẽ có phương án hỗ trợ những học sinh khó khăn" - hiệu trưởng một trường THPT ở TP Thủ Đức, TP.HCM, cho biết.
Sáng 1-9, ban giám hiệu Trường THCS Hoàng Văn Thụ (quận 10, TP.HCM) đã có buổi gặp gỡ qua mạng với giáo viên và đại diện học sinh các lớp để khai giảng năm học mới.
"Sau buổi gặp gỡ, giáo viên chủ nhiệm các lớp đã làm quen với học sinh của lớp mình, hướng dẫn các em về quy định học tập trên Internet, thông báo về việc rèn luyện nề nếp học tập, hướng dẫn học sinh sử dụng sách giáo khoa bản điện tử trong thời gian chưa mua được sách giáo khoa giấy" - ông Nguyễn Khoa Khanh, hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Văn Thụ, thông tin.
Theo ông Khanh, thống kê cho thấy hiện có gần 30 học sinh ở trường này không có máy tính hoặc có máy nhưng không có đường truyền để học online. "Chúng tôi đang nhờ UBND phường nơi học sinh đang cư trú xác minh từng hoàn cảnh cụ thể để có giải pháp phù hợp, giúp học sinh có thể học tập tốt trong giai đoạn dịch bệnh này" - ông Khanh nói.
Tương tự, ông Nguyễn Đức Chính - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP Thủ Đức - cho hay: "Hiện giáo viên chủ nhiệm các lớp đã kết nối với học sinh lớp mình thông qua group Zalo để thông báo những quy định đầu năm học mới.
Ngày 3-9, học sinh sẽ được cấp tài khoản học online. Khi đó, giáo viên sẽ chính thức gặp học sinh của mình qua mạng để sinh hoạt lớp và phổ biến về kế hoạch dạy học online. Ban giám hiệu cũng sẽ sinh hoạt đầu năm với học sinh của từng khối để dặn dò, tạo tinh thần hứng khởi cho học sinh khi bước vào năm học mới".
Khởi động một năm mới theo cách riêng
Tại Hà Nội, nhiều trường học và thầy cô giáo đã lựa chọn những cách khởi động năm học mới theo cách riêng.
Chẳng hạn Trường tiểu học Kim Đồng (quận Ba Đình) đã chuẩn bị một buổi "làm quen với lớp 1" ấm áp. Cô giáo chủ nhiệm lớp 1 xuất hiện trên màn hình qua nền tảng trực tuyến tươi cười chào đón học sinh. Những cô cậu học sinh lớp 1 chưa biết chữ nên đều có cha mẹ, ông bà ngồi cùng để "phiên dịch" khi cần. Màn làm quen của lớp 1A2 của trường ấn tượng với sự hỗ trợ của phụ huynh. Mỗi học sinh có một hình ảnh ngộ nghĩnh, đáng yêu kèm theo lời giới thiệu về bản thân, sở thích, mong muốn khi được vào lớp 1.
"Con sợ sấm sét có thể đánh vào mọi vật gây cháy. Nhưng mơ ước của con là trở thành phi hành gia" - cậu học trò Đinh Phan Anh tiết lộ. "Con mong đi học lớp 1 để có thể giơ tay nói điều con mong muốn", cậu bé Đoàn Nguyên Anh nói.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp - hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) - trăn trở: "Khó khăn nhất khi bắt đầu năm học mới bằng hình thức trực tuyến là không có buổi nào để giáo viên làm quen với học sinh đầu cấp. Học sinh không được đến trường lớp và mọi thứ dường như vẫn xa lạ.
Để xóa được cảm giác xa lạ đó, trường tổ chức cuộc thi ngay đầu năm cho tất cả các khối lớp theo những chủ đề khác nhau như giới thiệu về bản thân, mong ước từ mái trường trong ba năm học (đối với học sinh lớp 10), vấn đề phòng chống COVID-19 (khối 11) và hướng nghiệp, lựa chọn nghề nghiệp (lớp 12)...".
Tương tự, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) khởi động với những hoạt động đa dạng và đều bằng hình thức trực tuyến: Thi hùng biện tiếng Anh về các chủ đề bảo vệ môi trường, dịch bệnh và cách phòng chống, văn hóa ứng xử trên mạng xã hội, văn hóa khi tham gia giao thông, lòng biết ơn...
Phát động trồng 1 vạn cây xanh
Thông điệp chính thức được gửi đến toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh của Trường Marie Curie (Hà Nội) vào lễ khai giảng năm học mới là "Chống dịch COVID-19 và trồng 1 vạn cây xanh ở Mèo Vạc" (Hà Giang).
Thông điệp góp sức trồng cây xuất phát từ sự kiện ba học sinh lớp 8 của trường thực hiện ra mắt cuốn sách Một mẩu rừng cho bạn vừa lan tỏa hiểu biết về giá trị của rừng, vừa góp quỹ trồng cây xanh ở Mèo Vạc. Một trong ba học sinh này là Nguyệt Linh, cô học sinh từng đã "gây sốt" trong lễ khai giảng 2 năm trước khi kêu gọi không thả bóng bay...
Theo ông Nguyễn Xuân Khang - hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội, trường đã làm việc với UBND huyện Mèo Vạc để cụ thể hóa chương trình về kế hoạch trồng 4 vạn cây xanh trong ba năm học, bắt đầu từ năm học này.
Quản lý thời gian học trên máy tính của học sinh
Một lãnh đạo Trường THPT Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM bày tỏ: "Cái lo nhất của trường là ý thức học tập của học sinh khi không có giáo viên giám sát trực tiếp. Do đó, dự kiến trường sử dụng phần mềm học trực tuyến có thể quản lý được thời gian học trên máy của học sinh.
Ngoài những tiết dạy trực tuyến, giáo viên sẽ giao bài để học sinh tự học, tự làm bài trên máy. Học sinh có vào xem bài và làm bài hay không, vào lúc mấy giờ, rời máy lúc mấy giờ... đều có lưu lại trên máy để giáo viên điểm danh".
Trường tiểu học Thăng Long (TP Gia Nghĩa, Đắk Nông) tổ chức tựu trường với chỉ 50% học sinh - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Đắk Nông: chia lớp đi tựu trường
Sáng 1-9, một nửa học sinh các khối lớp tiểu học, THCS và THPT ở Đắk Nông bắt đầu ngày tựu trường đầu tiên của năm học mới. Mỗi lớp chỉ có khoảng 22 học sinh đến lớp. Nội quy lớp học đã được các trường phổ biến từ nhiều ngày trước.
Tại Trường tiểu học Thăng Long (TP Gia Nghĩa, Đắk Nông) có hơn 500 em học sinh đến lớp, số còn lại sẽ tựu trường vào chiều 1-9. Tại các lớp học sinh được bố trí mỗi em một bàn để đảm bảo giãn cách.
Cô Trần Thị Hương, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A2, cho biết do trường và phụ huynh đã có trao đổi nhiều lần trước đó nên sáng 1-9 các em đến lớp khá quy củ. Ngày tựu trường, các em được phổ biến thêm một số quy định về phòng chống dịch, đảm bảo vệ sinh dịch tễ. Về việc học, cô Hương cho biết tùy theo tình hình dịch bệnh mà nhà trường sẽ linh hoạt tổ chức dạy và học phù hợp. (ĐÌNH CƯƠNG)
Cần Thơ: học sinh, phụ huynh cùng khai giảng trực tuyến
Ngày 1-9, ông Nguyễn Mạnh Hùng - chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP Cần Thơ - cho biết sở đã hướng dẫn các phòng GD-ĐT ở chín quận, huyện lập group, chia sẻ đường link trực tuyến lên kênh YouTube để phụ huynh và học sinh cùng tham gia khai giảng.
“Trường có 1.406 học sinh. Do dịch bệnh COVID-19 một số em chưa kết nối được. Thầy cô đã chủ động tìm cách kết nối, tạo điều kiện cho các em tham dự buổi lễ khai giảng năm học mới trực tuyến ngày 5-9 tới trong niềm vui cùng bạn bè và thầy cô” - ông Huỳnh Văn Võ, hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Giáp, huyện Cờ Đỏ, chia sẻ. (CHÍ CÔNG)
Cà Mau: khai giảng trực tiếp cho "vùng xanh"
Sáng 1-9, ông Nguyễn Tiến Hải - bí thư Tỉnh ủy Cà Mau - thống nhất phương án triển khai năm học 2021 - 2022 theo đề xuất của UBND tỉnh Cà Mau. Theo đó, việc khai giảng năm học mới tại địa phương vào ngày 13-9 đối với "vùng xanh" nhưng hình thức phải rút gọn. Đồng thời, việc khai giảng trực tuyến đối với "vùng vàng, cam và đỏ".
Các lớp phổ thông từ ngày 5 đến 11-9 sẽ ổn định tổ chức trường, lớp học; tập huấn cho giáo viên và học sinh cách học trên môi trường mạng. Từ ngày 13-9 (tuần 2 của năm học), các "vùng xanh" trong tỉnh sẽ tổ chức dạy và học theo hình thức trực tiếp trên lớp; còn "vùng vàng, cam, đỏ" sẽ tổ chức dạy học hình thức trực tuyến qua Internet. (NGUYỄN HÙNG)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận