Ông Hiếu giải thích không phải nhà nào cũng có điều kiện cho con luyện và thi IELTS. "Do vậy, tuyển thẳng học sinh có IELTS là bất công, tước đoạt đi cơ hội của nhiều học sinh khác", ông Hiếu nói.
TP.HCM là một trong những địa phương thực hiện nghiêm túc quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo quy chế này, bốn nhóm thí sinh được tuyển thẳng gồm: học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú; học sinh là người dân tộc rất ít người; học sinh khuyết tật; học sinh đạt giải cấp quốc gia trở lên về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, khoa học kỹ thuật.
Ba nhóm khác được cộng điểm ưu tiên gồm: con liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học, anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, đang sống và học tập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn...
Quy định rõ ràng là vậy, nhưng nhiều địa phương như Nghệ An, Tuyên Quang, Lào Cai, Phú Thọ, Quảng Trị, Bình Dương, Vĩnh Long... đã "xé rào". Có tỉnh tuyển thẳng, có tỉnh miễn thi môn tiếng Anh, có tỉnh cộng điểm...
Bên cạnh việc có thể tạo ra sự bất công bằng, nhiều chuyên gia còn cảnh báo tình trạng lệch lạc, chạy đua có chứng chỉ IELTS để được ưu tiên trong tuyển sinh đến mức bỏ rơi các môn học khác.
Một nét văn hóa đáng lo ngại của nhiều học sinh là học gì thi nấy, không thi không học. Cho nên khi có được chứng chỉ IELTS đủ để được tuyển thẳng, không có gì bảo đảm là học sinh sẽ chịu "cày" các môn văn, toán cũng như nhiều môn học khác.
Điều này cực kỳ tai hại đối với lứa tuổi cần tích lũy kiến thức tổng hợp, vốn sống và hình thành tư duy, nhân cách như học sinh THCS và THPT.
Trước tình trạng bát nháo, lệch lạc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã vào cuộc, "tuýt còi" và yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm quy chế tuyển sinh lớp 10, đặc biệt là quy định về tuyển thẳng và cộng điểm ưu tiên. Bộ cho biết trong thời gian tới sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra việc tuyển sinh vào lớp 10 tại một số địa phương.
Đây là động thái mạnh mẽ và cần thiết của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, góp phần lập lại trật tự kỷ cương trong tuyển sinh. Tuy nhiên, một bộ phận dư luận bày tỏ lo ngại khi thời điểm tuyển sinh đã cận kề, một số tỉnh đã chính thức công bố kế hoạch tuyển sinh, nhiều gia đình đã đổ công sức, tiền bạc để con em họ có được chứng chỉ IELTS, nay có nguy cơ không được công nhận.
Những học sinh có IELTS sẽ có thể "hụt hẫng" khi phải quay lại với sách vở, chuẩn bị cho kỳ thi đầu vào lớp 10 tới với không ít âu lo khi lâu nay mê mải chạy theo tiếng Anh.
Nỗi lo này là sự thật nhưng có một sự thật lớn hơn, quan trọng hơn, đó là sự công bằng trong giáo dục. Sự công bằng không chỉ là mục tiêu hướng tới của giáo dục mà còn là yêu cầu phải tuân thủ trong mọi công đoạn của giáo dục, trong đó có quá trình tuyển sinh.
Những nỗ lực để đạt được sự công bằng đó, để hạn chế và xóa đi những bất công không bao giờ là trễ và luôn là việc nên làm, phải làm!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận