28/02/2020 11:07 GMT+7

'Bát cháo hành' trong những tựa game

MAI THỤY
MAI THỤY

TTO - Không đánh đấm, chẳng quái vật hay súng ống, có những trò chơi điện tử đến với người trẻ bằng những mẩu chuyện ấm áp và nền nhạc du dương, nơi người chơi có thể chiêm nghiệm về chính mình...

Bát cháo hành trong những tựa game - Ảnh 1.

Đằng sau ước nguyện lên Mặt trăng của Johnny là những suy nghĩ về giá trị của đời người - Ảnh: Freebird Games

Nếu chưa biết đến Hungry hearts diner, Florence, To the Moon... có lẽ chẳng ai nghĩ rằng sẽ có lúc chơi game mà lòng mình nghẹn ngào. Không phải tự dưng gần đây người trẻ lại kể với nhau những câu chuyện kỳ diệu của chúng.

Những câu chuyện "đi ngược dòng"

Như kẻ đi ngược dòng giữa các trò chơi điện tử thông thường, những tựa game điện thoại được nhắc đến ở trên là những câu chuyện kể được miêu tả cả bằng hình ảnh, chuyển động lẫn âm thanh.

Không có nhiều nhiệm vụ để người chơi thực hiện, họ không cần phải lao mình vào những trận đánh, cuộc đua xe ầm ĩ. Thay vào đó, chúng trao cho họ những bản nhạc nhẹ nhàng và câu chuyện về số phận, cuộc đời của mỗi nhân vật.

Trong Hungry hearts diner, người chơi sẽ sắm vai một bà lão thay chồng quán xuyến tiệm ăn vì ông bị ốm. Mỗi vị khách đến với quán mang theo một câu chuyện.

Bát cháo hành trong những tựa game - Ảnh 2.

Tiệm ăn nhỏ trong Hungry hearts diner, nơi những vị khách trải lòng về quá khứ - Ảnh: Gagex

Đằng sau gương mặt cau có của ông Ol’Tokei là những ám ảnh về sự ra đi của con gái. Trong sự bất cần của cô nàng Scarlet là nỗi buồn ẩn chứa.

Nhiều năm trước, Scarlet từng bỏ rơi đứa con ở quê nhà để đến với một người đàn ông giàu có. Món ăn của bà lão dần khiến cô nhớ về tuổi thơ, niềm hạnh phúc gia đình và quyết định quay về tìm con.

Mỗi nhân vật ẩn chứa một tâm sự mà người chơi có thể cảm nhận được qua nét mặt đau đáu và những lời tâm sự ngập ngừng. Trò chơi kết thúc khi lễ hội Tanabata (lễ Thất tịch) đến, lúc người chơi sẽ được lắng nghe ước nguyện chân thành của mỗi nhân vật.

Bát cháo hành trong những tựa game - Ảnh 3.

Hungry hearts diner game

Trò chơi Florence lại xoay quanh ước mơ trở thành họa sĩ của cô gái Yeoh. Người chơi chỉ cần ghép những mảnh nhỏ vào bức tranh về cuộc sống của Yeoh, theo dõi sự thay đổi trong cuộc đời cô: cặm cụi làm những công việc buồn chán, gặp chàng nghệ sĩ Krish, đối mặt với khó khăn và quyết tâm theo đuổi ước mơ cháy bỏng của mình.

"Yeoh cố lên!", những nhà phát hành game đã thật lòng đưa Florence trở thành một câu chuyện về tình yêu, nghị lực sống đến giới trẻ hơn là một trò chơi vô thưởng vô phạt.

Bát cháo hành trong những tựa game - Ảnh 4.

Florence Game

Nhìn lại ý nghĩa cuộc đời

Những trò chơi như vậy chẳng phải mới xuất hiện những năm gần đây. Khi To the Moon ra mắt năm 2011, thế giới đã mở ra cái nhìn khác về trò chơi điện tử.

Tuyến truyện của To the Moon bắt đầu từ yêu cầu kỳ lạ của một ông lão Johnny đang nằm trên giường bệnh muốn được lên Mặt trăng trước khi qua đời. Người ta không thể đưa Johnny lên Mặt trăng, nhưng có thể thay đổi ký ức để ông có thể nghĩ mình từng đến đó.

Tại sao Johnny lại muốn lên Mặt trăng? Tại sao Johnny đứng bên cạnh ngọn hải đăng trong trời mưa tầm tã và nghĩ về người vợ quá cố?

Trong vai hai vị tiến sĩ, người chơi có thể chọn giữ lại hoặc bỏ đi mảng ký ức nào của Johnny để đáp ứng yêu cầu. Vì thế, quá khứ của ông lần hồi về, một tuổi thơ khó nhọc, những nỗi đau âm thầm và lời hứa với người vợ. Trò chơi cũng đặt ra câu hỏi rằng liệu chúng ta có thể thay đổi ký ức của mình và sống lại một lần nữa.

Bát cháo hành trong những tựa game - Ảnh 5.

That Dragon, Cancer là cuộc chiến đấu không ngừng nghỉ của Amy trước căn bệnh ung thư quái ác - Ảnh: Numinous Games

Cậu sinh viên Kan Gao viết trò chơi To the Moon sau khi trở về từ bệnh viện, chứng kiến ông mình thở khó nhọc trên chiếc giường bệnh và hiểu ra những đau đớn này là một phần của cuộc sống. To the Moon cho người chơi nhìn lại ý nghĩa cuộc đời trước khi mọi thứ đã trở nên quá muộn.

Trò chơi điện tử đã thay đổi rất nhiều kể từ khi ra đời một thế kỷ trước. To the Moon được vinh danh bởi những suy tư man mác về dòng chảy cuộc đời và trò chơi That Dragon, Cancer được ca ngợi vì cuộc chiến có thật của bà mẹ Amy Green cùng những đứa con mắc bệnh ung thư.

Càng mang nhiều câu chuyện về cuộc đời, những trò chơi này lại càng hướng chúng ta đến thế giới thực, vì không chỉ trong trò chơi những điều ấm áp như vậy mới xảy đến.

Lấy ý từ truyện ngắn Chí Phèo, giờ đây người trẻ thích dùng hình ảnh "bát cháo hành" để gọi tên những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống nhưng lại chất chứa lòng vị tha, niềm hạnh phúc.

Nói theo ngôn ngữ của giới trẻ, những trò chơi được đề cập trong bài viết này hẳn phải là "bát cháo hành" cho chúng ta giữa một thế giới mạng ngổn ngang những tiêu cực, giật gân.

Kể chuyện Việt Nam qua những bộ board game Kể chuyện Việt Nam qua những bộ board game

TTO - Ghiền board game, mê văn hóa Việt, hai bạn trẻ đang sống ở Sài Gòn là Trần Ngọc Tuệ Mẫn và Nguyễn Thiện Toàn tự mày mò làm board game cho thỏa đam mê, khi thị trường có quá ít board game chủ đề văn hóa Việt Nam.

MAI THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên