31/01/2020 12:59 GMT+7

Chàng trai 'nghiện' game thành tiến sĩ

CÔNG NHẬT thực hiện
CÔNG NHẬT thực hiện

TTO - Ngoại hình trẻ trung và tràn đầy năng lượng, luôn nở nụ cười tươi tắn, Lê Đường Anh Duy (27 tuổi, quê Phan Rang) trông giống sinh viên hơn là một tiến sĩ khoa học trở về từ Hàn Quốc.

Chàng trai nghiện game thành tiến sĩ - Ảnh 1.

TS Anh Duy trong một chuyến phượt ở Việt Nam - Ảnh: C.NHẬT

Càng ngạc nhiên hơn khi biết bạn từng một thời nghịch ngợm, ham chơi game hơn ham học.

“Tôi tập cách suy nghĩ dám đối đầu với thử thách, coi đó là cơ hội để tôi luyện chính mình, làm cuộc sống thêm thú vị.

Lê Đường Anh Duy


* Anh Duy của thời điểm ấy như thế nào?

- Lớp 8 tôi mê chơi game đến mức quên ăn quên ngủ. Vừa bước chân ra khỏi trường thì điều đầu tiên tôi thường làm là bay đến tiệm game ngay. Đỉnh điểm có giai đoạn dài tôi không lo học hành, bỏ học thêm lẫn một số buổi học chính, lấy tiền học thêm đổ vào game. 

Dĩ nhiên tôi giấu cha mẹ điều này. Mọi thứ đều trót lọt cho đến một hôm chị ruột của tôi phát hiện ra. Sự thật cuối cùng bị phơi bày, đến tai cha mẹ. Tôi bị la mắng, đánh đòn nhưng tiếc là sau đó vẫn "chứng nào tật nấy".

* Động lực nào khiến bạn thay đổi khi ngay cả đòn roi cũng không tác dụng?

- Một trong những sự kiện có lẽ "khó quên" nhất với gia đình lẫn tôi là lần thi rớt cấp III, phải vào một trường thuộc loại tệ của khu vực. Lúc đó gia đình không trách mắng, đòn roi gì cả nhưng tôi cảm nhận được nỗi buồn vời vợi trong mắt mẹ cha, sự tủi hổ của người thân trước dòng họ. Và lần thi rớt đó khiến tôi phải suy nghĩ, hối hận nhiều hơn về những điều đã làm.

Dẫu vậy, tôi không oán trách mà lại coi đó là sự may mắn để bản thân có dịp nhìn lại, quyết liệt thay đổi chính mình. Nếu không có "gáo nước lạnh" đó, có lẽ cuộc sống của tôi bình thường trôi qua, chẳng có động lực để bứt phá. 

Từ đó tôi tập trung tối đa vào việc học, có những ngày chong đèn đến 5h sáng rồi chợp mắt một chút trước khi đi học vào 6h30. Từ lớp 10, việc học của tôi đạt được một số thành tích nho nhỏ khiến tôi tự tin hơn.

* Hành trình rời game để tập trung việc học chắc hẳn rất chông gai?

- Thật ra hành trình ấy không quá khó khăn, bởi lúc đó tôi đã ý thức khá rõ những hệ lụy về tinh thần do bản thân gây ra. Đòn roi có thể là giải pháp ngắn hạn nhưng những chia sẻ, tâm tư của người lớn mới chính là "liều thuốc" dài hạn, tác động mạnh mẽ đến suy nghĩ mình.

Chông gai lại nằm ở đoạn đường chinh phục ngôi trường đại học yêu thích. Vì quyết học nên tôi tìm đến những người thầy có tiếng đào tạo học sinh trường chuyên để "cọ xát" kiến thức nâng cao. Tôi đi học thêm giữa những tiếng cười khúc khích của bạn bè mà tôi đoán là "sao có trường này ngồi ở đây nhỉ?". Nhưng tôi mặc kệ, đã hiểu rõ cuộc sống và đam mê của mình thì cứ thế bước tới, sao lại sợ người khác mỉa mai?

Và kết quả thi đại học là minh chứng cho những nỗ lực không mệt mỏi của tôi, giúp mối quan hệ giữa tôi và gia đình cải thiện đáng kể. Tôi ngập tràn hạnh phúc khi thấy thần tượng của mình mỉm cười lúc đó.

* Thần tượng của bạn?

- Đó là mẹ tôi. Bà tuy chỉ là người lao động bình thường nhưng cửa hàng tạp hóa của bà lại là chỗ dựa kinh tế của cả gia đình vì đồng lương nghề giáo của cha không quá cao. Bà có thể không hiểu rõ các vấn đề mà tôi gặp phải trong cuộc sống, nghiên cứu khoa học nhưng bà luôn khiến tôi thấy ấm áp, được thật sự lắng nghe.

* Những nốt trầm trong nghiên cứu là...

- Tôi nghĩ bất kỳ ai theo đuổi việc nghiên cứu khoa học cũng sẽ trải qua khoảng thời gian vô vọng. Có lúc ngày làm việc của tôi bắt đầu từ 9h30 đến tận 7h sáng hôm sau, tùy thuộc vào kết quả nghiên cứu ngày hôm trước; có những hôm tôi thật sự không chợp mắt được, thức dậy với nỗi sợ ám ảnh lên lab rồi sẽ lại phải nghe những lời khó nghe...

Trường tôi nằm trên một đỉnh đồi cao, tôi thường ngồi góc nào đó, một mình nhìn xuống và thấy dưới kia hình ảnh tương phản là đường sá rực rỡ ánh đèn, xe cộ nhộn nhịp qua lại..., nỗi cô đơn, muộn phiền vì thất bại theo đó càng dâng cao. Hỗn loạn, hoang mang, thất vọng... là những tâm trạng lúc đó. Tôi sợ làm ảnh hưởng đến hình ảnh của người Việt, của đàn em sau này trong mắt các giáo sư Hàn...

* Cách bạn đã vượt qua những áp lực?

- Tôi nghĩ dù cuộc sống có ra sao thì chúng ta cũng phải đối diện với sự thật, phải nỗ lực vượt qua. Điều quan trọng là biết mình đang tạo ra giá trị tích cực và có đích đến rõ ràng. Dù bù đầu với lịch nghiên cứu, công bố bài báo quốc tế... để tốt nghiệp đúng hạn, tôi vẫn quyết định đi học tiếng Hàn và đảm nhận một số vị trí đoàn thể. Tôi nhận ra rằng việc biết tiếng bản địa sẽ giúp mình hiểu rõ về văn hóa, xã hội... nơi mình đang học tập, từ đó tự tin và hòa nhập tốt hơn.

* Nhìn lại, bạn tự hào điểm gì nhất ở bản thân?

- Điểm tự hào nhất của tôi ở thời điểm hiện tại, cụ thể là đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ đúng thời hạn sau bao chông gai. Tấm bằng này là minh chứng cho việc nếu chúng ta có quyết tâm mạnh mẽ thì không có gì là không thể, bất kể quá khứ có ra sao.

Nhà khoa học trẻ đầy tiềm năng

Duy là ứng viên duy nhất được tôi lựa chọn cho nhóm nghiên cứu về optics, bởi tôi thấy ở bạn một sự nhiệt tình, chân thành lớn trong lĩnh vực chuyên môn. Xuyên suốt quá trình nghiên cứu, Duy đã lên kế hoạch và thực hiện một cách cẩn thận, đáng tin cậy.

Bên cạnh việc nghiên cứu, Duy cũng nỗ lực đáng kể trong việc hòa nhập vào môi trường mới. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng Duy có đủ khả năng để hướng dẫn một dự án một cách độc lập.

Giáo sư Kim Jae Yong (khoa vật lý ĐH Hanyang, Hàn Quốc)

Không ngừng tạo ra giá trị

Lê Đường Anh Duy tốt nghiệp ngành vật lý - điện tử ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) trước khi nhận học bổng toàn phần chương trình tiến sĩ về vật lý tại ĐH Hanyang (Hàn Quốc) vào tháng 8-2015. Bạn có bốn bài báo được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín, 11 đề tài được mời trình bày ở các hội thảo quốc tế chuyên ngành.

Duy từng là hội trưởng Hội Sinh viên VN tại ĐH Hanyang (nhiệm kỳ 2018-2019). Hiện Anh Duy là chuyên viên tại một tập đoàn nước ngoài, nghiên cứu viên tại một ĐH ở TP.HCM.

Tiến sĩ y khoa 31 tuổi có 27 bài báo quốc tế Tiến sĩ y khoa 31 tuổi có 27 bài báo quốc tế

TTO - Ở tuổi 31, Trần Ngọc Đăng (tốt nghiệp tiến sĩ khoa học chăm sóc con người ĐH Tsukuba, Nhật Bản) đã có số bài báo công bố quốc tế ấn tượng, thậm chí gần bằng tuổi đời.

CÔNG NHẬT thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên