TS Đào Nguyên Khôi (phải) và các cộng sự trong nhóm nghiên cứu của mình - Ảnh: Q.L.
Phó giám đốc Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM Nguyễn Kỳ Phùng không giấu được tự hào khi nói về hành trình nỗ lực và phấn đấu không mệt mỏi của học trò mình.
"Từ một nghiên cứu viên, Khôi đã hoàn thành tiến sĩ, hiện là phó trưởng khoa và mới được công nhận phó giáo sư. Tôi nghĩ không quá lời khi nói TS Đào Nguyên Khôi là một trong những chuyên gia "cứng" lĩnh vực nghiên cứu về biến đổi khí hậu ở TP chúng ta hiện nay" - ông Phùng nói.
“Mỗi công trình nghiên cứu của TS Khôi đều thể hiện sự nỗ lực rất lớn và mỗi kết quả công bố luôn hướng đến phục vụ lợi ích cộng đồng.
PGS.TS TÔ THỊ HIỀN (trưởng khoa môi trường, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM)
Hành trình nỗ lực
Anh bảo cuộc đời mình khá may mắn, gặp được nhiều thầy cô thương, hướng dẫn và mở đường cho anh đến với khoa học. Hai trong số những người thầy đầu tiên định hình hướng nghiên cứu cho anh là GS Nguyễn Kỳ Phùng (hiện là phó giám đốc Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM) và PGS.TS Nguyễn Thị Bảy (Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM).
Gặp được những người thầy khơi trúng "con người khoa học" trong anh, Khôi nhận được học bổng nghiên cứu sinh về quản lý tổng hợp lưu vực sông ở Nhật, sau khi hoàn thành cao học trong nước.
Về nước ngay sau ngày bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, Khôi được giao đề tài nghiên cứu cơ bản cấp nhà nước. Anh khoe đó là thành quả của quá trình tìm kiếm, gõ cửa khắp nơi ngay khi còn ở nước ngoài.
Vậy mới thấy hành trang hơn 60 bài báo khoa học, trong đó có 23 bài công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín về những kết quả nghiên cứu liên quan đến môi trường nước và biến đổi khí hậu của anh với vai trò tác giả chính hay đồng tác giả là một hành trình không phải nhà khoa học trẻ nào cũng có thể chạm đến.
Anh và nhóm nghiên cứu nhận thực hiện cùng lúc một số đề tài các cấp. Mới đây, anh và cộng sự vừa chuyển giao kết quả nghiên cứu đề tài "Xây dựng bản đồ nhạy cảm môi trường đường bờ, ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn thành phố" để các sở ngành liên quan của TP.HCM triển khai thực tế.
Những thông tin khoa học từ nghiên cứu này giúp chúng ta chủ động ứng phó và phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại tới môi trường tự nhiên và đời sống của người dân.
Trao truyền đam mê
Vừa giảng dạy, vừa làm quản lý trong vai trò phó trưởng khoa, Khôi còn vận hành nhóm nghiên cứu về môi trường nước và biến đổi khí hậu của mình gồm các học viên cao học, nghiên cứu sinh. Trong đó có những nghiên cứu sinh đầu tiên anh nhận hướng dẫn sau ba năm tốt nghiệp tiến sĩ tại Nhật và về nước.
Nỗ lực, kiên trì và may mắn là điều anh tự đúc kết cho hành trình khoa học của bản thân. Sẽ không có thành quả nào hết nếu bạn không thật sự nỗ lực và kiên trì với đam mê đời mình. Anh tâm niệm như thế và luôn chia sẻ với các bạn trẻ khi làm việc chung.
"Bạn đừng ngại hay e dè khi dấn thân vào khoa học. Bạn có thể rớt một lần, hai lần, thậm chí ba lần nhưng nếu đủ kiên trì, chắc chắn bạn sẽ đạt mục tiêu mình hướng đến" - TS Khôi nhắn nhủ đồng nghiệp trẻ.
PGS.TS Tô Thị Hiền (trưởng khoa môi trường, Trường ĐH Khoa học tự nhiên) đánh giá cấp phó của mình luôn chủ động, nỗ lực hết sức dù ở bất kỳ vai trò nào. Điều đó được thể hiện qua từng đề tài nghiên cứu anh đã công bố.
Còn Khôi chỉ nghĩ đơn giản ngày trước mình đã được thầy cô tận tình hướng dẫn, sẵn sàng chia sẻ thế nào thì nay cũng muốn trao lại cho những bạn trẻ đam mê khoa học như thế.
"Tôi muốn được thử sức mình ở những công trình lớn hơn, gắn liền với thực tiễn để giải quyết những vấn đề cuộc sống đặt ra chứ không chỉ những nghiên cứu mang tính hàn lâm. Từ khởi đầu này để nâng tầm nghiên cứu, từng bước thành chuyên gia về lĩnh vực mình theo đuổi là những gì tôi tiếp tục đặt ra cho mình" - Khôi bày tỏ.
Phó giáo sư trẻ
TS Đào Nguyên Khôi - phó trưởng khoa môi trường, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) - vừa được Hội đồng giáo sư nhà nước công nhận đạt chuẩn trong số 349 phó giáo sư của cả nước năm 2019. Sinh năm 1985, TS Khôi là một trong những phó giáo sư có tuổi đời trẻ nhất của đợt xét học hàm giáo sư, phó giáo sư năm nay.
Niềm vui nhân đôi khi anh vừa là một trong 10 tài năng khoa học trẻ Việt Nam được nhận Giải thưởng khoa học công nghệ thanh niên Quả cầu vàng năm 2019, do Trung ương Đoàn cùng Bộ Khoa học - công nghệ trao tặng. Anh cũng là một trong 12 "Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM" năm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận