
Nhiều cửa hàng chỉ kinh doanh xăng RON95 và không còn bán xăng E5RON92 - Ảnh: N.AN
Theo Bộ Công Thương, việc sử dụng xăng sinh học là chủ trương đúng đắn, không chỉ giúp giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính để bảo vệ môi trường, mà còn là xu hướng tất yếu để phát triển bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu cắt giảm khí nhà kính, Net Zero vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết.
Xăng sinh học ế ẩm
Sau khi nghỉ bán xăng E5RON92 cách đây 2 năm, một cửa hàng xăng dầu trên đường Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội) chỉ còn duy trì 4 cột bơm xăng RON95. Anh Tùng, chủ cửa hàng, cho hay mặt hàng E5RON95 được tiêu thụ khá nhiều trong giai đoạn 2018 - 2021, sau đó liên tục giảm dần, có thời điểm xuống chỉ còn vài phần trăm trên tổng lượng bán, nên anh buộc phải dừng bán do không hiệu quả.
Một cửa hàng khác trên đường Quang Trung (Hà Nội) duy trì duy nhất một cột bơm xăng E5RON95 trên tổng số 6 trụ bơm. Chị Thanh Huyền, chủ cửa hàng xăng dầu này, cho hay dù tiêu thụ xăng sinh học khá chậm so với xăng RON95, nhưng vẫn có một lượng khách nhất định có nhu cầu dùng mặt hàng này, trong đó chủ yếu là các tài xế xe ôm, xe vận chuyển hàng.
"Dù tổng lượng tiêu thụ xăng sinh học E5RON92 chỉ chiếm khoảng 10%, chúng tôi vẫn duy trì bán để giữ khách hàng. Hầu hết mọi người đều có nhu cầu dùng xăng RON95, nhưng cũng có những khách hàng quen sử dụng xăng E5RON92, không gặp vấn đề gì về chất lượng, động cơ, nên thường hỏi mặt hàng này.
Nhiều cửa hàng đã ngừng bán xăng sinh học nhưng chúng tôi vẫn cố gắng duy trì để đáp ứng một phần nhu cầu khách hàng", chị Huyền chia sẻ.
Trong khi đó, chị Ngọc Trân có hệ thống cửa hàng tại phường Tân Phú (TP.HCM) cho hay dù đã xây dựng hạ tầng, bồn chứa xăng E5RON92, nhưng lượng tiêu thụ ít khiến doanh nghiệp thua lỗ.
Trung bình mỗi ngày, đơn vị này nhập vài khối xăng, nhưng chỉ bán được khoảng 200 lít.
"Khách hàng có nhu cầu mua chủ yếu là cơ quan, công sở nhà nước. Khách lẻ không có nhu cầu tiêu thụ nhiều, ngay cả các tài xế vận tải", chị Trân cho biết.
Cũng theo chị Trân, nhiều khách hàng phản ánh sử dụng xăng E5RON95 bị nóng máy, nhanh bay hơi, trong khi mức chiết khấu không cạnh tranh. Nhu cầu tiêu dùng, hiệu quả kinh doanh không cao, nên doanh nghiệp buộc phải dừng bán.
"Tôi lo rằng việc chuyển đổi bán mặt hàng E10 có thể lặp lại kịch bản... người dùng không mặn mà, chất lượng chưa đủ tin tưởng, khiến xăng sinh học khó có thể thuyết phục được khách hàng lựa chọn sử dụng", chị Trân băn khoăn.
Trong thực tế, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp tư nhân gần như không còn bán xăng E5RON92, chỉ có các cửa hàng xăng dầu có vốn nhà nước còn bán sản phẩm này.
Anh Đạo, quản lý cửa hàng của Petrolimex tại Ngã Tư Sở (Hà Nội), cho hay vẫn duy trì cột bơm xăng sinh học do có một lượng khách lẻ, các cơ quan công sở vẫn ưu tiên sử dụng xăng sinh học, với nhu cầu đặt hàng khá ổn định.
Tăng cường truyền thông về xăng sinh học
Ông Bùi Ngọc Bảo, chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho rằng người dùng không "quay lưng" với xăng sinh học, mà do mặt hàng E5RON92 chưa trở thành lựa chọn ưu tiên của người tiêu dùng, bởi loại xăng nền để phối trộn thành sinh học chưa phù hợp với nhu cầu. Thực tế, người Việt thường có xu hướng chọn sản phẩm chất lượng cao, dù đắt tiền hơn, do tâm lý bảo vệ phương tiện là tài sản lớn.
Trong khi đó, loại xăng được lựa chọn để pha chế xăng sinh học trước đây là RON92, có cấp độ chất lượng thấp nhất, chủ yếu được sử dụng cho xe máy, không tạo đủ độ tin tưởng. Đặc biệt, xăng E5RON92 được đưa vào thị trường đúng thời điểm mặt hàng RON95 được tiêu thụ ngày càng rộng rãi hơn, nên người dân ưu tiên dùng xăng RON95 nhằm bảo vệ ô tô, xe máy.
Do vậy, dù có thời điểm E5RON92 được tiêu thụ lên tới 50% thị phần, nhưng nhanh chóng giảm dần do nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Trả lời Tuổi Trẻ, đại diện Bộ Công Thương cũng cho hay dù từ năm 2014 đến nay chưa ghi nhận trường hợp cháy, nổ hay ảnh hưởng đến tuổi thọ của phương tiện do sử dụng xăng sinh học E5. Dù vậy, tình hình tiêu thụ E5RON92 ngày càng giảm trong những năm gần đây.
Theo kết quả khảo sát thực tế và báo cáo của các địa phương, tiêu thụ xăng sinh học E5RON92 chiếm tỉ lệ cao (>50% so với xăng khoáng) tại những vùng sâu, vùng xa, mức thu nhập thấp và sử dụng phương tiện giao thông cũ.
Trong khi ở những nơi có mức thu nhập cao, đặc biệt là các thành phố lớn, nơi sử dụng nhiều xe đời mới, tỉ lệ tiêu thụ xăng sinh học E5RON92 thấp, có nơi chỉ còn khoảng 15% so với mức tiêu thụ xăng khoáng.
Vị này thừa nhận xăng sinh học E5RON92 chưa được ưa chuộng là do sử dụng loại xăng nền RON92, không còn phù hợp khi phần lớn phương tiện sản xuất mới đều được khuyến nghị sử dụng nhiên liệu có chỉ số Octan cao hơn (≥95).
"Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ dành cho xăng sinh học chưa đủ hấp dẫn để khuyến khích mạnh mẽ các bên tham gia chuỗi sản xuất, phân phối và tiêu dùng", vị này nói.
Cũng theo vị này, một bộ phận người tiêu dùng vẫn còn băn khoăn về chất lượng xăng sinh học, dù thực tế sử dụng cho thấy mức độ an toàn và hiệu quả. Chưa kể, hoạt động truyền thông chưa thực sự lan tỏa, chưa tiếp cận được đầy đủ các nhóm đối tượng, đặc biệt là người tiêu dùng cuối cùng.

Xăng sinh học E5 tại một cửa hàng xăng dầu tại phường Xuân Hòa (TP.HCM) - Ảnh: TRÍ ĐỨC
Các nước dùng xăng sinh học thế nào?
Các nước Tây Âu, Mỹ, Canada... đều có kế hoạch sản xuất nhiên liệu thay thế ở quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu sử dụng nhiên liệu sinh học ngày càng tăng.
Trong đó, Brazil là quốc gia đi đầu với chương trình quốc gia ủng hộ xăng pha cồn từ năm 1975, sử dụng cồn sản xuất từ mía để pha vào xăng với tỉ lệ lên đến 20%, thậm chí có thể lên đến 85% dùng trong ngành vận tải.
Mỹ bắt đầu thử nghiệm sử dụng xăng pha cồn từ năm 1976, sau đợt khủng hoảng năng lượng năm 1973. Từ năm 1978, Mỹ đã công nhận lợi ích của cồn trong nhiên liệu và dùng biện pháp giảm thuế đối với xăng pha cồn nhằm khuyến khích phát triển thị trường nhiên liệu này. Tại các nước châu Âu, châu Mỹ xăng sinh học hoặc xăng pha cồn đã được sử dụng trong nhiều năm qua với tỉ lệ cồn pha vào xăng tối thiểu là 10%.
Philippines đưa Luật Nhiên liệu sinh học vào năm 2006, bắt buộc dùng xăng sinh học E5 từ năm 2009 và E10 từ năm 2011. Thậm chí, Philippines còn miễn thuế cho phần nhiên liệu sinh học pha vào xăng, miễn thuế giá trị gia tăng cho nguyên liệu thô (mía, sắn...) khi dùng để sản xuất nhiên liệu sinh học...
Đủ điều kiện để chuyển sang xăng sinh học
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng việc đưa xăng E10 vào thị trường là hoàn toàn có cơ sở và đủ điều kiện, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện lộ trình cắt giảm khí thải, đạt cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Hơn nữa, nhiên liệu sinh học đã được sử dụng phổ biến ở hơn 50 quốc gia trên thế giới và đều được luật hóa là quy định bắt buộc với xu hướng sử dụng ngày càng tăng.
Trong khi đó, nguồn cung E100 để phối trộn vào xăng khoáng cũng dồi dào. Cả nước đã xây dựng được 6 nhà máy sản xuất nhiên liệu E100 với nguyên liệu đầu vào là sắn (mì) và bắp (ngô), công suất thiết kế mỗi năm khoảng 500.000m3.
Các vùng nguyên liệu sẵn được hình thành với 517.800ha, nhu cầu sắn khô cần tối đa 1,9 triệu tấn, chiếm dưới 20% sản lượng sắn lát toàn quốc, hoàn toàn đảm bảo cho cả 6 nhà máy hoạt động 100% công suất.
Chưa kể, nguồn E100 trên thị trường thế giới rất dồi dào đến từ Mỹ, Brazil..., trong khi các cảng có thể đón nhận tàu thông dụng chở ethanol với tải trọng khoảng 50.000 tấn/tàu. Đây là các cảng ở cả 3 khu vực có tổng kho lớn của các doanh nghiệp là kho B12, kho Nhà Bè, kho Vân Phong và cảng Đà nẵng.
Các nhà máy lọc dầu, các doanh nghiệp kinh doanh như Petrolimex và PVOIL, Sài Gòn Pertro... cũng có đủ khả năng sản xuất, nhập khẩu, phối trộn và kinh doanh xăng sinh học E10. Nhà máy lọc dầu Dung Quất và liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn với công suất đạt trên 16,5 triệu tấn dầu thô/năm, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu nội địa.
Đây sẽ là nguồn cung xăng nền và xăng sinh học ổn định. Tổng số kho xăng dầu cả nước khoảng hơn 214 kho, nên khả năng lưu chứa xăng nền, E100 và xăng sinh học là khả thi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận