01/04/2017 12:13 GMT+7

​Bảo vệ sức khỏe răng miệng

Nguồn: Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM
Nguồn: Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM

Không chỉ có công dụng làm “hài lòng” dạ dày, thức ăn còn mang lại lợi ích cho hầu hết các bộ phận trong cơ thể.

Tuy nhiên, dưới sự đa đạng và phong phú của thực phẩm, để chọn cho mình những thực phẩm tốt cho răng là điều khiến không ít người băn khoăn. Nhiều nghiên cứu khoa học đã được ghi nhận, những thức ăn tốt cho cơ và xương thường cũng tốt cho răng và nướu. Nếu bánh mì, ngũ cốc (giàu sinh tố B), trái cây và rau quả (chứa nhiều sinh tố C) giúp cho mô nướu khỏe mạnh thì thịt nạc, cá và gia cầm cung cấp chất magnesium và kẽm cần thiết cho răng.

Có rất nhiều thức ăn có thể bảo vệ ngăn ngừa sâu răng. Fluoride là chất bảo vệ đầu tiên chống lại sâu răng, giúp bề mặt răng có sức đề kháng tốt hơn trước các acid trong quá trình tái khoáng hóa. Sữa và bơ rất giàu calcium, phosphate có thể kích thích tăng sự tái khoáng hóa. Nhai kẹo chewing-gum không đường sẽ kích thích tiết nước bọt giúp làm sạch bề mặt răng. Các thức ăn có nhiều chất xơ cũng giúp gia tăng lưu lượng nước bọt. Tất cả thức ăn đều làm tăng tiết nước bọt và nước bọt có chứa các hóa chất đệm giúp giữ cho pH cố định khoảng gần 7 (trung hòa) trong miệng.

Dưới đây là 10 loại thức ăn mang lại lợi ích cho răng:

1. Trà xanh

Hội nghị Quốc tế của WHO đã đưa ra nhận định về công dụng bảo vệ sức khỏe của 6 loại thức uống gồm: trà xanh, vang đỏ, sữa đậu nành, sữa chua, canh xương và canh nấm. Trà xanh chứa hợp chất thực vật polyphenol antioxidant, có tác dụng làm giảm mảng bám, giảm sâu răng và bệnh nha chu. Trà xanh còn làm giảm hôi miệng và làm chắc men răng vì có thành phần fluoride cao.

Ngoài tính chất ngừa sâu răng và làm chắc răng, trà xanh còn có khả năng ngừa ung thư và nâng cao độ bền của huyết quản.

2. Thực phẩm làm từ sữa

Rất giàu Calcium – thành phần chính của răng: có lợi cho răng vì có độ acid thấp, làm giảm mòn răng.

3. Pho-mát

Chứa Ca và P giúp cân bằng pH trong miệng, bảo tồn (và tái tạo) men răng, có tác dụng diệt vi khuẩn gây sâu răng và bệnh nha chu.

4. Trái cây

Như táo, dâu tây và kiwi chứa nhiều sinh tố C. Thiếu sinh tố C, các tế bào nướu dễ bị phá hủy.

5. Rau củ

Chứa sinh tố A (cà-rốt, bí ngô, cà chua ngọt, cải súp-lơ màu xanh…) rất cần cho sự thành lập men răng. Cải giòn còn giúp làm sạch nướu.

6. Củ hành

Chứa các hợp chất sulfur kháng khuẩn. Nhiều nghiên cứu cho thấy củ hành diệt các loại vi khuẩn có hại, đặc biệt khi ăn sống.

7. Cần tây

Bảo vệ răng nhờ kích thích tiết nước bọt làm trung hòa acid (acid gây mất khoáng và sâu răng). Ngoài ra, cần tây còn có tác dụng mát-xa cho răng và nướu.

8. Hạt mè

Làm giảm mảng bám và giúp ổn định cấu trúc men răng. Hạt mè cũng rất giàu chất Ca.

9. Thịt và trứng

Thịt bò, gà, gà tây và trứng có chứa P và Ca (một trong hai chất cơ bản của răng và xương).

10. Nước

Làm sạch miệng và sản xuất nước bọt mang đến những chất khoáng vào trong răng. Nước còn có công dụng giữ cho nướu hấp thu được và rửa sạch các mảnh thức ăn nhỏ bám trên răng.

Nhai chewing gum cũng giúp làm sạch kẽ răng và răng đồng thời lấy đi các mảnh vụn thức ăn. Tuy nhiên, với những răng đã từng trám, việc này có thể làm tổn thương hoặc tróc phần trám bị long. Sử dụng chewing gum không đường cũng có tác dụng tích cực cho răng.

Bên cạnh việc chú trọng lựa chọn thực phẩm bảo vệ răng, điều quan trọng là răng cần phải được làm sạch ít nhất 2 lần/ngày. Đơn giản và thích hợp nhất là đánh răng với kem có chứa fluor để lấy đi tất cả những thức ăn dính vào răng. Làm sạch răng thường xuyên với chỉ tơ nha khoa có thể lấy đi mảng bám dính trên bề mặt răng.

Nguồn: Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên