25/04/2013 07:42 GMT+7

Bảo vệ mình trước cúm gia cầm

BS LÊ ĐỨC THỌ (Theo WHO)
BS LÊ ĐỨC THỌ (Theo WHO)

TT - Để phòng tránh lây nhiễm cúm từ gia cầm, chúng ta không được ăn trứng sống, tiết canh, phải rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc gia cầm sống...

oFzSflJx.jpgPhóng to
Hạn chế tiếp xúc với chim/gia cầm sống hoặc phải rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc - Ảnh: T.T.D.

Một điều cần lưu ý là gia cầm khỏe mạnh vẫn có thể mang virút gây bệnh. Do đó người lớn cần dạy trẻ con nằm lòng những nguyên tắc sau:

- Tránh tiếp xúc gia cầm, lông, phân và các chất thải khác của gia cầm.

- Không chơi với gia cầm hoặc nuôi làm cảnh.

- Rửa tay bằng xà phòng và nước sau tiếp xúc với chim/gia cầm và luôn rửa tay trước khi ăn.

Nếu bạn hoặc con bạn tiếp xúc với gia cầm như sờ mó vào chim, chạm vào phân chim hoặc phân động vật khác, hoặc giẫm lên đất có phân gia cầm cần phải:

"Đến ngay cơ sở y tế khi bạn có những dấu hiệu bệnh như sốt và/hoặc có các triệu chứng cúm, báo cho nhân viên y tế biết nếu bạn đã tiếp xúc với người nghi mắc cúm gia cầm"

- Rửa tay thật kỹ bằng xà phòng và nước.

- Cởi giày, dép để ngoài nhà và rửa thật sạch giày dép.

- Tới ngay cơ sở y tế gần nhất nếu bị sốt cao (trên 38OC).

Khi bạn chế biến thực phẩm:

- Đừng bao giờ làm thịt hoặc chế biến gia cầm nếu rõ ràng chúng đã bị bệnh hoặc chết do bệnh.

- Nếu được nấu chín kỹ, thịt gia cầm sẽ an toàn cho người tiêu dùng. Nghĩa là miếng thịt không còn màu hồng và không còn màu đỏ máu.

- Virút cúm có thể ở bên trong quả trứng hoặc ở trên vỏ. Trứng cần được nấu kỹ, lòng đỏ không còn sệt hoặc lỏng (luộc chín lòng đỏ).

- Không ăn thức ăn sống làm từ các sản phẩm gia cầm, ví dụ tiết canh vịt.

- Khi cầm nắm gia cầm trong lúc chế biến món ăn, không được sờ tay lên mũi, mắt, miệng.

- Rửa tay thường xuyên kể cả sau khi cầm gà đông lạnh hoặc đang tan băng, vỏ trứng hoặc trứng sống.

- Rửa kỹ hai bàn tay bằng xà phòng, rửa thật kỹ bề mặt và các dụng cụ tiếp xúc với thịt sống.

- Để riêng thịt sống, thức ăn chín, hoặc rau có thể ăn ngay để tránh nhiễm chéo.

- Không dùng chung dao, thớt cho rau, thực phẩm chín và thực phẩm sống.

- Không cầm thực phẩm sống và thực phẩm chín nếu không rửa tay giữa hai lần cầm.

- Không để thịt đã nấu vào cùng đĩa hay những bề mặt trước đó đã đặt thịt sống nếu không rửa sạch đĩa.

Những đề phòng cho người giết mổ gia cầm:

- Không mua gà chết để làm thịt. Chỉ làm thức ăn từ những con gia cầm khỏe mạnh.

- Sử dụng những vật dụng bảo hộ cá nhân như tạp dề nhựa, khẩu trang, găng tay, mắt kính, ủng.

- Rửa tay thường xuyên.

- Khi giết mổ, moi ruột, làm lông, hãy tránh làm lây nhiễm cho bạn và môi trường trong nhà từ máu, bụi, lông, phân và các chất thải khác của gia cầm.

- Tốt nhất là nhúng gia cầm vào nước sôi trước khi vặt lông.

- Không đụng chạm vào các đồ vật khác và tránh sờ vào mặt (ví dụ như dụi mắt) trong suốt quá trình làm thức ăn, trừ khi bạn đã rửa tay bằng xà phòng và nước.

- Thường xuyên dọn sạch chuồng, các dụng cụ bằng nước tẩy và phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.

- Giết mổ xong, dọn sạch khu vực giết mổ bằng thuốc tẩy.

- Sau khi làm gia cầm xong, tắm bằng xà phòng, nước và thay quần áo. Giặt riêng quần áo đã mặc, phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.

Người bệnh cúm cần:

- Dùng khăn giấy che mũi và miệng khi ho, hắt hơi rồi bỏ vào sọt rác sau khi dùng xong. Dạy trẻ em cũng làm như vậy.

- Luôn rửa tay bằng xà phòng và nước sau mỗi lần tiếp xúc với chất tiết từ mũi, miệng vì chúng có thể mang virút.

- Tránh sờ tay vào mũi, mắt, miệng.

- Trẻ em thường có xu hướng sờ lên mặt, mắt, miệng bằng tay chưa rửa. Hãy dạy trẻ em về sự quan trọng của rửa tay sau khi ho, hắt hơi và sau khi cầm nắm đồ vật bẩn.

- Đến ngay cơ sở y tế nếu bạn có các dấu hiệu bệnh như sốt và/hoặc có các triệu chứng của cúm và báo cho nhân viên y tế biết là bạn đã tiếp xúc với gia cầm nếu có.

BS LÊ ĐỨC THỌ (Theo WHO)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên