27/01/2022 10:44 GMT+7

Bảo vệ gan, mật ngày Tết ra sao?

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TTO - Uống rượu bia quá nhiều trong những ngày Tết sẽ ảnh hưởng sức khỏe như thế nào? Cần uống rượu bia với liều lượng ra sao để không ảnh hưởng đến sức khỏe?

Bảo vệ gan, mật ngày Tết ra sao? - Ảnh 1.

Ngày Tết uống rượu thiếu kiểm soát sẽ hại sức khỏe - Ảnh: D.PHAN

Rượu, bia là những thức uống không thể thiếu trong các buổi liên hoan, sinh nhật, họp mặt... và nhất là sắp đến những ngày Tết Nguyên đán nhà nào cũng dự trữ sẵn thức ăn, rượu, bia để tiếp khách đến chúc Tết. Chính vì vậy, phải có cách sử dụng rượu, bia với liều lượng hợp lý để vừa được giao lưu với nhau trong những ngày vui, dịp lễ, Tết mà vẫn không gây hại đến sức khỏe.

Ngộ độc, suy gan, sỏi tụy...

TS.BS Đoàn Tiến Mỹ, trưởng khoa ngoại - gan - mật - tụy Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết rượu được chưng cất từ ngũ cốc mà thành phần chính là ethanol, nước và tạp chất. Rượu là thức uống thường được sử dụng trong giao tiếp hằng ngày, gần như vô hại nếu mọi người sử dụng đúng và đủ.

"Tuy nhiên trong đời sống hằng ngày, nhiều người đã dùng rượu không đúng cách, hay nói cách khác là dùng quá nhiều nên đã ảnh hưởng đến sức khỏe", TS Tiến Mỹ nhấn mạnh.

Lạm dụng rượu, uống quá nhiều rượu có thể sẽ ảnh hưởng đến nhiều cơ quan như tim mạch, dạ dày, gan, tụy, khớp, xương, cơ bắp, tình dục và sức khỏe sinh sản, hệ thống miễn dịch, sức khỏe tâm thần... Đối với gan, uống rượu nhiều dễ dẫn đến ngộ độc, nhiễm mỡ, xơ gan, viêm gan, suy gan. Còn với tụy, sẽ làm cho tụy bị viêm tụy cấp, viêm tụy mãn, nang tụy, tụy mỡ, sỏi tụy...

Trong thời gian làm việc tại khoa ngoại - gan - mật - tụy Bệnh việc Chợ Rẫy, TS.BS Đoàn Tiến Mỹ chia sẻ đã gặp khá nhiều trường hợp bệnh nhân mắc bệnh liên quan đến rượu. Những bệnh nhân này có điểm chung là đều nghiện rượu nặng. Ngày nào những trường hợp này cũng uống khoảng 100ml đến 500ml rượu đế. Với mức uống như vậy, nồng độ alcool trong máu luôn giữ ở một mức nhất định, alcool đã "được quyền" tham gia vào các hoạt động của cơ thể. Lúc này, alcool đã được xem như một thành phần hóa học của máu. Do đó, với những bệnh nhân này, trong những ngày nhập viện điều trị bệnh họ không được uống rượu, nồng độ cồn trong máu giảm đã làm kích thích hệ thần kinh - cơ của bệnh nhân. Bệnh nhân thường có những cơn kích động, giảm ý thức, nói sảng...

Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy từng điều trị cho một bệnh nhân nam bị viêm tụy hoại tử rất nặng sau khi uống rượu bia. Bệnh nhân này đã uống rượu bia với bạn trong suốt 3 ngày. Sau đó, bệnh nhân bị đau bụng, được đưa đến nhập viện với chẩn đoán viêm tụy cấp thể nặng. Bệnh nhân nhanh chóng chuyển sang viêm tụy hoại tử và hôn mê, được điều trị ba tháng tại khoa ICU (khoa hồi sức cấp cứu). Bệnh nhân được hỗ trợ thở máy và lọc máu liên tục. Sau đó, TS.BS Đoàn Tiến Mỹ đã tiến hành mổ để cắt lọc các mô hoại tử ở tụy cho bệnh nhân. Do các mô hoại tử nhiều nên bác sĩ đã phải tiến hành phẫu thuật hai lần để cắt lọc. Với ba tháng điều trị tích cực, cuối cùng bệnh nhân này cũng được xuất viện khỏe mạnh.

Uống rượu, bia thế nào để không ảnh hưởng đến sức khỏe?

TS.BS Đoàn Tiến Mỹ cho biết theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi người chỉ nên uống 1 đơn vị rượu (1 drink) trong ngày là hợp lý. Mỗi đơn vị rượu chứa 8-14g rượu nguyên chất, tương đương 1 lon bia 330ml hay 125ml rượu vang hay 40ml rượu mạnh. Lạm dụng hay còn gọi là uống nhiều rượu bia khi nam giới uống quá 3 đơn vị rượu/ngày hoặc nữ giới uống quá 2 đơn vị rượu/ngày.

Ngoài ra, TS Tiến Mỹ cũng lưu ý không nên uống các loại rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa được kiểm nghiệm an toàn thực phẩm; chỉ nên sử dụng các loại rượu mà bản thân đã có sự hiểu biết về chúng.

Không nên uống rượu ngâm từ động vật

Đối với các loại rượu ngâm, người uống nên tự ngâm để biết rõ các thành phần thì uống mới bảo đảm. Chỉ nên uống rượu ngâm từ thực vật, chứ tuyệt đối không được uống rượu ngâm từ động vật. Rượu ngâm với động vật có thể có các độc tố do quá trình chuyển hóa hay phân hủy của các tổ chức của động vật khi hòa tan vào nước rượu ngâm. Nhiều người cho rằng rượu ngâm "rất bổ" nhưng thực chất là vô bổ, thậm chí rất có hại.

Giới sành nhậu còn có một sở thích là uống rượu pha với máu động vật như máu rắn, rùa, ba ba hoặc các động vật khác... Tuy nhiên, TS Tiến Mỹ phân tích "máu là nơi chứa nhiều sản phẩm có hại trong cơ thể sinh vật", khi pha rượu với máu tươi của động vật uống, loại máu tươi này không qua chế biến hay làm bất hoạt vi khuẩn và độc tố. Do vậy, khi uống những loại rượu này có thể bị dị ứng, lâu ngày tế bào gan bị phá hủy gây xơ gan, trụy tim mạch. Vi khuẩn, vi rút xâm nhập cơ thể người hay động vật thường đi vào máu đầu tiên. Vì thế, việc pha rượu với máu động vật có thể khiến người uống dễ nhiễm bệnh.

7 thảo dược quý giúp bảo vệ gan, giảm các triệu chứng bệnh gan 7 thảo dược quý giúp bảo vệ gan, giảm các triệu chứng bệnh gan

Gan có vai trò rất quan trọng trong quá trình chuyển hóa các chất, làm giảm hoặc vô hiệu hóa các chất độc hại thâm nhập vào, làm giảm bớt độc tính và thải trừ một số chất cặn bã, độc hại do chuyển hoá trong cơ thể tạo nên.

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên