23/07/2019 14:36 GMT+7

Bảo tàng ngộ cảnh đìu hiu

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Một loạt bảo tàng trên địa bàn TP.HCM đang mang 'bộ mặt lặng lờ' do các dịch vụ bổ trợ như hàng lưu niệm, quầy giải khát... đã bị ngưng hoạt động.

Bảo tàng ngộ cảnh đìu hiu - Ảnh 1.

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.HCM hiện đang tự xoay xở làm các dịch vụ bổ trợ để phục vụ nhu cầu của du khách - Ảnh: DUYÊN PHAN

Đây là một phần trong lộ trình các đơn vị sự nghiệp công thi hành Luật quản lý sử dụng tài sản công năm 2017, theo yêu cầu của Sở Văn hóa và thể thao, các hoạt động cho thuê dịch vụ bổ trợ chưa đúng với quy định tại các bảo tàng đều phải dừng hoạt động từ ngày 30-6.

Tuy nhiên, việc "ngưng ngang" các hoạt động dịch vụ vốn dĩ bình thường lâu nay đang mang lại nhiều hệ lụy chưa lường hết.

Tháng 7 này, chúng tôi mất hơn một trăm triệu đồng từ nguồn thu quà lưu niệm rồi.

Bà TRẦN XUÂN THẢO (giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh)

Buồn tẻ, vắng vẻ

Gặp chị B. - phụ huynh - đưa con đến Bảo tàng Lịch sử TP.HCM vào buổi trưa đầu tháng 7, chị tần ngần khi nhìn thấy dãy quán cà phê đóng cửa và sân trước vắng tanh, "hình như bảo tàng hôm nay nghỉ?". Nhưng không phải, quầy vé vẫn hoạt động bình thường.

Quả thật những người quen thuộc với Bảo tàng Lịch sử TP.HCM không thể hình dung sẽ có một ngày dãy quán cà phê - nơi giới sưu tầm cổ vật và khách tham quan thường tụ tập - ở mé sân trước bảo tàng bỗng đóng cửa im lìm; quầy hàng lưu niệm ở sân giữa - nơi vẫn quyến rũ du khách nước ngoài bằng nhiều món đồ giả cổ, đồ lưu niệm làm thủ công của Việt Nam... - nay cũng "dẹp tiệm" sạch sẽ.

Ngay cả sân khấu rối nước - một loại hình văn hóa độc đáo của Việt Nam được duy trì lâu nay tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, do Nhà hát Phương Nam phụ trách - nay cũng đóng cửa vì sân khấu này nằm trên phần đất "thuộc tài sản công".

Nhìn dãy ghế trống trơ, sân rối nước buông rèm im ắng và các chú rối đạo cụ xếp xó bên cạnh sân, ông Hoàng Anh Tuấn - giám đốc bảo tàng - buồn buồn bảo: "Đây là một trong những sân khấu rối nước của thành phố được khách nước ngoài biết đến nhiều lắm đấy, cũng là một kênh quảng bá nghệ thuật truyền thống Việt Nam, nhưng nay đành ngưng thôi".

Tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, việc ngưng các dịch vụ bổ trợ có thể ví như một cú sốc, tạo ra khoảng lặng đáng tiếc. Bởi trong số các bảo tàng tại TP.HCM, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là bảo tàng đón nhiều khách nhất.

Giám đốc bảo tàng, TS Trần Xuân Thảo, nhẩm tính vào mùa thấp điểm như hiện nay thì mỗi ngày có 2.000 - 3.000 lượt khách đến bảo tàng: "Một phần tư trong số đó, tức khoảng 500 lượt người, mỗi ngày có nhu cầu sử dụng dịch vụ giải khát tại đây, vậy mà theo quy định phải ngưng thì thật đáng buồn".

Và các bảo tàng còn lại như Bảo tàng TP.HCM, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Nhà Rồng... cũng đều tuân thủ quy định trên. Có thể ví von là cơn gió thực hiện quản lý sử dụng tài sản công quét qua các bảo tàng làm cho bộ mặt mỗi nơi đều xuống màu đáng kể.

“Trong xu thế cần đa dạng hóa hoạt động bảo tàng, mà đùng một cái mọi thứ trở thành vắng lặng thế này thì thật khó nói.

Ông HOÀNG ANH TUẤN (giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM)

Bảo tàng ngộ cảnh đìu hiu - Ảnh 4.

Sân khấu rối nước do Nhà hát Phương Nam đảm trách tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM chỉ còn những hàng ghế trống trơ - Ảnh: L.ĐIỀN

Thất thu và các hệ lụy

Bà Thu Huyền, giám đốc Bảo tàng TP.HCM, đưa ra cái nhìn lạc quan tếu là "hành lang bảo tàng đã thông thoáng hẳn" khi ngưng các quầy hàng lưu niệm tại đây. Ngoài ra, phần sân bảo tàng lâu nay vốn được sử dụng ngoài giờ để làm bãi giữ xe như một nguồn thu "kinh tế phụ" thì nay cũng ngưng, trả lại sân trước sân sau thoáng đãng sạch rộng.

Có điều để đổi lấy sự thông thoáng như vậy, Bảo tàng TP.HCM đã mất đi khoản doanh thu xấp xỉ 5 tỉ đồng mỗi năm từ những dịch vụ bổ trợ đó. Tương tự, doanh thu từ dịch vụ giải khát của Bảo tàng Chứng tích chiến tranh mỗi ngày khoảng 9 triệu đồng, bà Trần Xuân Thảo cho biết thêm khoản doanh thu từ quầy hàng lưu niệm ở đây khoảng 150 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM có 5 dịch vụ bổ trợ hoạt động thường xuyên: bãi giữ xe, quầy hàng lưu niệm, cà phê, sân khấu rối nước và gallery tranh Lý Thị, mang lại chừng 3 tỉ đồng/năm.

Từ góc nhìn về vai trò các khoản thu, ông Phạm Thành Nam - giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng - cho rằng các khoản thu từ dịch vụ bổ trợ của các bảo tàng đều đã đưa vào dự toán năm 2019 của đơn vị.

Từ nguồn thu sự nghiệp đó, các đơn vị phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, trích lập các quỹ của đơn vị sự nghiệp công lập như: quỹ thưởng, dự phòng, phát triển sự nghiệp... sau đó sẽ chi trả cho cán bộ viên chức như một khoản thu nhập tăng thêm.

"Mục đích cao cả nhất của nguồn thu từ dịch vụ là nộp thuế và trích lập các quỹ phát triển sự nghiệp. Các quỹ này mang tính chất tích lũy để đầu tư cho công tác chuyên môn" - ông Nam nhấn mạnh.

Khắc phục bằng cách... tự xoay

Trước tình hình các nguồn dịch vụ bị thất thu, sáng kiến của Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là... tự xoay. Theo bà Thảo, từ đầu tháng 7 đến nay bảo tàng phân công mỗi ngày hai cán bộ phụ trách việc tổ chức quầy dịch vụ giải khát. "Chúng tôi không được cho bên ngoài thuê thì đành phải tự đứng ra làm vậy".

Bà Thảo cho biết thêm đến cuối tháng 7 này, bảo tàng sẽ họp rút kinh nghiệm và đang sắp xếp nhân sự để mở lại quầy hàng lưu niệm. Theo bà, nếu bảo tàng không đáp ứng thì lập tức các dịch vụ hàng rong ở bên ngoài sẽ đổ về tiếp cận đám đông du khách, chèo kéo mua bán... chẳng những làm mất vẻ mỹ quan mà còn gây mất an ninh trật tự nữa.

Đồng cảm với bà Thảo, ông Hoàng Anh Tuấn thừa nhận việc sử dụng các dịch vụ tại bảo tàng của khách tham quan là nhu cầu có thực. Điều này tạo nên nguồn thu sự nghiệp có vai trò quan trọng.

"Do đặc thù công việc, có bảo tàng sử dụng đến 20, thậm chí 30 lao động hợp đồng (ngoài biên chế nhà nước). Nếu không còn nguồn thu dịch vụ, thật khó để duy trì các lao động này vì không có nguồn ngân sách để trả lương" - ông Tuấn trình bày.

Cụ thể hơn, ông Nam cho biết: "Tuần tới, bên mình phải họp đơn vị để báo với anh em phương án trả lương trong quý 3 theo hướng sụt giảm. Nếu không có nguồn thu, chắc chắn dẫn đến việc sẽ phải cho một số anh em lao động hợp đồng nghỉ việc. Điều này không ai mong muốn.

Bên cạnh đó, nếu lao động hợp đồng nghỉ việc dẫn tới phải phân công anh chị em làm công tác chuyên môn choàng gánh các việc của những lao động hợp đồng bên ngoài như lái xe, bảo vệ, vệ sinh, như vậy ảnh hưởng tâm lý anh em và công việc chuyên môn cũng bị phân tán".

Sở Văn hóa và thể thao vào cuộc, nhưng...

Việc tổ chức các dịch vụ bổ trợ tại các bảo tàng hay thiết chế văn hóa, thể thao là bình thường, tuy nhiên ở đây là việc thực hiện dịch vụ trên phần diện tích đất công nên phải tuân thủ Luật quản lý sử dụng tài sản công năm 2017. Theo đó, không được sử dụng diện tích dư thừa để thực hiện liên doanh liên kết làm dịch vụ.

Chia sẻ những khó khăn từ các bảo tàng khi phải ngưng các dịch vụ bổ trợ, Sở Văn hóa và thể thao TP.HCM từ năm 2018 đã có yêu cầu các bảo tàng xây dựng "Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê" (gọi tắt là đề án) để trình UBND thành phố, Sở Tài chính xem xét, phê duyệt.

Tuy nhiên, lộ trình phê duyệt các đề án này thường kéo dài, nên vào tháng 4 vừa rồi Sở Văn hóa và thể thao lại có công văn gửi UBND TP.HCM đề nghị "trong thời gian chờ đề án được phê duyệt, các đơn vị sự nghiệp thuộc sở được tận dụng một phần diện tích chưa sử dụng hết công suất tại các thiết chế văn hóa, TDTT đang được giao quản lý để tự tổ chức (nếu có điều kiện) hoặc cho thuê các dịch vụ bổ trợ...".

Tuy nhiên, đề nghị có tính giải pháp tình thế này đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.

Dự án bảo tàng nghìn tỉ: Không có tiền, nhân viên ngồi chơi Dự án bảo tàng nghìn tỉ: Không có tiền, nhân viên ngồi chơi

TTO - Ông Nguyễn Quang Nam, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng Bảo tàng lịch sử quốc gia, không ngần ngại nói như vậy khi đề cập tới tiến độ xây dựng bảo tàng này hiện nay.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên