28/04/2022 11:11 GMT+7

Bảo tàng, di tích nhộn nhịp đón khách nhí những ngày tháng 4

KIM ANH
KIM ANH

TTO - Những ngày tháng 4 lịch sử, nhiều bạn học sinh tại TP.HCM được gia đình hoặc các CLB tổ chức đưa đi tham quan, học những bài học rất cụ thể từ các bảo tàng, di tích lịch sử.

Bảo tàng, di tích nhộn nhịp đón khách nhí những ngày tháng 4 - Ảnh 1.

Các bạn nhỏ tham quan Hội trường Thống Nhất do CLB MC nhí tổ chức dịp tháng 4 lịch sử - Ảnh: C.K.

Đi chơi nhưng các em lại học được rất nhiều điều về lịch sử. Ngoài ra, một số trường cũng tổ chức những chương trình ngay tại trường nhằm giúp học sinh hiểu hơn về lịch sử, về ngày 30-4 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Say mê khám phá

"Tôi cho con tham gia chương trình tham quan Hội trường Thống Nhất với CLB MC nhí, khi về cháu kể rất nhiều về chủ đề ngày 30-4 lịch sử. Nhìn ánh mắt tôi hiểu con tôi đã rất tự hào về truyền thống của dân tộc, hiểu phần nào sự hy sinh mất mát của cha ông để có được sự hòa bình, độc lập như hôm nay" - chị Nguyễn Thúy Hằng, mẹ của bạn Tuấn Kiệt, học sinh lớp 5, cười bày tỏ.

Chương trình dã ngoại cuối tuần do CLB MC nhí tại TP.HCM vừa thiết kế đưa gần 100 bạn nhỏ đến với khu công viên 30-4 và Hội trường Thống Nhất để các bạn khám phá, tìm hiểu về chiến thắng ngày 30-4 lịch sử. 

Cô Hoàng Thủy Nguyên, tác giả nhiều đầu sách cho thiếu nhi cũng là quản lý CLB MC nhí, chia sẻ: "Chúng tôi từng tổ chức nhiều chuyến vừa dã ngoại vừa kết hợp cho các con tham quan bảo tàng hoặc di tích lịch sử, với mong muốn giúp các con có thêm những bài học từ chương trình. Qua đó, các con vừa khám phá và dần sẽ say mê, yêu thích môn lịch sử cũng như tự hào về truyền thống dân tộc".

Những câu chuyện kể về chiếc xe tăng, người lái chiếc xe húc đổ cổng dinh Độc Lập vào thời khắc quan trọng của lịch sử 30-4 hay câu chuyện về người cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập năm xưa... được cô Nguyên kể ngay tại chiếc xe tăng - nơi các con đứng xem hiện vật trưng bày tại khuôn viên của Hội trường Thống Nhất. 

"Con rất thích đi đến bảo tàng hay vào Hội trường Thống Nhất, con nghe cô hướng dẫn và nhớ hơn về sự kiện ngày 30-4. Khi về nhà con vẫn tiếp tục tìm kiếm thêm những bộ phim tư liệu trên mạng để xem về ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước" - Tuấn Kiệt cho hay.

Trước đó, CLB MC nhí đã đưa các bạn nhỏ đến tham quan và trải nghiệm tại đền thờ Vua Hùng ở TP Thủ Đức vào dịp giỗ Tổ mùng 10-3 âm lịch. Hay các con được vào Bảo tàng TP.HCM, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM... 

Ban đầu chỉ là những chuyến đi để các con khám phá nhưng dần dần nhiều bạn nhỏ say mê tìm hiểu kiến thức lịch sử hơn. 

"Tôi cho con tham gia những chuyến đi mong con khám phá và trải nghiệm những kỹ năng tốt cho bản thân. Các con cũng sẽ học được nhiều điều từ những câu chuyện, tư liệu trưng bày tại bảo tàng, khu di tích lịch sử..." - chị Thảo Nguyên, phụ huynh của hai bé tham gia chương trình CLB MC nhí, nói.

Bảo tàng, di tích nhộn nhịp đón khách nhí những ngày tháng 4 - Ảnh 2.

Các bạn nhỏ nghe kể về lịch sử dinh Độc Lập nay là Hội trường Thống Nhất - Ảnh: C.K.

Đưa bảo tàng vào trường học

Cách đây tám năm, mô hình triển lãm đưa bảo tàng vào sân trường được Liên đội tiểu học Đặng Văn Ngữ (quận Phú Nhuận) thực hiện và nhân rộng ra một số liên đội khác tại TP.HCM. 

Anh Nguyễn Tất Bình, tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Đặng Văn Ngữ, cho hay: "Khi phối hợp với các bảo tàng để tổ chức triển lãm theo chủ đề tại sân trường cho học sinh tham quan tìm hiểu, tôi mong muốn thay đổi hoạt động tìm hiểu lịch sử sinh động hơn. Từ đó giúp các em biết lịch sử bằng hình thức mới và kiến thức này các em sẽ khắc sâu hơn do tự các em đọc, xem và ghi nhớ".

Mỗi tháng một chủ đề gắn với những mốc lịch sử, như tháng 3 sẽ là triển lãm chủ đề về Hai Bà Trưng, tháng 4 là những hình ảnh, tư liệu ngày 30-4 hay tháng 5 là dịp mừng sinh nhật Bác Hồ... 

Những ngày học sinh phải học trực tuyến để phòng chống dịch bệnh, liên đội trường lại chuyển hướng triển lãm, giới thiệu các hình ảnh, tư liệu về truyền thống, lịch sử... dưới hình thức trực tuyến. Hình thức này cũng khá sinh động khi vừa có hình ảnh, tư liệu, phim ảnh, âm nhạc... Các em có thể vào xem triển lãm bất kỳ giờ nào ngoài giờ học.

Em Đỗ Nhật My, liên đội trưởng Trường tiểu học Đặng Văn Ngữ, chia sẻ: "Khi xem triển lãm tại sân trường, chúng em có nhiều thời gian tìm hiểu kỹ các nội dung. Khi có điều gì chưa hiểu em được thầy cô giải thích ngay. Khi chúng em học trực tuyến, vẫn được xem triển lãm online sau giờ học, vừa là cách học sử mà không căng thẳng".

Còn Liên đội Trường THCS Vân Đồn, quận 4 ngoài đưa các đội viên, học sinh đến bảo tàng để tham quan, tìm hiểu lịch sử còn tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, niềm tự hào dân tộc ngay tại trường.

Mới đây, dịp giỗ Tổ Vua Hùng, liên đội đã cùng nhà trường tổ chức "Tuần lễ quốc giỗ" để các học sinh tham gia nhiều nội dung từ trưng bày mâm ngũ quả dâng lễ vật đến hóa trang tái hiện những trang phục thời kỳ Vua Hùng, thi ẩm thực dân gian... 

Mỗi hoạt động đều nhắc nhở học sinh hiểu về nguồn cội, tự hào là con cháu Vua Hùng và hiểu hơn trách nhiệm học tập để dựng xây đất nước sau này.

Tờ lịch khó quên

Đưa con đến bảo tàng ngày cuối tuần cũng là cách một số gia đình trẻ muốn con vừa được tham quan vừa tìm hiểu kiến thức lịch sử. Tại Bảo tàng TP.HCM, gia đình chị Thủy Tiên (quận 11) cùng hai con học lớp 6, lớp 4 đứng trước khung kính xem tờ lịch màu xanh có ghi rõ ngày 30-4 năm 1975.

"Tờ lịch được giữ gìn nhìn vẫn rất đẹp. Khi thấy tờ lịch này em càng thêm tự hào về chiến thắng lịch sử ngày 30-4 thống nhất đất nước. Em rất yêu thành phố này, nơi em sinh ra và lớn lên" - cô bé Hồng Ngọc, lớp 6, nói.

Hành trình đến bảo tàng cho em thêm yêu lịch sử Hành trình đến bảo tàng cho em thêm yêu lịch sử

TTO - Những ngày gần với ngày lễ trọng đại 30-4, nhiều liên đội tại TP.HCM tổ chức đưa các bạn đội viên, học sinh đến bảo tàng để tham quan, tìm hiểu kiến thức lịch sử.

KIM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên