26/10/2012 17:47 GMT+7

Bão Sơn Tinh di chuyển nhanh nhất 10 năm qua

L.N.
L.N.

TTO - Chiều 26-10, ông Bùi Minh Tăng - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương - cho biết trưa 26-10 bão Sơn Tinh cách Hoàng Sa khoảng 300 km về phía Đông Nam và đã mạnh thêm.

Bão Sơn Tinh giật cấp 11, thẳng tiến Hoàng SaKêu gọi các tàu cá trong vùng nguy hiểm vào bờ

ZPlk4wg4.jpgPhóng to

Đường đi và vị trí cơn bão số 8 - Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương chiều 26-10, ông Tăng cho biết sức gió đạt cuối cấp 9, đầu cấp 10, gió giật cấp 11- 12. Dự báo bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 25-30km/h.

Đến tối 27-10, bão sẽ áp sát bờ biển Nghệ An đến Quảng Trị với sức gió mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11 -12. Từ vùng biển Hoàng Sa vào nam Vịnh Bắc bộ sẽ có gió mạnh cấp 10- 11. Khi bão vào sát bờ sẽ giảm xuống 1 cấp.

Ông Tăng cho biết đến lúc này việc xác định vị trí bão đổ bộ chính xác vẫn khó. Nếu bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc thì khả năng bão sẽ đổ bộ vào Bắc Quảng Bình, Nam Hà Tĩnh vào chiều tối 27-10, sau đó do ảnh hưởng rảnh thấp bão suy yếu và di chuyển lên phía Tây Nghệ An, Thanh Hóa.

Đây là phương án có nhiều khả năng xảy ra nhất. Phương án 2 là bão đổ bộ vào Nghệ An từ sáng 28-10.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trưởng Ban chỉ đạo, ông Cao Đức Phát cho hay bão Sơn Tinh là cơn bão di chuyển nhanh nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Cơn bão có cường độ ngày càng mạnh khi vào gần bờ và sẽ là cơn bão mạnh nhất kể từ đầu năm.

Ông Phát cũng lo ngại khi bão không đổ bộ vào hướng vuông góc với đất liền mà quét ven bờ biển miền Trung từ Quảng Trị trở lên nên diện ảnh hưởng của bão đối với ven bờ và đất liền là rất lớn.

Trong khi đó, nhiều địa phương đang tích cực phòng chống bão Sơn Tinh, kêu gọi hàng ngàn tàu thuyền đánh bắt thủy sản tìm hướng ra khỏi vùng bão và khẩn trương vào bờ trú ẩn.

8eDZCCUz.jpgPhóng to
Ngư dân xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới (Quảng Bình) đưa tàu vào tránh bão trên sông Nhật Lệ chiều 26-10 - Ảnh: L.Giang

Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) cho biết sẽ hủy 24 chuyến bay đến/đi từ bốn sân bay miền Trung gồm Đà Nẵng, Huế, Đồng Hới và Vinh trong các ngày 27 và 28-10 do ảnh hưởng của cơn bão số 8 (Sơn Tinh).

Theo đó, ngày 27-10 hãng sẽ hủy 14 chuyến bay đến/ đi từ Đà Nẵng, Huế, Đồng Hới có thời gian khởi hành từ 5g50-12g25. Ngày 28-10, hủy mười chuyến bay đến/ đi từ Vinh và Đồng Hới, có thời gian khởi hành từ 7g15-12g10.

Theo VNA, việc hủy chuyến bay này làm hơn 2.400 hành khách bị ảnh hưởng sẽ được VNA bố trí đi trên các chuyến bay bù và chuyến bay thường lệ trong thời gian sớm nhất. VNA khuyến nghị hành khách chủ động theo dõi thông tin trên website www.vietnamairlines.com hoặc liên hệ các phòng vé của hãng để biết thêm chi tiết. Điện thoại liên hệ: Hà Nội: (04)38320320, TP.HCM: (08)38320320, Đà Nẵng: (0511)3832320.

* Nghệ An: Hướng về các vùng trọng điểm

Chiều 26-10, trong cuộc họp khẩn của UBND tỉnh với Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn và lãnh đạo các ban ngành cấp tỉnh, đại tá Đinh Ngọc Văn - chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Nghệ An - cho biết: "Đến thời điểm này đã liên lạc được với hơn 1.000 tàu thuyền đang hoạt động trên biển và kêu gọi số tàu thuyền này tìm hướng ra khỏi vùng bão và khẩn trương vào bờ trú ẩn".

Hiện tại Nghệ An chưa có gió, mưa nhưng sau cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Đức Phớc chỉ đạo lãnh đạo các sở, ban ngành về ngay các địa phương trọng điểm thuộc vùng cửa biển và vùng rừng để rà soát lần cuối các phương án sơ tán dân, chằng chống nhà cửa gần cửa sông, cửa biển; taluy âm, taluy dương dọc các dãy rừng và lực lượng bảo vệ tài sản cho người dân sơ tán. Một số cống thủy lợi đang làm dở dọc tuyến đê Tả Lam bao quanh phía nam TP Vinh cũng đã được lực lượng hộ đê của tỉnh trực chiến 24/24 giờ.

* Hà Tĩnh: Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi

Chiều 26-10, tỉnh Hà Tĩnh đã có công điện chỉ đạo nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi và tiếp tục kêu gọi tàu thuyền về trú bão, neo đậu đảm bảo an toàn nhằm đối phó với bão số 8.

Ông Bùi Lê Bắc, chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống bão lụt Hà Tĩnh, cho biết tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương phải kiểm tra, rà soát và thống kê chính xác các hộ dân cư đang sống ở các vùng xung yếu ven biển, ven cửa sông để chủ động phương án sơ tán dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm.

Tính đến chiều 26-10, Hà Tĩnh đã kêu gọi được 3.820 tàu thuyền về neo đậu ở các cửa sông, âu tránh bão an toàn, chỉ còn 2 tàu thuyền đang trên đường về cảng Thạch Kim tránh bão.

* Thanh Hóa: Còn 25 tàu hoạt động ngoài khơi

Chiều 26-10, nguồn tin từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa cho biết đến cuối giờ chiều cùng ngày, tỉnh này còn 25 tàu (gồm 245 lao động) đang đánh bắt hải sản ngoài khơi, chưa thể liên lạc được với đất liền để vào bờ tránh cơn bão số 8. Số tàu này chủ yếu hoạt động tại khu vực vịnh Bắc bộ.

Ngay trong ngày 26-10, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Thanh Hóa phối hợp với chính quyền sáu huyện, thị xã ven biển của tỉnh (gồm Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia, thị xã Sầm Sơn) tăng cường kiểm tra, kiểm soát các tàu thuyền tại các cửa biển, âu thuyền tránh trú bão; kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi. Bên cạnh đó, bộ đội biên phòng của tỉnh cũng đang phối hợp với các đài thông tin duyên hải trong khu vực liên lạc, kêu gọi 25 tàu và 245 lao động đang hoạt động ngoài khơi nhanh chóng vào bờ tránh trú bão số 8.

* Thừa Thiên - Huế: di dời 11.500 hộ dân vùng ven biển

Chiều 26-10, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp triển khai các phương án ứng phó với bão số 8, quyết định di dời 11.501 hộ dân, với trên 40.594 khẩu ở vùng cửa sông, ven biển sạt lở đến nơi an toàn.

RMXdynTU.jpgPhóng to
Ngư dân neo tàu ở âu thuyền Phú Hải, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế - Ảnh: A Lăng Ngước

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao yêu cầu các địa phương chủ động sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó, tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi, cấm người dân ở bãi ngang đánh bắt cá ven bờ, chú trọng cứu hộ cứu nạn vùng cửa sông, sạt lở bờ biển.

Tại buổi họp, ông Cao cho phép các địa phương linh động di dời dân tùy vào tình hình thực tế của từng địa phương để bảo vệ tính mạng và tài sản cho người dân, đồng thời yêu cầu công tác di dời kết thúc trước 14g ngày 27-10.

Các địa phương cũng hướng dẫn người dân dự trữ lương thực tại chỗ trong bảy ngày. Sở Công thương đã dự trữ 100 tấn gạo và 100 tấn mì ăn liền. Riêng hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới mỗi huyện dự trữ 30 tấn gạo, 10 tấn muối và một số hàng nhu yếu phẩm khác như mì ăn liền, xăng dầu, nước uống… để ứng phó với tình huống bị chia cắt, cô lập.

Học sinh toàn tỉnh sẽ nghỉ học trong hai ngày 27 và 28-10.

Theo ông Lê Trường Lưu - phó chủ tịch UBND tỉnh, trưởng Ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong trường hợp tình huống xấu nhất, bão lũ kép, tỉnh sẽ di dời khoảng 23.153 hộ với 88.856 khẩu ở vùng thấp trũng, vùng nguy cơ bị lũ quét, trượt lở đất đến nơi an toàn.

* Quảng Bình: còn 493 tàu cá chưa vào bờ

Đến chiều 26-10, Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình đã gọi được 3.488 tàu/13.766 ngư dân vào trú ẩn an toàn ở các khu neo đậu. Hiện Quảng Bình còn 493 tàu với 3.376 ngư dân đang hoạt động trên biển, đã nắm được thông tin bão số 8 đang trên đường chạy vào bờ tránh trú.

Bộ đội biên phòng đã huy động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ và phương tiện cứu hộ cứu nạn, túc trực 24/24 giờ tại các cửa sông, vùng sạt lở, xung yếu để kịp thời ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Được biết, Quảng Bình có 68 xã bị sạt lở bờ sông, nằm trong vùng sạt lở có hơn 2.000 hộ dân với gần 10.000 nhân khẩu sống trong vùng nguy hiểm, tập trung ở các xã ven biển sông Gianh, sông Son, sông Lý Hòa. Chiều 26-10, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các địa phương chủ động lên phương án di dời dân ở vùng ven biển, cửa sông, vùng sạt lở lên trú ẩn an toàn.

* Phú Yên: Hơn 1.440 ngư dân trên biển

Trực ban tác chiến Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Phú Yên cho biết đến 16g ngày 26-10, còn 163 tàu cá của ngư dân trong tỉnh với 1.444 lao động đang hành nghề câu cá ngừ đại dương trên biển, tập trung ở phía nam quần đảo Trường Sa từ 12 độ vĩ Bắc - 117 độ kinh Đông.

Thuyền trưởng và các thuyền viên của các phương tiện trên thường xuyên giữ liên lạc với gia đình và các đồn, trạm bộ đội biên phòng. Qua hệ thống ICOM, các đồn biên phòng đã kịp thời thông báo với các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến, hướng đi của cơn bão số 8 để tìm nơi tránh trú.

Để chủ động ứng phó với bão số 8, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc duy trì nghiêm các chế độ trực chỉ huy, trực thông tin, trực nội vụ…, đồng thời huy động 160 cán bộ chiến sĩ cùng phương tiện, gồm 5 ôtô các loại, 5 tàu cứu hộ, 10 canô sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.

Riêng tại các đồn biên phòng luôn bảo đảm một tiểu đội cùng phương tiện tại chỗ, sẵn sàng giúp dân phòng chống, khắc phục hậu quả bão lũ.

* Quảng Bình: Còn 474 tàu cá đang vào bờ

Đến 18g30 ngày 26-10, đội tàu đi khơi của ngư dân Quảng Bình vẫn còn 474 chiếc với hơn 3.300 người đang chạy vào bờ. Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Bình cho biết các đồn biên phòng ven biển tiếp tục kêu gọi bà con nhanh chóng đưa tàu thuyền vào bờ. Đối với các tàu đánh bắt trên vùng biển phía Bắc đã được hướng dẫn vào tránh bão tại chỗ thuộc vùng đảo Bạch Long Vĩ. Hiện 3.488 tàu với 13.766 ngư dân Quảng Bình đã vào bờ an toàn.

Cùng với kêu gọi tàu thuyền vào tránh bão, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Bình đã sẵn sàng lực lượng, phương tiện đối phó với bão số 8 tại các vùng xung yếu như cửa sông, vùng sạt lở ven biển...

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã yêu cầu các huyện, thành phố và các ngành trong tỉnh kiểm tra các công trình thủy lợi, công trình đang thi công và chuẩn bị các biện pháp cứu hộ công nhân, người dân ở các vùng ngập lũ.

L.N.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên