18/07/2017 11:50 GMT+7

Bão số 2: 'Thiệt hại nhẹ không phải chúng ta giỏi'

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TTO - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường nói như vậy trong phiên họp đánh giá công tác ứng phó với bão số 2 sáng 18-7.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá công tác ứng phó với bão số 2 - Ảnh: XUÂN LONG

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cơn bão số 2 có rất nhiều biểu hiện bất thường, điều đó thể hiện dưới tác động của biến đổi khí hậu, công tác ứng phó và phòng chống thiên tai phải tính đến cả những chuyện rất khó lường.

Bài học kinh nghiệm cho những cơn bão sau

“Đây là cơn bão đầu tiên đổ bộ vào đất liền nước ta và là cơn bão bất thường, đổ bộ thẳng vào miền Trung. Bất thường nữa là bão hình thành ngay trên Biển Đông và chuyển trạng thái rất nhanh, tốc độ cập bờ cũng rất nhanh.

Nếu phương châm 4 tại chỗ chuẩn bị không tốt, hậu quả sẽ khôn lường. Vì vậy, cần nhận thức đúng với những cơn bão trái quy luật, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để ứng phó với những cơn bão sau” - ông Cường lưu ý.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng khẳng định dù bão số 2 diễn biến bất thường, nhưng công tác dự báo, chỉ đạo, thông tin từ trung ương đến địa phương rất kịp thời và sát với thực tiễn.

“Qua kiểm chứng, việc dự báo về hướng đi, dự báo tốc độ của bão khá sát với thực tiễn. Công tác ứng phó cũng chỉ trong thời gian ngắn, chưa đầy 3 ngày nhưng đã giải quyết được khối lượng công việc đồ sộ, đưa hơn  66.000 tàu thuyền vào bờ, đưa hơn 264.000 ngư dân lên bờ, sơ tán hơn 9.000 dân ở ven biển.

Đây là những việc cần được tổng kết, phát huy trong chỉ đạo ứng phó” - ông Cường nhấn mạnh.

Bài học về quản lý tàu vãng lai

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng chỉ rõ những hạn chế trong ứng phó dẫn tới những thiệt hại nặng nề về người.

“Vụ chìm tàu chở than làm 13 thuyền viên mất tích, sau đó cứu sống được 7 người và mới tìm được 2 thi thể, còn 4 người nữa vẫn mất tích là một bài học về quản lý tàu vãng lai, vì vậy việc quản lý tàu vãng lai trong tránh trú bão phải được đặt ra ngay sau đây.

Dù tàu lớn, tài sản lớn nhưng để đảm bảo an toàn tuyệt đối vẫn phải áp dụng biện pháp hành chính đưa người vào bờ. Việc này tới đây cũng phải báo cáo Chính phủ để có những biện pháp hành chính thích hợp” - ông Cường nói.

May chứ không phải giỏi

Về việc cứu được gần 39.000ha lúa khỏi tình trạng ngập úng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng phải nhìn nhận việc này có yếu tố may mắn để không chủ quan.

“Thông tin mới nhất tôi được báo là gần 39.000ha lúa bị do mưa bão đã được cứu. Kinh nghiệm từ ứng phó trong mùa mưa bão năm 2016 đã được phát huy, đó là tiêu nước trước ở các khu vực. Giờ chỉ còn thiệt hại từ 10.000ha hoa màu bị đổ gãy” - ông Cường nói.

Tuy nhiên, theo ông Cường “rất may hiện tại miền Trung lúa đã cao và ở miền Bắc hoàn lưu sau bão gây mưa cũng mức độ".

"May nữa là triều cường đang ở mức thấp nên nước được xả ra ngoài toàn bộ. Nếu năm nay triều cường cao, diện tích lúa bị mất tương đối nhiều. Vì thế, do có nhiều yếu tố thuận lợi nên thiệt hại nhẹ, thiệt hại nhẹ đó phải nhìn nhận không phải chúng ta giỏi” - ông Cường nói.

Khẩn trương ứng phó với mưa lũ, trượt lở đất

“Hãy nhớ bây giờ mới là tâm điểm mùa mưa bão. Còn ở khu vực vùng núi phía Bắc khả năng tích thủy vùng lưu vực đã đạt tối đa, không còn khả năng hấp thụ tại chỗ. Vì vậy bây giờ mưa bao nhiêu là vào hồ bấy nhiêu. Việc vận hành quy trình liên hồ chứa là cực kỳ quan trọng.

Và vì tính chất quan trọng, phải áp dụng ngay biện pháp xả cho phát điện tối đa và cho xả đáy. Ngành điện phải xả tối đa cho cấp phát điện và phải có phương án xả đáy” - ông Cường nói.

 

 

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên