18/11/2017 10:04 GMT+7

Bão số 14 cách bờ biển Khánh Hòa, Bình Thuận 620 km

ĐỨC TRONG - PHAN SÔNG NGÂN - TRUNG TÂM DỰ BÁO KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN TRUNG ƯƠNG
ĐỨC TRONG - PHAN SÔNG NGÂN - TRUNG TÂM DỰ BÁO KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN TRUNG ƯƠNG

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, lúc 7h ngày 18-11, vị trí tâm bão ngay trên phía Bắc quần đảo Trường Sa, cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa-Ninh Thuận-Bình Thuận khoảng 620km về phía Đông Đông Nam.

Bão số 14 cách bờ biển Khánh Hòa, Bình Thuận 620 km - Ảnh 1.

Vị trí và đường đi của bão số 14 - Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km và tiếp tục mạnh thêm. 

Đến 7h ngày 19-11, vị trí tâm bão ngay trên vùng biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Ninh Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 12.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ, sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. 

Đến 7h ngày 20-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới trên khu vực miền Nam Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp .

Khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 12. Biển động rất mạnh. 

Từ sáng sớm 19-11, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định đến Bà Rịa-Vũng Tàu (bao gồm đảo Phú Quý) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 12. Sóng biển cao 2-4m, vùng gần tâm bão cao từ 5-6m. Biển động rất mạnh. 

Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới trên khu vực Biển Đông (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 9,0 đến 13,0 độ Vĩ Bắc.

Từ sáng sớm 19-11, ở các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Từ đêm 19-11, do ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh mạnh tăng cường nên vùng mưa lớn có xu hướng mở rộng về phía Bắc (đến Hà Tĩnh).

Bình Thuận cấm tàu thuyền ra biển

Bão số 14 cách bờ biển Khánh Hòa, Bình Thuận 620 km - Ảnh 2.

Tàu thuyền neo đậu tránh bão số 13 vừa qua trên sông Cà Ty, TP Phan Thiết, Bình Thuận - Ảnh: ĐỨC TRONG

Tại cuộc họp khẩn bàn về công tác chủ động ứng phó với diễn biến cơn bão số 14 diễn ra sáng 18-11, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành lệnh cấm tàu thuyền ra biển kể từ 9h30 cùng ngày.

Theo báo cáo của UBND Bình Thuận, đến sáng 18-11, địa phương này có khoảng 2.322 tàu thuyền với khoảng 14.000 lao động đang hoạt động đánh bắt trên biển. Trong đó, tàu thuyền đánh bắt xa bờ khoảng 343 chiếc với khoảng 4.216 lao động.

Hiện các đơn vị đang kêu gọi tàu thuyền vào bờ neo đậu tránh trú bão và hướng dẫn liên lạc thường xuyên với các đồn biên phòng, đài thông tin duyên hải khu vực.

Cũng theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, hiện nay các hồ chứa ở địa phương đều đạt mức nước dâng bình thường, trong đó có 11 hồ thủy lợi đang xả lũ hạ thấp mực nước để đảm bảo an toàn cho công trình.

UBND tỉnh Bình Thuận cũng thông báo đến các chủ bè nuôi trồng thủy sản nắm tình hình thời tiết, diễn biến cơn bão số 14 để chủ động chằng buộc, dời vào vị trí an toàn, sẵn sàng ứng phó khi có lệnh của cơ quan quản lý.

Các đơn vị trong tỉnh phải tổ chức trực ban 24/24, theo dõi diễn biến cơn bão để tham mưu chỉ đạo, xử lý kịp thời các tình huống, sự cố xảy ra. 

Các địa phương trong tỉnh thông báo đến người dân chủ động phòng tránh, thu hoạch kịp thời vụ mùa đã đến thời gian thu hoạch, tránh thiệt hại nặng.

Đồng thời, UBND Bình Thuận yêu cầu các đơn vị nhanh chóng rà soát phương án, kế hoạch sơ tán dân khi có mưa, lũ lớn kết hợp phải xả lũ công trình hồ chứa thủy lợi ngập lụt trên diện rộng.

Khánh Hòa: Học sinh lại nghỉ học, sơ tán dân tránh bão số 14

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa lại vừa có công điện chỉ đạo "khẩn cấp" ứng phó với bão số 14 đang sắp đổ bộ vào tỉnh này, dự kiến vào sáng sớm 19-11 với sức gió vùng gần tâm bão giật đến cấp 12 và độ rủi ro thiên tai đến cấp 3  

Kể từ đầu giờ chiều 18-11, toàn bộ học sinh các cấp ở Khánh Hòa đã phải tiếp tục nghỉ học đến hết ngày 20-11 để phòng tránh bão số 14. 

Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu UBND các huyện, thị xã, TP phải phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo các địa phương thực hiện, trước 19h tối 18-11 phải hoàn thành việc sơ tán dân ra khỏi các vùng nguy hiểm, vùng ven biển, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ ảnh hưởng gió mạnh đến nơi an toàn; không được để người ở lại nhà tạm, nhà yếu có thể tốc mái, sập đổ khi bão to, gió lớn.

Ngay trong chiều 18-11, UBND các xã, phường, thị trấn phải khẩn trương hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, khắc phục thiệt hại về nhà ở do cơn bão số 12 gây ra vừa qua để kịp thời ứng phó với mưa, lũ do cơn bão số 14 sắp đến.

Các địa phương phải bố trí lực lượng chốt chặn, kiên quyết không để người dân qua lại tại các đoạn đường ngập lụt, các cầu tràn, ngầm và các vùng sạt lở nguy hiểm khi có mưa lũ lớn, ngập lụt xảy ra. 

Thông báo cho các hộ nuôi trồng thủy sản biết, sắp xếp để trở vào bờ, kiên quyết không để người dân ở lại các lồng bè khi bão tới.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan phải cương quyết bắt buộc ngư dân, các hộ đang nuôi trồng thủy sản trên các lồng bè trên biển phải trở vào bờ trước 16h chiều 18-11 cho đến khi hết bão.

ĐỨC TRONG - PHAN SÔNG NGÂN - TRUNG TÂM DỰ BÁO KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN TRUNG ƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên