05/01/2019 21:59 GMT+7

Bạo lực tôn giáo ở Ấn Độ: bắt giữ hơn 3.000 người

Ý NGUYÊN
Ý NGUYÊN

TTO - Bạo lực gia tăng tại miền Nam Ấn Độ sau phán quyết về đền thiêng Sabarimala. Đã xảy ra những vụ tấn công bạo lực hơn kiểu đánh bom, ngoài những đụng độ trên đường phố giữa cảnh sát và người biểu tình.

Bạo lực tôn giáo ở Ấn Độ: bắt giữ hơn 3.000 người - Ảnh 1.

Cảnh sát Ấn bắt giữ một thành viên của Liên minh sinh viên Kerala, nhánh sinh viên của đảng Quốc đại đối lập chính tham gia cuộc biểu tình tại Kochi, ngày 3-1 - Ảnh: REUTERS

Khu vực miền Nam Ấn Độ nhuốm màu bạo lực hơn bởi 2 vụ tấn công gồm một vụ phóng hỏa và một vụ đánh bom trong ngày hôm nay (5-1).

Đây được cho là sự nối tiếp các hành động bạo lực sau khi Tòa án Tối cao Ấn Độ bãi bỏ lệnh cấm phụ nữ vào ngôi đền thiêng Sabarimala của đạo Hindu ở bang Kerala.

Theo cảnh sát Ấn Độ, những đối tượng chưa rõ danh tính đã ném một quả bom tự tạo vào nhà một chính khách thuộc đảng cánh hữu Bharatiya Janata (BJP) và đốt cháy trụ sở tổ chức Rashtriya Swayamsevak Sangh (RSS) của những người theo đạo Hindu. Trước đó, cả BJP và RSS đều phản đối phán quyết trên của tòa án. 

Đây là những vụ tấn công mới nhất xảy ra nhiều giờ sau vụ đánh bom ngôi nhà của một chính khách thuộc đảng Cộng sản Ấn Độ, người đã cam kết thực thi phán quyết nói trên của tòa án Ấn Độ.

Bạo lực tôn giáo ở Ấn Độ: bắt giữ hơn 3.000 người - Ảnh 2.

Cảnh sát chống bạo động của Ấn Độ dàn quân ngăn cản bạo lực ngày 3-1 - Ảnh: AP

Bạo lực ngày càng dữ dội hơn từ ngày 2-1, sau khi 2 người phụ nữ đầu tiên đã vào được đền Sabarimala để cầu nguyện vào lúc rạng sáng.

Đền Sabarimala của Ấn Độ đã trở thành tâm điểm gây tranh cãi kéo dài giữa các tín đồ tôn giáo có quan điểm cứng rắn và nhà chức trách Ấn Độ kể từ tháng 9 năm ngoái khi một toà án cấp cao bãi bỏ lệnh cấm phụ nữ từ 10 đến 50 tuổi vào ngôi đền trên. Lệnh này tồn tại từ năm 1991.

Sau khi hai phụ nữ vào được đền và đi ra an toàn trong sự bảo vệ của cảnh sát, hàng ngàn người tại Kerala đã tham gia các cuộc biểu tình, bao gồm cả ủng hộ và phản đối việc cho phụ nữ vào trong đền. 

Các cuộc biểu tình diễn ra liên tục dưới sự kêu gọi của các nhóm tôn giáo Hindu lẫn của Đảng Bharatiya Janata Party (BJP) cầm quyền ở Ấn Độ. Đảng BJP theo chủ nghĩa dân tộc của Thủ tướng Narendra Modi chống lại việc phụ nữ vào đền thiêng.

Theo hãng tin Reuters, đụng độ giữa người biểu tình với lực lượng cảnh sát tới nay đã khiến một người thiệt mạng và hơn 270 người bị thương. Ngoài ra, hơn 3.000 người đã bị bắt hoặc bị giam giữ vì hành động trên.

Bạo lực tôn giáo ở Ấn Độ: bắt giữ hơn 3.000 người - Ảnh 3.

Đụng độ giữa cảnh sát Ấn với các thành viên của Liên minh sinh viên Kerala, nhánh sinh viên của đảng Quốc đại đối lập chính tham gia cuộc biểu tình tại Kochi, ngày 3-1 - Ảnh: REUTERS

Hầu hết các đền thờ Hindu cho phép phụ nữ vào thăm đền trong thời kỳ không có kinh nguyệt chứ không phải cấm triệt để phụ nữ vào đền trong độ tuổi trải rộng như chính sách ở đền thiêng Sabarimala.

Trong một số cộng đồng người Hindu, việc phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt bước chân vào đền bị xem là làm "ô uế" đền thiêng.

Hồi tháng 10-2018, đã có 2 phụ nữ tìm cách đi vào khuôn viên đền Sabarimala với sự bảo vệ của hơn 100 cảnh sát. Tuy nhiên, họ đã buộc phải rút lui sau cuộc đối đầu với những người biểu tình bên ngoài đền.

Sabarimala là một quần thể đền Hindu nằm ở khu bảo tồn hổ Periyar ở bang Kerala, Ấn Độ.

Đây là địa điểm hành hương hằng năm lớn nhất thế giới với ước tính từ 30 đến 50 triệu tín đồ ghé thăm mỗi năm.

Ý NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên