Hội thảo "Kinh nghiệm thành công quốc tế của điện ảnh Iran", trong khuôn khổ HANIFF 2018. Trong ảnh là đạo diễn Rohollah Hejazi (ngoài cùng bên trái), người có phim "The Dark Room" dự thi và nhà làm phim Mohammad Attebbai (thứ hai từ trái sang) có rất nhiều kinh nghiệm đưa phim Iran đi các liên hoan phim quốc tế - Ảnh: NGỌC DIỆP
Đó là câu hỏi nhiều năm nay giới điện ảnh Việt Nam vẫn thắc mắc.
Không chỉ các nhà làm phim, mà trong khu vực các trường đại học, nơi có nhiều điều kiện để nghiên cứu hơn, cũng có nhiều người tin rằng với bối cảnh chính trị, lịch sử phức tạp, điện ảnh Iran phát triển với đầy rẫy khó khăn. Ở đây nhà làm phim bị kiềm tỏa, bị hạn chế rất gắt gao, kinh phí làm phim thì thấp.
Trong rất nhiều cuộc hội thảo ở Việt Nam, điện ảnh Iran được lấy ra làm ví dụ điển hình cho việc vượt qua nghịch cảnh. Thậm chí có nhiều đạo diễn nổi tiếng ở Việt Nam khi gặp khó khăn đã nghĩ tới điện ảnh Iran để tự động viên chính mình.
Có vẻ như giới làm điện ảnh Việt Nam ngoài việc ngưỡng mộ điện ảnh Iran đã hình thành một nhận thức chung và lâu dần trở thành một "định kiến" về Iran.
Taxi - phim của đạo diễn Jafar Panahi giải Gấu Vàng Liên hoan phim quốc tế Berlin 2015
Trong cuộc hội thảo Kinh nghiệm thành công quốc tế của điện ảnh Iran, tại HANIFF 2018, nhà làm phim Mohammad Attebbai đã đính chính thông tin trong cuốn catalogue giới thiệu phim dự thi do ban tổ chức HANIFF cung cấp.
Cuốn catalogue đã giới thiệu: "Iran là một quốc gia nhỏ ở Trung Đông, không chỉ nổi tiếng là một phần không gian của bộ truyện cổ tích Ngàn lẻ một đêm..."
"Tôi xin đính chính chúng tôi là một đất nước có diện tích lớn, chúng tôi có truyện cổ Ba Tư. Thỉnh thoảng vẫn có người nhầm lẫn Iran là Iraq và là một phần của thế giới Ả Rập. Tuyệt đối không phải như thế", ông Mohammad Attebbai nói.
Iran có nền tảng kinh tế vững vàng, với GDP đứng thứ hai ở Trung Đông. Điện ảnh của Iran rất được quan tâm để phát triển, chứ không khó khăn như giới điện ảnh Việt vẫn nghĩ.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho biết khi còn là sinh viên Đại học Sân khấu - Điện ảnh chị luôn ngưỡng vọng điện ảnh Iran - Ảnh: NGỌC DIỆP
PGS.TS Đỗ Thu Hà, trưởng khoa Ấn Độ, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, người từng có nhiều năm nghiên cứu về đất nước Iran cho biết:
"Châu Á có ba nền điện ảnh hàng đầu thì Ấn Độ xếp đầu tiên, Iran đứng thứ hai, sau đó mới đến Trung Quốc. Điện ảnh Nhật Bản và Hàn Quốc mà chúng ta vẫn ca ngợi còn xếp phía sau. Ở Việt Nam mọi người vẫn nghĩ điện ảnh Iran rất khó khăn. Nhưng thực tế, điện ảnh Iran rất phát triển, cả về phim thương mại lẫn phim nghệ thuật.
Với nền tảng văn hóa, khoa học, triết học sâu sắc, Iran không chỉ là một nền điện ảnh độc đáo mà còn rất tiến bộ. Nhiều người vẫn hiểu nhầm về quốc gia này, đơn cử tưởng phụ nữ ở quốc gia này bị trói buộc ghê gớm lắm. Hãy sang Iran mà xem, phụ nữ của họ rất mạnh mẽ, quyết liệt. Xem phim Iran sẽ thấy người phụ nữ có vai trò rất bình đẳng với chồng trong gia đình".
Hiện nay, một năm Iran sản xuất khoảng 150 phim/một năm (gấp gần bốn lần sản lượng của Việt Nam). Nhà nước Iran đầu tư cho cả phim thương mại và phim nghệ thuật, ngoài ra phim độc lập của Iran phát triển rất mạnh. Vào năm 1984, nhà nước Iran thành lập một Quỹ điện ảnh nhằm hỗ trợ sản xuất và phát hành phim, đặc biệt là đưa phim Iran đi tới các liên hoan phim quốc tế.
Iran đem bộ phim "The dark room" dự thi HANIFF 2018. Với đề tài ấu dâu không dễ làm, các nhà làm phim Iran đã thể hiện họ là những chuyên gia tâm lý xuất sắc khi có thể đi sâu phân tích từng ngóc ngách nội tâm của con người.
Nhà làm phim Mohammad Attebbai cho hay năm 1984, Iran đã gửi 300 bức thư tới các liên hoan phim quốc tế giới thiệu phim của Iran nhưng chỉ nhận được hồi âm từ hai liên hoan phim. Sau năm năm dốc toàn lực đưa phim ra nước ngoài, các liên hoan phim quốc tế đã mở cửa chào đón phim Iran.
Tính tới năm 2018, tổng số lần điện ảnh Iran tham gia các liên hoan phim quốc tế là 40.000 và mang về 4.000 giải thưởng quốc tế. Một con số ngoài sức tưởng tượng! Nhìn những con số này, có thể thấy tầm vóc của điện ảnh Iran.
Dù vấn đề kiểm duyệt khắt khe được chính các nhà làm phim Iran tham gia hội thảo xác nhận, nhưng khó có thể phủ nhận Iran vẫn có những chính sách hỗ trợ điện ảnh phát triển một cách thực chất.
Không có một nền điện ảnh bị kiềm chế nào có thể đạt 382 giải thưởng quốc tế năm 2015 và 516 giải thưởng quốc tế năm 2016 như Iran (con số do Cục Điện ảnh Việt Nam cung cấp).
Nhà làm phim Mohammad Attebbai cho biết điện ảnh là phương tiện giúp các quốc gia hiểu biết lẫn nhau, đồng thời cũng là thứ có khả năng tạo ra nhiều hiểu lầm nhất.- Ảnh: NGỌC DIỆP
"Thông qua các bộ phim chiến tranh của Việt Nam, hay các bộ phim người Mỹ làm về Việt Nam người ta có thể hiểu Việt Nam chỉ có chiến tranh, rừng rú. Hay phim người Mỹ làm về Iran khiến người ta nghĩ đất nước chúng tôi chỉ toàn lạc đà và sa mạc thôi.
Chúng tôi là một đất nước rộng lớn, có bốn mùa, người dân rất yêu mến văn hóa, nghệ thuật. Có thể nói ở Iran, ai cũng là nhà thơ, triết gia. Chúng tôi còn có nhiều người Iran sống ở nước ngoài là những nhà khoa học có nhiều đóng góp cho thế giới. Sự hiểu biết của chúng tôi về chính trị trên thế giới và các quốc gia khác rất toàn diện.
Cá nhân tôi và những nhà làm phim muốn người ta hiểu về Iran thực sự chứ không phải những hình ảnh rập khuôn, sáo mòn như các bộ phim họ đã làm về chúng tôi".
Nhà làm phim này đưa ra lời khuyên cho các nhà làm phim Việt Nam: Chỉ điện ảnh mới thay đổi được cách nhìn sáo mòn người ta áp đặt cho đất nước mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận