10/08/2019 09:02 GMT+7

Bao giờ hết cảnh nước tuôn như thác làm trôi xe, té người khi mưa lớn?

MINH HÒA - CHÂU TUẤN
MINH HÒA - CHÂU TUẤN

TTO - Mỗi trận mưa lớn, các tuyến đường dốc trên địa bàn quận Thủ Đức (TP.HCM) như Kha Vạn Cân, Võ Văn Ngân, Tô Ngọc Vân... nước tuôn như thác làm trôi xe, té người. Giải pháp nào để hạn chế tình trạng này?

Bao giờ hết cảnh nước tuôn như thác làm trôi xe, té người khi mưa lớn? - Ảnh 1.

Một trường hợp xe máy bị nước chảy xiết cuốn trôi khi mưa lớn trên đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức vào chiều 17-7 - Ảnh: MINH HÒA

Nhiều người dân sinh sống tại đây cho biết thực sự bất an khi phải lưu thông trên các tuyến đường này vào lúc mưa lớn. Thậm chí, trên đường Tô Ngọc Vân, đoạn giao với đường ray xe lửa, có địa hình thấp, nước chảy về gây ngập, nhiều lần xe lửa phải tạm hoãn để chờ nước rút mới có thể tiếp tục di chuyển.

Thác nước trên đường

Chiều 17-7, trong trận mưa lớn kéo dài nhiều giờ, các tuyến đường như Kha Vạn Cân, Tô Ngọc Vân, Võ Văn Ngân... nước ngập lênh láng, chảy xiết như "dòng thác". Có chỗ đường dốc, nước chảy cuồn cuộn. Sức nước mạnh cuốn cả xe lẫn người ngã nhào khi đang lưu thông.

Bà Từ Phương Tâm (57 tuổi), có nhà trên đường Võ Văn Ngân, cho biết chuyện mưa ngập, nước chảy như thác lặp đi lặp lại nhiều năm nay mỗi khi mùa mưa về. "Hiện ở đây đã có cống thoát phụ nhưng cũng không giải quyết được nhiều. Nước từ các con hẻm đổ dồn ra đường lớn mà không thoát được nên ngập hết vào nhà, đồ đạc ướt hết, người dân rất khổ..." - bà Tâm chia sẻ.

Chung cảnh ngộ, đường Kha Vạn Cân, đoạn gần UBND phường Linh Tây, cũng có địa hình mặt đường dốc, nên khi mưa lớn nước đổ về xối xả khiến nhiều xe máy qua lại bị cuốn trôi. Cũng vào chiều 17-7, một phụ nữ điều khiển xe máy chạy trên đường Kha Vạn Cân bị nước từ trên cao tuôn xuống, đẩy chị ngã lăn ra đường. May mắn, chị đã được người dân xung quanh hỗ trợ, giúp kéo xe vào lề đường kịp thời.

Bà Nguyễn Ngọc Tươi (62 tuổi), bán quán nước lâu năm ở tuyến đường Kha Vạn Cân, kể: Khi trời mưa, người nào tay lái yếu chạy qua đây là loạng choạng rồi ngã nhào. Nhiều khi cả người và xe máy bị nước cuốn trôi đi vì không giữ được thăng bằng. 

"Người dân ở đây quen cảnh này rồi nên họ biết để tránh, chỉ có người lạ đi qua không nắm địa hình nên xe hay bị chết máy, nước cuốn trôi. Do đó, mỗi khi trời mưa lớn phường thường cử dân quân ra giúp đỡ người dân" - bà Tươi nói.

Tương tự hai tuyến đường trên, đường Tô Ngọc Vân có đoạn giao cắt với đường ray xe lửa cũng bị ngập nặng mỗi khi trời mưa do địa hình thấp. Trước đây từng có tình trạng ngập đường ray làm xe lửa phải tạm hoãn hành trình, chờ nước rút. 

Hơn nữa, các tuyến đường trên là trục giao thông chính trên địa bàn quận Thủ Đức. Trên các tuyến đường này cũng tập trung nhiều trường học, nhà thờ, chợ... nên mỗi khi mưa lớn người dân gặp không ít khó khăn.

Năm 2020, cơ bản hết ngập?

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Mạnh Diên, phó Phòng quản lý đô thị quận Thủ Đức, cho biết các tuyến đường Kha Vạn Cân, Tô Ngọc Vân, Võ Văn Ngân có hệ thống thoát nước từ trước với đường cống nhỏ và đã xuống cấp nên không đáp ứng được việc thoát nước hiện tại. Đặc biệt khi các trận mưa có lượng mưa từ 80-100mm, các cống đều quá tải, nước chảy tràn trên mặt đường. 

Ngoài ra, do địa hình tương đối dốc của các tuyến đường trên nên khi mưa lớn, nước mưa theo độ dốc chảy tràn trên mặt đường gây ảnh hưởng đến người dân. UBND quận Thủ Đức đã chỉ đạo các phường trực thuộc có các tuyến đường trên đi qua bố trí lực lượng túc trực khi trời mưa lớn để hướng dẫn, kịp thời hỗ trợ người dân, người đi đường, tránh trường hợp người dân té ngã, tai nạn do nước chảy xiết, ngập sâu.

Để giải quyết ngập nước tại các tuyến đường trên, UBND quận đã ban hành quyết định về thực hiện chương trình giảm ngập và thoát nước trên địa bàn. Theo đó, đến năm 2020 trên địa bàn quận cơ bản sẽ giải quyết được ngập nước trên các tuyến đường do UBND quận quản lý.

Hiện quận Thủ Đức cũng đang thực hiện dự án xây dựng hệ thống thoát nước trên đường Võ Văn Ngân với tổng kinh phí 245 tỉ đồng. Còn tuyến đường Tô Ngọc Vân, quận thực hiện dự án hệ thống thoát nước dọc đường ray xe lửa với tổng kinh phí 163 tỉ đồng. 

Cả hai dự án trên đều được Sở GTVT TP.HCM phê duyệt và triển khai các bước tiếp theo. Theo đánh giá của Phòng quản lý đô thị quận, khi triển khai thi công hoàn thành hai dự án trên sẽ giải quyết căn cơ việc ngập nước.

Hồ điều tiết giúp giảm ngập đường Võ Văn Ngân

Trước đây đường Võ Văn Ngân, con đường ngập nghiêm trọng nhất, đã thí điểm hồ điều tiết chống ngập với dung tích 100m3. Vừa qua, quận cùng các sở, ngành liên quan đã đánh giá cao về hiệu quả giảm ngập của hồ điều tiết bằng công nghệ crosswave (vật liệu chính tạo nên hồ điều tiết).

Cụ thể, trước khi lắp đặt hồ điều tiết, khu vực thường xuyên ngập khi trời mưa có lượng mưa 30mm thì sẽ gây ngập từ 10cm đến 15cm. Đến nay, khi xuất hiện cơn mưa từ 60mm trở lên mới bắt đầu xuất hiện ngập. Tuy nhiên, do thực hiện thí điểm hồ điều tiết với dung tích 100m3 nên khả năng đáp ứng yêu cầu xóa ngập tại khu vực thí điểm vẫn còn hạn chế khi có mưa lớn.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng (phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị - Sở Xây dựng TP.HCM): Chống ngập cho các tuyến đường dốc

thioat nuoc

Cống thoát nước được đặt cắt ngang đoạn đường Võ Văn Ngân (Q.Thủ Đức, TP.HCM) nhằm ngăn dòng nước chảy mạnh về điểm trũng - Ảnh: THANH YẾN

Trên địa bàn TP.HCM cũng có một số tuyến đường với độ dốc cao nhưng cao nhất vẫn là các tuyến đường Kha Vạn Vân, Tô Ngọc Vân, Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức). Giải pháp nâng đường cục bộ chống ngập cho những tuyến đường này cần xem xét một cách thấu đáo, bởi chủ trương của UBND TP cần phải xem xét hài hòa, không thể nâng đường hết ngập ngoài đường mà để ảnh hưởng nhà dân hai bên.

Do đó, theo tôi, giải pháp tốt nhất là tăng tiết diện thu nước mặt, ví dụ như tăng diện tích các miệng hố ga thu nước và bố trí nhiều hơn nhằm tăng việc thu nước chảy tràn trên mặt đường; tăng tiết diện cống trên đường đảm bảo khả năng thoát nước. Triển khai hồ điều tiết cũng là một trong những giải pháp chống ngập cho các tuyến đường dốc này.

Trong thực tế ta thấy đường Võ Văn Ngân đã được lắp đặt thí điểm hồ điều tiết nhưng do dung tích chứa của hồ chỉ khoảng 100m3, còn quá nhỏ so với yêu cầu, nhưng cũng giúp giảm ngập được một phần. Ngoài ra, trước khi triển khai thiết kế hệ thống cống thoát nước cho các tuyến đường này, địa phương phải tham vấn ý kiến các cơ quan chuyên môn để có giải pháp chống ngập phù hợp.

QUANG KHẢI

'Khủng hoảng' khi mưa ngập băng qua 'công trường' đường Trường Chinh

TTO - Do đường Trường Chinh đang thi công, vào giờ cao điểm, nhiều người dân lựa chọn cách băng ngang công trường thi công để né ùn tắc. Tuy nhiên tại đây rất nhiều nguy hiểm đang chực chờ họ.

MINH HÒA - CHÂU TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên