Hơn 100 cầu thủ châu Á phải bay 5.000km
"Tôi muốn Asian Cup có thể tổ chức vào mùa hè, tương tự như Euro. Tôi không hiểu tại sao chúng tôi phải thi đấu Asian Cup vào tháng 1. AFCON cũng thế. Điều này không tốt cho các cầu thủ châu Á và châu Phi", nguyên văn nội dung phát biểu của Tomiyasu.
Điều Tomiyasu nói không hề mới. Đó đã là nội dung mà FIFA, UEFA, các Giải vô địch châu Âu đã tranh cãi với AFC, CAF suốt hàng chục năm qua.
Tháng 1 là thời điểm cuộc đua ở các giải đấu hàng đầu châu Âu diễn ra vô cùng căng thẳng. Và việc các câu lạc bộ phải trả những ngôi sao ưu tú về cho đội tuyển quốc gia ở châu Á, châu Phi gây ra vô số khó khăn.
Ở Asian Cup 2023, có tổng cộng 110 cầu thủ đã trở về từ châu Âu. Phân nửa trong đó là những ngôi sao đang chơi bóng ở các giải đấu lớn. Và kể cả không phải là ngôi sao, việc phải lặn lôi bay hơn 5000km, rồi cày ải suốt một tháng trời trong điều kiện khác biệt lớn về thời tiết, múi giờ khiến tất cả như bị hành xác.
Chính vì vấn đề này, FIFA đã phải tạo ra những chương trình như "Club Protection Programme" (tạm dịch: Chương trình bảo vệ quyền lợi cho các câu lạc bộ). Bởi nên nhớ, các câu lạc bộ mới là bên phải trả lương cho cầu thủ, cũng như chịu hầu hết trách nhiệm về việc đào tạo, hỗ trợ y tế, bảo hiểm và nhiều khoản phí tổn khác cho các cầu thủ.
Từ World Cup 2010, FIFA đã trả tiền đền bù cho các câu lạc bộ nếu có cầu thủ dính chấn thương khi trở về tuyển quốc gia chơi bóng ở những giải đấu thuộc khuôn khổ FIFA. Với những trường hợp chấn thương nặng nhất, FIFA có thể phải mất đến gần 9 triệu USD cho một cầu thủ.
Với World Cup hay Euro, cuộc chơi là có thể chấp nhận khi diễn ra vào mùa hè - thời điểm các giải đấu tạm nghỉ ba tháng. Các cầu thủ có đủ thời gian để rời câu lạc bộ lên tuyển tập huấn một thời gian, rồi nghỉ ngơi sau khi giải đấu kết thúc.
Nhưng Asian Cup và AFCON lại là chuyện khác. Hai giải đấu này bắt đầu cũng như kết thúc ngay vào giai đoạn khắc nghiệt của bóng đá châu Âu.
Ở AFCON năm nay, người hâm mộ được chứng kiến những cảnh tượng lạ lùng, như của Kudus, Onana, Inaki Williams… Họ thi đấu trận cuối cho câu lạc bộ, rồi vội vã trở về đội tuyển quốc gia, rồi lại vội vã bay về câu lạc bộ ngay sau khi chia tay giải đấu.
Inaki Williams, cầu thủ người Ghana nổi tiếng bền bỉ, đã chơi trận cuối cùng ở AFCON vào ngày 22 (hòa Mozambique 2-2), rồi sau đó bay trở lại Tây Ban Nha để giúp Athletic Bilbao đánh bại Barca vào ngày 24.
Williams may mắn không dính chấn thương, nhưng nhiều đồng nghiệp của anh không may mắn như thế. Điển hình nhất là siêu sao người Ai Cập Mohamed Salah.
Ai Cập bị loại ngay ở vòng bảng AFCON, nhưng người hâm mộ Liverpool cũng chẳng thể vui nổi bởi Salah dính một chấn thương khá nặng.
Và có hơn 10 ngôi sao cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Phải đến sau khi AFCON cùng Asian Cup kết thúc mới có thống kê chi tiết về những tổn thất các câu lạc bộ phải chịu.
Dẫu sao, Asian Cup cũng diễn ra với mật độ 4 năm/lần. Còn AFCON là một cơn đau đầu thực sự với các đội bóng châu Âu, bởi giải đấu này tổ chức 2 năm/lần.
Bao giờ mới thay đổi?
Chủ tịch FIFA Infantino từng công khai kêu gọi CAF nên xem xét giảm mật độ thi đấu.
Nhưng Motsepe, chủ tịch của CAF thẳng thừng từ chối, với lý do AFCON mang lại lợi ích kinh tế lớn cho bóng đá châu Phi. 80% doanh thu của CAF đến từ việc tổ chức AFCON.
Thêm vào đó là yếu tố quan trọng của thời tiết. Với đại bộ phận các nước châu Phi và Tây Á, khoảng thời gian mùa hè với thời tiết nóng ẩm gây ra khó khăn cho việc tổ chức giải đấu. Tháng 1 - thời điểm ấm áp và khô thoáng là lý tưởng nhất với châu Phi.
Điển hình là ở giải năm nay, ban đầu CAF đã dự định tổ chức AFCON vào mùa hè 2023 ở Bờ Biển Ngà. Nhưng rồi sau đó nước chủ nhà đã thông báo họ buộc phải đẩy giải đấu lùi lại tháng 1 để tránh thời tiết khắc nghiệt.
Nhưng dù sao, ở giải năm 2025, AFCON sẽ được tổ chức vào mùa hè tại Morocco. Một quyết định thỏa lòng mong ước của các câu lạc bộ châu Âu.
Sự thay đổi của CAF là dễ hiểu bởi bóng đá châu Âu có tầm ảnh hưởng rất lớn đến châu Phi. Có đến hơn 400 cầu thủ dự AFCON năm nay hiện khoác áo các câu lạc bộ châu Âu. Một phần đáng kể họ còn là những người sinh trưởng tại châu Âu.
Còn với các nước châu Á, AFC nếu muốn thay đổi cũng cần phải phối hợp với nhiều quốc gia về hệ thống giải đấu của họ.
Bởi vào lúc này Hàn Quốc và Nhật Bản - 2 nền bóng đá đứng đầu châu lục vẫn sử dụng mùa giải dương lịch, bắt đầu vào đầu tháng 2 và kết thúc vào tháng 12. Việc Asian Cup tổ chức vào tháng 1 là phù hợp với những hệ thống giải đấu này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận