Như Tuổi Trẻ Online thông tin, trong buổi tiếp xúc cử tri tỉnh Hậu Giang ngày 14-12, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết người có bảo hiểm y tế (BHYT) ở bất cứ đâu cũng được thông tuyến (tuy nhiên ở tuyến trung ương thì mức chi trả sẽ tùy nhóm người bệnh - PV).
Nhiều bạn đọc đã reo vui trước thông tin này. Tuổi Trẻ Online giới thiệu bài viết của tác giả Quốc Ngọc.
Mong hết cảnh "khó coi" với bệnh nhân bảo hiểm y tế
Con số hơn 90% người dân tham gia BHYT, theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho thấy hệ thống BHYT ở Việt Nam được người dân kỳ vọng vì được thiết lập với mục tiêu cao cả là mang đến sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe cho mọi người dân, bất kể điều kiện kinh tế.
Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là dù có thẻ BHYT trong tay nhưng không ít người vẫn phải cất nó đi và chấp nhận chi trả thêm tiền mỗi khi đến cơ sở y tế để được khám dịch vụ.
Nghịch lý này không chỉ phản ánh sự bất cập trong quản lý và vận hành hệ thống y tế mà còn đặt ra câu hỏi về sự công bằng và định hướng của các cơ sở y tế công lập hiện nay.
Trong sáu tháng đầu năm 2024, toàn quốc đã có hơn 88 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tỉ lệ người bệnh nội trú gần 10%.
Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân có thẻ BHYT nhưng vẫn "cắn răng, bóp túi" khám dịch vụ với chi phí cao, nhất là khi muốn siêu âm, xét nghiệm, phẫu thuật… tại các bệnh viện tuyến cuối ở các thành phố lớn.
Tại các cơ sở công lập tuyến cuối ở TP.HCM, người ta dễ dàng nhận thấy sự chênh lệch rõ rệt giữa hai nhóm bệnh nhân.
Một là những người khám theo diện BHYT, kiên nhẫn chờ đợi trong các hàng ghế dài. Nhóm còn lại là những bệnh nhân khám dịch vụ, được phục vụ nhanh chóng trong không gian khang trang.
Đó là chưa kể nhiều trường hợp, dù không muốn, bệnh nhân BHYT vẫn buộc phải chọn dịch vụ chỉ để được đáp ứng thăm khám hoặc điều trị kịp thời.
Hiện tượng "khó coi" như thế có nhiều nguyên nhân.
Trước hết, đó là vấn đề quá tải tại các bệnh viện công tuyến cuối. Các bệnh viện lớn ở TP.HCM như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Ung bướu hay Bệnh viện Nhi đồng 1, 2… luôn trong tình trạng tiếp nhận số lượng bệnh nhân vượt quá khả năng phục vụ.
Theo thống kê, hằng ngày các bệnh viện này tiếp đón ngót nghét nửa vạn bệnh nhân từ khắp nơi đổ về. Cảnh chờ đợi mòn mỏi đối với các chỉ định tiền lâm sàng như siêu âm, xét nghiệm hoặc xếp lịch mổ là không thể tránh khỏi.
Trong khi đó, bệnh nhân khám dịch vụ có "ưu thế" rõ rệt nhờ nguồn thu trực tiếp đã mang lại cho bệnh viện, ví dụ như có dịch vụ chọn bác sĩ.
Một nguyên nhân nữa là sự hạn chế trong chính sách chi trả của BHYT. Quy định chi trả của BHYT hiện vẫn bị đánh giá là thấp, không đủ hấp dẫn để khuyến khích các bệnh viện đầu tư nhiều hơn vào chất lượng điều trị cho bệnh nhân BHYT.
Ví dụ, một ca phẫu thuật thuộc diện BHYT chi trả có mức thanh toán cố định, nhưng lại không bao gồm nhiều chi phí phát sinh khác như thuốc men đặc trị hay các thiết bị y tế tiên tiến.
Điều này khiến các bệnh viện, vốn phải tự chủ tài chính, có xu hướng đẩy mạnh các dịch vụ tự nguyện, nơi họ có thể thu lợi nhiều và nhanh hơn.
Thực tế đó dẫn đến hệ quả như chúng ta thấy. Bệnh nhân BHYT bị thiệt thòi cả về thời gian lẫn chất lượng điều trị.
Điều này không chỉ khiến bệnh nhân BHYT cảm thấy bất công mà còn tạo tâm lý lo ngại về chất lượng dịch vụ BHYT. Với nhiều người, dù phải "cắn răng" chi trả thêm, họ vẫn chọn khám dịch vụ để đảm bảo sức khỏe của mình được chăm sóc tốt nhất.
Tình trạng lạm dụng khám dịch vụ không chỉ ảnh hưởng đến người bệnh mà còn gây ra những bất cập lớn trong hệ thống y tế.
Khi các nguồn lực bao gồm đội ngũ y bác sĩ và trang thiết bị được tập trung quá mức vào khám chữa bệnh dịch vụ, trong khi các dịch vụ thuộc diện BHYT bị bỏ bê, dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn lực công.
Điều chỉnh mức chi trả bảo hiểm y tế
Để giải quyết vấn đề này, trước hết chính sách BHYT cần được cải thiện một cách căn bản. Điều này bao gồm việc điều chỉnh mức chi trả BHYT, đảm bảo đủ sức hấp dẫn để bệnh viện chú trọng hơn đến chất lượng điều trị cho bệnh nhân BHYT.
Đồng thời cần tăng cường cơ chế giám sát, đảm bảo quyền lợi của người bệnh được thực thi đúng mức, tránh tình trạng phân biệt đối xử giữa bệnh nhân BHYT và bệnh nhân dịch vụ.
Bên cạnh đó, việc đầu tư vào các bệnh viện tuyến cơ sở cần được ưu tiên.
Về lý thuyết, nếu các cơ sở y tế tuyến dưới được cải thiện về cơ sở vật chất và năng lực chuyên môn thì số lượng bệnh nhân đổ dồn về các bệnh viện tuyến cuối sẽ giảm đáng kể.
Đây là giải pháp không chỉ giúp giảm tải áp lực cho các bệnh viện lớn mà còn đảm bảo người bệnh được tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng ngay tại địa phương.
Một khía cạnh khác cũng cần được nhắc đến là trách nhiệm nghề nghiệp và ý thức xã hội của đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế.
Mặc dù yếu tố kinh tế là một động lực quan trọng nhưng ngành y tế không chỉ là một nghề nghiệp mà còn là một sứ mệnh "lương y như từ mẫu".
Hướng đến xây dựng một hệ thống y tế công bằng, nơi mọi người dân đều được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao, bất kể thuộc diện BHYT hay dịch vụ.
Việc đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân BHYT không chỉ là trách nhiệm mà còn là cam kết đối với tương lai phát triển của ngành chăm sóc sức khỏe.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận