27/09/2019 09:31 GMT+7

'Báo động đỏ' ảnh hưởng sức khỏe

XUÂN MAI
XUÂN MAI

TTO - Sáng 26-9, ứng dụng quan trắc không khí AirVisual (Mỹ) cảnh báo không khí TP.HCM ở mức ô nhiễm nặng (màu đỏ), có hại cho sức khỏe mọi người.

Báo động đỏ ảnh hưởng sức khỏe - Ảnh 1.

Không khí chiều tối 26-9 tại TP.HCM có hiện tượng vẩn đục và trời tối hơn mọi ngày. Chỉ số quan trắc không khí TP.HCM sáng 26-9 ở mức ô nhiễm nặng (màu đỏ), có hại cho sức khỏe - Ảnh: DUYÊN PHAN

Cụ thể, chỉ số chất lượng không khí (AQI) đo được cao nhất là 172, chỉ số bụi mịn PM2.5 ở mức 95,8 µg/m³ - cao hơn gấp gần 4 lần quy chuẩn quốc gia (25 µg/m³) và gần 11 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế thế giới.

Vào những ngày trước đó, chỉ số AQI tại TP.HCM cũng thường xuyên trên ngưỡng 100 - mức có hại cho sức khỏe mọi người, đặc biệt đối với nhóm nhạy cảm. 

Qua theo dõi nhận thấy mức độ ô nhiễm không khí cao thường rơi vào buổi trưa và chiều. Đây cũng là thời điểm các loại xe hoạt động nhiều nhất trong ngày.

Sát thủ vô hình

TS Nguyễn Ngọc Minh - giảng viên bộ môn tai mũi họng Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch - cho biết nguồn sinh ra bụi mịn PM2.5 ở các đô thị lớn hầu hết là từ khí thải giao thông, công trình xây dựng, đường sá và nhà máy công nghiệp. 

Bụi mịn PM2.5 có kích thước siêu nhỏ, chúng có thể đi vào đường hô hấp khi con người hít thở, từ đó có thể luồn lách vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi và xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu, ảnh hưởng đến sức khỏe mọi người.

TS Minh cho hay những hạt bụi mịn khi xâm nhập vào cơ thể có thể làm giảm chức năng của phổi, viêm phế quản mãn tính, gây nên bệnh hen suyễn và ung thư phổi.

Ngoài ra, PM2.5 là nguyên nhân gây nhiễm độc máu, máu khó đông khiến hệ tuần hoàn bị ảnh hưởng, làm suy nhược hệ thần kinh điều khiển hoạt động của cơ tim gây ra các bệnh tim mạch. Đặc biệt đối với phụ nữ mang thai khi hít phải có thể khiến thai nhi chậm phát triển. Trẻ sinh ra bị ít cân, nhiều khả năng bị suy nhược thần kinh và tự kỷ.

"Chúng ta thường bỏ qua hoặc không nhận thấy tác hại của bụi PM2.5 cũng như cách mà chúng xâm nhập và gây hại cho cơ thể. Vì quá trình xâm nhập thường âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng cho đến khi lượng bụi tích tụ đủ lớn" - ông Minh nhận định.

Hãy bảo vệ chính mình và người thân

Các bác sĩ cho rằng bụi mịn PM2.5 không chừa một ai. Trong đó những người thuộc nhóm nhạy cảm là trẻ em, phụ nữ, người lớn tuổi, người có thể trạng yếu và những người có tiền sử bệnh hô hấp, tim mạch là những người chịu nhiều tác hại nhất.

Để hạn chế tác hại ô nhiễm không khí đến sức khỏe, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần giảm thiểu thời gian tiếp xúc với các nguồn ô nhiễm, các hoạt động thể lực (lao động, thể dục và sinh hoạt) gần nguồn phát sinh bụi. 

Nếu phải ra đường vào những ngày không khí ô nhiễm, khẩu trang là phương tiện được nhiều người lựa chọn để giảm bớt tác hại của khói bụi. Người dân nên dùng khẩu trang chắn bụi. Trường hợp chỉ có khẩu trang y tế, người dân cần lồng hai chiếc vào nhau hoặc lót kèm khăn giấy bên trong để ngăn bụi.

Ngoài những phương pháp trên, người dân cần thường xuyên vệ sinh nhà cửa, phòng ốc, làm thông thoáng môi trường sống; trang bị thêm hệ thống lọc không khí nếu có điều kiện. Đồng thời giữ vệ sinh mũi xoang sạch sẽ để mũi luôn duy trì khả năng lọc bụi tốt nhất, nâng cao hệ miễn dịch bằng chế độ dinh dưỡng.

Ô nhiễm không khí ở TP.HCM còn kéo dài

Ngày 26-9, ông Lê Đình Quyết - phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ - cho hay độ ẩm trong ngày ở mức cao 92-95%, thêm vào đó hiện tượng nghịch nhiệt (tầng cao nhiệt độ cao, tầng thấp nhiệt độ thấp)... khiến lớp bụi, khói lẩn quẩn mặt đất không thoát lên cao được. Đây được xem là hiện tượng mù chứa nhiều chất ô nhiễm trong không khí diễn ra mấy ngày qua ở TP.HCM.

Theo ông Quyết, từ ngày 26 đến 28-9, tại TP.HCM và một số tỉnh Nam Bộ tiếp tục có mưa, vì vậy độ ẩm không khí tăng cao, hiện tượng nghịch nhiệt vẫn xảy ra nên không khí ô nhiễm còn kéo dài trong một vài ngày tới.

Trước đó, kết quả quan trắc của Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường (Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM) 30 vị trí ở TP.HCM trong tháng 9 cho thấy chất lượng không khí có sự gia tăng đột biến của các chất ô nhiễm như bụi lơ lửng, NO2, SO2, CO..., nhất là ngày 20-9, bụi lơ lửng tăng gấp 2,19 lần, NO2 tăng 1,41 lần, CO tăng 1,4 lần. Đặc biệt ghi nhận sự gia tăng bụi mịn PM10, PM2.5 từ 1,9 - 2,2 lần.

QUANG KHẢI

Sáng nay, không khí Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới Sáng nay, không khí Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới

TTO - Sáng 26-9, ứng dụng quan trắc không khí Airvisual xếp Hà Nội là thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới, trong khi TP.HCM xếp thứ ba về mức độ ô nhiễm. Còn hệ thống quan trắc trong nước cũng ghi nhận mức độ ô nhiễm nghiêm trọng ở các tỉnh miền Bắc.

XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên