Ba bạn đọc đã góp phần làm nóng trang báo Tuổi Trẻ với các tác phẩm liên quan đến bạo lực học đường và nỗi khổ nhọc của người đi tàu lửa dịp tết.
Bài viết của bạn đọc Nhất Bảo trên TTO |
Cả ba bạn đọc này khi báo tin hoặc gửi bài viết đến Tuổi Trẻ đều mong muốn qua báo Tuổi Trẻ sẽ tác động nhằm thay đổi nhận thức từ chuyện giáo dục con cái để tránh xảy ra chuyện bạo hành chốn học đường, cũng như có cung cách phục vụ và chăm sóc khách hàng đi tàu ngày một tốt hơn.
Hai câu chuyện bạo hành
Tối 9-3-2015, khi lướt Facebook, bạn đọc Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo (tỉnh Trà Vinh) đã ngỡ ngàng khi thấy bạn bè đang chia sẻ một đoạn clip cảnh các em học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng của tỉnh mình đánh nhau bằng tay và cả bằng ghế.
Tốc độ lan truyền của clip này rất nhanh. Bất ngờ trước những hành vi trên, Bảo đã chủ động liên hệ với Tuổi Trẻ, gửi clip và ý kiến của mình về đoạn phim này.
Bài viết “Nạn quay rồi tung clip tiếp tay cho bạo lực học đường” của Nhất Bảo đã được đăng trên Tuổi Trẻ Online ngày 10-3, mở ra một cách đặt vấn đề mới, gây nên những tranh luận đa chiều với 176 phản hồi.
Từ thông tin ban đầu này, Tuổi Trẻ đã đi sâu vào câu chuyện “Nữ sinh lớp 7 bị đánh” với những phân tích nhiều chiều thu hút thêm trên 2.100 ý kiến phản hồi bàn luận của bạn đọc.
Nói về bài viết của mình, Nhất Bảo chia sẻ: “Đây là bài đầu tiên của tôi đăng trên báo Tuổi Trẻ. Khi xem xong clip từ những người bạn Trà Vinh của mình, tôi đã rất bức xúc và muốn chia sẻ quan điểm của mình về việc này để mong xã hội có cái nhìn đúng hơn về nạn bạo lực học đường. Tôi cũng muốn khuyến khích các em khi xảy ra sự việc đáng tiếc hãy chủ động báo thầy cô, phụ huynh chứ đừng quay clip rồi đưa lên mạng, vì như thế không những không giúp thủ phạm ăn năn mà chỉ tạo thêm nhiều kẻ hung hãn "tiềm năng" mới, sẽ phát tán hạt giống bạo lực đi khắp nơi”.
Ở một góc độ khác, thông tin của một thầy giáo tên T. (TP Cần Thơ) cung cấp cho Tuổi Trẻ cũng là một biến thể của nạn bạo lực học đường nhưng ở tầm cao hơn. Đó là chuyện cô giáo T.B. (công tác tại một trường của quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) lỡ tay tát một học trò ngỗ nghịch trong lớp.
Sự việc này đã gây rắc rối cho cô, mặc dù cô đã chủ động xin lỗi phụ huynh đến bốn lần vẫn không xong. Và bài viết “Cô giáo bốn lần đi xin lỗi học trò” (Tuổi Trẻ ngày 26-3) đã nhận được rất nhiều sự chia sẻ cũng như tranh luận, mở ra một loạt bài sau đó về cách dạy con của phụ huynh như thế nào là đúng, thực trạng cô giáo cũng bị phụ huynh bạo hành và cả việc khi phụ huynh là giáo viên thì sẽ khổ như thế nào...
Mong những chuyến tàu tết thoải mái và an toàn
Đó là mong ước của tác giả Nguyễn Đước (TP.HCM) khi gửi bài viết “Bơ phờ trên chuyến tàu tết tăng cường” đến Tuổi Trẻ (đăng ngày 3-3). Là người năm nào cũng về quê Quảng Ngãi ăn tết, anh đã chứng kiến bao cảnh vất vả của người dân trên những chuyến tàu tăng cường.
Cảnh chen lấn, ngủ vật vờ nơi lối đi, trước cửa nhà vệ sinh, dưới gầm ghế cứng... khiến hành khách không chỉ vất vả mà còn lo ngại đến sự an toàn nếu chẳng may xảy ra sự cố trên tàu.
Với trăn trở của mình trước sự phục vụ chưa chu đáo của ngành đường sắt, Nguyễn Đước đã thao tác như một phóng viên thực thụ khi mô tả lại tình trạng này, chụp hình những cảnh vất vả của hành khách để phản ảnh lên báo với mong muốn ngành đường sắt cải thiện chất lượng phục vụ cho người dân đỡ khổ.
Nhận giải thưởng đợt này, anh Đước cho biết rất xúc động và xem đó là sự ghi nhận của Tuổi Trẻ trước một cây bút nghiệp dư như anh. Nói là nghiệp dư nhưng Nguyễn Đước đã có trong tay nguyên một bộ sưu tập nhiều bài báo của mình được đăng trên Tuổi Trẻ.
Chính tình yêu với tờ báo này, anh đã không ngần ngại tự mình thực hiện một khảo sát mini bỏ túi để hỏi những người dân khu phố nơi anh ở (quận Tân Bình, TP. HCM) về hiệu quả của chuyên mục Nhịp cầu nhân ái của Tuổi Trẻ. Và từ đó anh đã “hiến kế” với tờ báo ruột của mình cách thức thực hiện để chuyên mục này thu hút sự quan tâm của độc giả hơn và mang lại lợi ích cho người thụ hưởng hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận