Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội - ẢNH: Việt Dũng |
Ông Võ Văn Thưởng, ủy viên Bộ Chính trị, trưởng ban Tuyên giáo trung ương, đã nhấn mạnh như vậy với lãnh đạo các cơ quan báo chí, sáng 20-6, nhân kỷ niệm 92 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Ông Thưởng khẳng định kể từ khi tờ báo đầu tiên của nền báo chí cách mạng Việt Nam ra đời, đến nay, báo chí luôn đồng hành với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Báo chí đã góp phần tích cực vào công cuộc giải phóng dân tộc, đấu tranh, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và góp phần lớn đem đến thành tựu chung của đất nước, của dân tộc.
Trưởng ban Tuyên giáo trung ương đánh giá nhiều tờ báo đã giữ vững tôn chỉ mục đích, lựa chọn và có cách tiếp cận thông minh, phản ánh những vấn đề nóng, nhạy cảm…, thể hiện được bản lĩnh và cho rằng báo chí cần tiếp tục góp phần đem đến thành tựu chung của đất nước, của dân tộc.
Tuy nhiên, ông Võ Văn Thưởng cũng chia sẻ băn khoăn về thông tin một số cơ quan báo chí còn vướng vào những chuyện “thường tình”, chuyện tiêu cực.
Theo ông Thưởng, nhiều cơ quan chủ quản không đặt ra vấn đề tôn chỉ mục đích như một yêu cầu tối thượng và bắt buộc đối với cơ quan báo chí.
Điều đó làm cho nhiều tờ báo không lấy tôn chỉ mục đích làm định hướng dẫn dắt hoạt động của tờ báo mình, đôi khi thấy vấn đề nào được một số người quan tâm, có lợi về mặt nào đó là đưa, không theo tôn chỉ mục đích.
Song, đáng lưu ý, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương cho rằng có tình trạng một số tờ báo “bị mua”, theo kiểu đưa bài lên sau đó có người tới đưa phong bì thì rút bài.
“Tôi nghe anh em nói câu “Sáng đưa, trưa gặp, chiều rút”. Nói thật, có nhiều bài tôi đọc thấy hay nhưng sau đó thấy bài biến mất. Tôi gọi hỏi bộ trưởng không biết, hỏi phó ban không biết, tìm lòng vòng mới ra chỗ tác động rút bài”, ông Thưởng nói.
Thậm chí, ông Thưởng nêu có ý kiến cho rằng có những tờ báo tự rao bán mình theo kiểu dự thảo một bài báo rồi tới gặp thương lượng, đề nghị ký hợp đồng quảng cáo...
“Đó là tự bán mình theo nghĩa tiêu cực nhất mà xã hội đang dùng. Việc bán mình này gần như bán nhân phẩm”, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương thẳng thắn.
Trong khi đó, đối với đội ngũ phóng viên, nhà báo, ông Võ Văn Thưởng đề cập đến tình trạng phóng viên, nhà báo lên mạng xã hội nói ngược với điều mà chính phóng viên, nhà báo đó viết trên báo.
Ông Thưởng nói: “Người ta cảm thấy đó là hai con người khác nhau về nhận thức, về tư cách, về cách nhìn nhận vấn đề. Nó không phải biểu hiện của một người đa nhân cách mà nó giống như là hai mặt”.
Ông Thưởng đề nghị Bộ Thông tin - truyền thông và các cơ quan báo chí phải có quy định đối với việc phóng viên tham gia mạng xã hội.
Trưởng ban Tuyên giáo trung ương cũng đề nghị các cơ quan báo chí cần soi rọi lại sứ mệnh, trách nhiệm để làm tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận