25/04/2013 19:21 GMT+7

Bánh trứng kiến của người Tày

P.T.T.
P.T.T.

TTO - Nghe tới cái tên có lẽ ai cũng hình dung ra nguyên liệu của bánh, thế nhưng ít ai biết được đó là một loại bánh đặc trưng cho văn hóa ẩm thực của người dân tộc Tày - Cao Bằng.

DVpxYIRR.jpgPhóng to
a3GiMMR5.jpg
Trứng kiến được chế biến để làm bánh trứng kiến - Ảnh: P.T.T.

Mùa trứng kiến ở Cao Bằng bắt đầu từ tháng ba âm lịch và kéo dài trong vòng 1, 2 tháng. Thông thường mỗi tổ trứng kiến to bằng cái mũ cũng chỉ đãi được từ 1 đến 2 lạng trứng.

Không phải trứng kiến nào cũng có thể ăn được nên người tìm kiếm phải có những cách riêng để phân biệt. Kiến cho trứng lành thường cắn không đau và không độc như các loài kiến khác. Người Tày chỉ lấy trứng của loại kiến đen mà họ thường gọi là tua rày, kiến có thân nhỏ, đuôi nhọn.

Loại kiến này đi lại khá nhanh và thường làm ổ trên cây vầu. Tổ của chúng màu đen, hình tròn hoặc hình bầu dục được làm từ lá cây mục và kết chặt vào những cành cây.

Theo kinh nghiệm của người Tày, cứ độ tháng ba âm lịch khi mặt trời đỏ nhất cũng là lúc có nhiều trứng kiến nhất. Mặt trời càng đỏ, trứng càng to nhanh.

Để tìm được một tổ kiến ngon và nhiều chất dinh dưỡng phải lựa chọn tổ có lớp màng trắng liên kết các lá bọc bên ngoài, khi nào lớp màng trắng phủ đều ngoài lá thì trứng kiến bên trong sẽ rất nhiều và ở độ căng tròn mọng sữa.

Theo chân đồng bào đi đánh kiến mới biết công đoạn lấy được trứng của chúng trong tổ cũng hết sức phải khéo léo để không bị đốt. Khi tìm thấy tổ kiến phải khéo léo đuổi kiến đi, sau đó dùng tay vỗ vỗ cho trứng kiến rơi xuống. Để kiến bỏ đi mà không tha theo trứng, người ta thường cho vài ngọn lá cây vào chậu.

Tháng ba cũng là mùa lá vả, lá sung mọc lá non. Thiên nhiên cũng khéo sắp đặt khi mùa lá vả trùng với mùa trứng kiến để tạo nên một loại bánh đặc trưng mang lại giá trị văn hóa cho đồng bào Tày - bánh trứng kiến.

Để làm bánh trứng kiến phải chọn loại lá vả nhỏ bởi lá thơm và mềm hơn lá to. Chọn loại lá bánh tẻ, không non quá cũng không quá già. Nếu lá non khi bóc sẽ rất khó, còn nếu lá già bánh sẽ không đủ thơm và sẽ cứng.

Để làm nhân bánh, người ta phi thơm hành rồi cho trứng kiến vào rang cho thơm phức, béo ngậy. Sau khi nhân bánh được chuẩn bị xong người ta sẽ tiến hành làm bánh. Bột gạo được dát mỏng vừa phải, dày cỡ nửa phân rồi áp vào lá vả non.

Tiếp theo là cho trứng kiến đã xào rải đều trên mặt miếng bột, sau đó gói miếng bột vào để bọc lấy nhân bánh, rồi bánh vuông, tròn ra sao là phụ thuộc vào tay người nắn. Cuối cùng, bọc bên ngoài một lớp lá vả bánh tẻ rồi cho vào nồi đồ như đồ xôi khoảng 30 phút.

Khi bánh đã chín đem ra để nguội rồi dùng kéo cắt ra từng miếng vuông vừa phải. Bánh trứng kiến ăn dẻo, thơm mùi lá vả và béo ngậy của trứng kiến.

Ngồi quanh bếp lửa hồng, hương thơm của mùi bánh chín như thúc giục khiến ai cũng nóng lòng chờ thưởng thức. Du khách lên Cao Bằng có dịp đi “đánh kiến” với đồng bào Tày đừng nên bỏ qua món bánh trứng kiến thơm ngon này!

P.T.T.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên