09/03/2014 02:57 GMT+7

Bánh tét nhân chân gà

HOÀNG NINH
HOÀNG NINH

TT - “Nhiều người thấy lạ với bánh tét nhân chân gà, chắc thế gian này có mình tôi là... hơi ngược đời nhưng món ăn này tuyệt vời lắm” - bà Nguyễn Thị Ngân nói.

mMpNQgbE.jpgPhóng to
Gói bánh tét nhân chân gà - Ảnh: Hoàng Ninh

Nhà bà Nguyễn Thị Ngân, thường gọi là bà Sáu, ở thôn 6, xã Đăk Drông, huyện Cư Jut, tỉnh Đăk Nông. Dịp lễ tết, bà cùng cô con dâu thường gói bánh tét có nhân là đậu xanh và... chân gà.

Thương em, gói bánh tét

"Ngon lắm, không có mỡ heo nhưng bánh rất béo và có vị ngọt thanh tao của da, xương và tủy của gà"

BÀ SÁU - Nguyễn Thị Ngân(thôn 6, xã Đắk Drông, Cư Jut, Đắk Nông)

Bà kể rằng trước những năm 1980 bà sống ở tỉnh Bến Tre, có người em trai út sinh ra được 2 tuổi mà chẳng biết bò. Rồi một lần cha bà đi chợ tỉnh được một người dân tộc thiểu số bán thuốc nam bảo: “Về cứ nấu cháo chân gà cho ăn sẽ hết đấy’’. Sau đó bà thay cha lội ra chợ huyện hằng ngày để gom chân gà ở các quán về nấu cho em ăn.

Chuyện gói bánh tét nhân chân gà cũng từ người em này. Có lẽ ăn cháo riết cũng ngán nên người em thích ăn cơm nếp với chân gà luộc, nhưng bà Sáu nghĩ chân gà có thể tốt từ cái tủy bên trong nên mỗi lần nấu cơm nếp bà chặt chân gà thành từng khúc rồi nấu lộn với nếp. Và bà đã nấu cơm nếp mà không phải chắt nước vẫn khô được như xôi làm cậu em thích thú ăn khá nhiều.

Cũng có lúc bà phải xa nhà 3 - 5 bữa, có khi một tuần. Thương em phải ăn cơm nếp không quen khẩu vị do mẹ hoặc chị nấu nên bà thử gói bánh tét để em ở nhà ăn vừa ngon, vừa để được lâu. Nào ngờ khi những đòn bánh tét đầu tiên chín, cả nhà bà ăn thử thấy mùi vị vừa lạ vừa ngon. Từ đó bà không phải nấu cháo hay nấu cơm nếp chân gà cho em như mọi khi nữa mà cứ 3-4 ngày gói 5-6 đòn bánh tét nho nhỏ để em ăn dần. Hơn ba năm sau, cậu út khỏe mạnh cắp sách tự đi học. Bà bảo: “Rồi nó ghiền bánh tét chân gà, tháng nào cũng bắt tui gói cho ăn ít nhất một lần’’, đến khi em bà 7-8 tuổi mới thôi.

Lấy chồng ở Tây nguyên nhưng cứ tết nào về quê Bến Tre bà Sáu cũng gói 5-7 đòn bánh tét nhân chân gà cho cả nhà ăn. Riết rồi chồng bà đòi bà gói cho ăn hằng tháng.

Cách làm và ăn bánh

Cách làm như sau: đậu xanh chà bỏ vỏ rồi ngâm nước âm ấm cho nhanh mềm, chân gà làm sạch để nguyên xào qua mỡ tỏi cho thơm rồi gói chứ đừng chặt ra. Bà Sáu bảo rằng bánh hầm cả ngày chân gà sẽ nhừ có thể nhai được hết cả xương không phải chặt. Mỗi chiếc bánh gói bốn cái chân gà là đủ ngon, ai thích ăn béo hơn thì cho thêm miếng mỡ heo vào mỗi cái bánh. Gạo nếp trộn dừa khô nạo nhỏ, một ít muối, bột ngọt cho vừa ăn rồi gói như bánh nhân thịt heo thôi chứ chẳng có gì khó.

Do bánh tét chân gà thường gói nhỏ hơn bánh nhân thịt heo nên thời gian nấu bánh cũng tương đương. Có điều lúc ăn không thể cắt bánh thành khoanh được mà đặt vào chiếc đĩa, dùng dao rọc lá theo chiều dọc của bánh để tách lá gói ra hai bên, rồi dùng mũi dao nhỏ rạch dọc phần nếp trong bánh theo chiều lá sẽ để lộ phần nhân. Thường mỗi người một cái, dùng muỗng nhỏ xúc phần nếp và nhân ăn bỏ xương. Bà Sáu bảo: “Ngon lắm, không có mỡ heo nhưng bánh rất béo và có vị ngọt thanh tao của da, xương và tủy của gà’’. Không chỉ bà Sáu nói mà nhiều người trong thôn, ngoài làng đã được ăn đều nhận xét như vậy.

Hợp với trẻ nhỏ, người già

Toàn chân gà hoặc từng phần riêng lẻ như da, gân, xương đều là những vị thuốc quý, thường dùng trong y học cổ truyền.

* Da chân gà: hầm hoặc nấu thành cao chữa chứng chân tay run rẩy, đi đứng không vững. Theo y học cổ truyền, da chân gà ninh nhừ lấy nước nấu cháo cho trẻ nhỏ ăn hằng ngày để chữa chứng da xanh bủng, chậm biết đi, chậm mọc răng.

* Gân chân gà: là món ăn quý, vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng bổ dưỡng cao, mạnh sinh lực, cường gân cốt. Thường nấu nhừ với gạo, nếp hoặc các vị thuốc bổ nguồn gốc thực vật rồi ăn nóng.

* Xương chân gà: một loại thuốc bổ chữa hư nhược, kém ăn, mệt mỏi, đau lưng, mất ngủ, sinh lý yếu, bạch đới, băng huyết, kiết lỵ, mồ hôi trộm. Thường dùng để bồi dưỡng và phục hồi sức khỏe cho cơ thể suy nhược, người cao tuổi.

* Gạo tẻ hay gạo nếp: cung cấp chất bột, protein, canxi, phốtpho, sắt, vitamin B1, PP, axit fumalic, axit butanedioic, đường saccarôzơ, giàu chất khoáng... Theo y học cổ truyền, gạo tẻ hay gạo nếp bổ phổi, bài tiết chất độc, bổ dưỡng, có tác dụng điều hòa tì vị, giải nhiệt, giải khát, giảm đau, rất thích hợp với mọi người, nhất là người già suy nhược, suy dinh dưỡng...

Tóm lại chân gà nấu cháo với gạo tẻ hay gạo nếp hoặc làm bánh tét nhân chân gà là thức ăn vừa bổ dưỡng ngon miệng, cung cấp tương đối đầy đủ dinh dưỡng lại dễ ăn, dễ hấp thu, phù hợp với trẻ nhỏ, người già; vừa có tác dụng chữa trẻ em còi xương, suy dinh dưỡng, người già suy nhược. Tuy nhiên trong quá trình ăn uống, nếu thấy có dấu hiệu bất thường, bệnh diễn tiến nặng, hoặc với trẻ bại não, trẻ bại liệt, trẻ dị tật bẩm sinh, bệnh lý di truyền... cần được thầy thuốc tư vấn để có hướng chẩn đoán và điều trị thích hợp.

BS Huỳnh Tấn Vũ (ĐH Y dược TP.HCM)

HOÀNG NINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên