Nguyên liệu làm bánh chưng tại Lễ hội Tết Việt - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Trong tiềm thức của người Việt, những chiếc bánh thơm lừng ấy không đơn thuần là món ăn mà còn là niềm vui, sự hân hoan trong những ngày đầu năm mới.
Ngày Tết cổ truyền, nhà nào cũng có cặp bánh để cúng gia tiên. Nếu bánh chưng, bánh giầy là nét văn hóa lâu đời của người miền Bắc, bánh tét lại được người dân miền Nam ưa chuộng hơn. Còn người miền Trung dùng cả bánh chưng và bánh tét, tuỳ theo khu vực.
Nhóm du khách Hàn Quốc chụp hình kỷ niệm cùng chiếc bánh chưng truyền thống - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Tuy nhiên giờ đây, hình ảnh những nồi bánh sôi sùng sục suốt đêm và ánh lửa bập bùng trong đôi mắt người trông bánh đã thưa dần, gần như đã không còn thấy ở thành phố nữa.
Mỗi năm Tết đến, nhiều người không khỏi chạnh lòng khi nhớ về những cái tết thời thơ bé, được ông bà, bố mẹ hướng dẫn cách gói bánh và lòng háo hức mong đợi khoảnh khắc giao thừa.
Á hậu Sắc đẹp toàn cầu 2018 Dương Yến Phi gói bánh chưng cùng khách tham quan - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Chính vì lý do đó mà ở Lễ hội Tết Việt 2020, ban tổ chức chương trình đã tổ chức một hoạt động ý nghĩa là giới thiệu về các loại bánh dùng trong ngày Tết của người Việt. Đặc biệt, khách tham quan còn có cơ hội trực tiếp gói những chiếc bánh chưng cùng nhiều người nổi tiếng, hoa hậu, á hậu.
Theo quan niệm dân gian, trời tròn, đất vuông. Bánh chưng có hình vuông tượng trưng cho đất. Bên ngoài của bánh gói bằng lá dong, bên trong là gạo nếp và nhân gồm đậu xanh, hành, thịt heo. Đây đều là những nguyên liệu nấu ăn truyền thống của các gia đình Việt.
Bánh giầy hình tròn, tượng trưng cho trời. Bánh trắng nõn, nhỏ gọn trong lòng bàn tay, mặt trên hình vòng cung giống như bầu trời, có hai miếng lá xanh cắt tròn đậy trên dưới. Người Việt xưa quan niệm rằng bầu trời là nơi cư ngụ của thần linh, vì vậy bánh giầy thường được dùng để tế trời, tế thần cầu mong thời tiết thuận lợi cho một năm ấm no.
Khâu đồ xôi, giã bánh rất quan trọng trong quá trình thực hiện. Xôi được đồ kỹ, lấy ra giã ngay khi còn nóng. Người giã bánh phải có sức khỏe để giã liên tục, đều tay tới khi có được khối bột nếp chín.
Những chiếc bánh tét miền Nam đẹp mắt với lời chúc "Vạn sự như ý" - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Bánh tét có nguyên liệu giống bánh chưng, nhưng người miền Nam gói theo hình trụ dài. Vào ngày tết, người dân nơi đây thường làm hai loại bánh chay và mặn. Bánh chay để cúng ông bà, trời đất, bánh mặn dùng trong bữa ăn.
Bạn Trần Thiên Nam, sinh ra và lớn lên tại TP.HCM, rất thích thú khi lần đầu tiên được tự tay gói những chiếc bánh tại lễ hội Tết Việt diễn ra tại công viên Lê Văn Tám (TP.HCM) từ ngày 3 tới 5-1: "Vào ngày Tết, gia đình tôi thường mua bánh có sẵn ở siêu thị. Đây là lần đầu tiên tôi thử gói một chiếc bánh chưng, nhìn thì có vẻ đơn giản nhưng thực tế đòi hỏi sự khéo léo rất nhiều. Cảm giác nhìn thành phẩm do chính mình thực hiện thật sự rất tuyệt vời".
Khách tham quan tham gia gói bánh tại lễ hội - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Nhắc đến bánh chưng, bánh giầy, bánh tét là nhắc đến những phong tục, truyền thống thờ cúng tổ tiên, cảm ơn trời đất cho một năm mùa màng bội thu bằng những món ăn được làm từ nếp, xuất phát từ nền văn hóa lúa nước, nông nghiệp lâu đời.
Mỗi dịp Tết đến xuân về, chỉ cần thoáng nghe mùi nếp lan toả từ những chiếc bánh chưng, đòn bánh tét là những người con xa quê bỗng thấy rưng rưng nhớ về nguồn cội, ông bà cha mẹ. Đêm giao thừa, cả gia đình quây quần bên nhau xếp lá, gói bánh, nấu bánh… đã trở thành một hình ảnh thân thương, không thể thiếu trong những ngày Tết cổ truyền.
Không những mang nét đẹp văn hóa đặc trưng của người Việt, các loại bánh làm từ nếp như bánh chưng, bánh tét, bánh dày… còn chứa nhiều giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khoẻ. Nếp có vị ngọt thơm tự nhiên và độ đường rất ít so với gạo, dễ tiêu hoá, tốt cho bao tử.
Phần thịt heo, mỡ heo trong bánh cung cấp lipid và protein, còn nhân đậu cung cấp nhiều vitamin cùng khoáng chất. Chính vì vậy, món ăn này rất tốt cho sức khoẻ của mọi lứa tuổi trong gia đình. Ngoài ra, kỹ thuật gói và luộc bánh tốt sẽ giúp bảo quản được lâu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Một số hình ảnh về các hoạt động khác tại Lễ hội Tết Việt 2020 ngày 5-1, ngày cuối của sự kiện (Ảnh: NGỌC PHƯỢNG):
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận