
Cụ bà Irena Sendler tại Warsaw
Ngày 14-3-2007, khi Quốc hội Ba Lan tôn vinh cụ Irena Sendler là anh hùng dân tộc và đề cử bà làm ứng viên cho giải Nobel hòa bình, không ít người đã ngạc nhiên. Tại sao một nhân vật đã cứu được gấp đôi số người Do Thái trong các vụ thảm sát của Đức quốc xã trước đây so với “bản danh sách Schindler” giờ đây mới được biết đến?
Thật bất ngờ khi việc phát hiện người phụ nữ Ba Lan này lại bắt đầu từ một đề án học trò ở Mỹ.
Mùa thu 1999, thầy Norman Conard của Trường trung học Uniontown (bang Kansas, Mỹ) mời bốn học sinh của trường tình nguyện tham gia một công trình kỷ niệm Ngày lịch sử quốc gia. Đề tài thầy gợi ý rất thú vị: mở rộng biên giới lớp học ra toàn cộng đồng; đóng góp vào việc học lịch sử; giáo dục lòng tôn trọng và sự khoan dung sao cho thể hiện được phương châm của trường khi đó là: “Người nào có thể thay đổi một con người, sẽ thay đổi cả thế giới”.
Từ lớp học bước ra thế giới
Bản danh sách Schindler
|

Cuộc tìm kiếm của các học sinh thật khó khăn. Chỉ có một website nhắc tới cái tên Irena Sendler và những thông tin về người phụ nữ này hết sức khiêm tốn. Họ chỉ biết được bà là người đã cứu 2.500 trẻ em Do Thái khỏi các trại tập trung và chuyển chúng tới những nơi an toàn. Tên tuổi những trẻ em này được bà ghi vào các danh sách bỏ trong những chiếc lọ chôn dưới các cây táo trong vườn. Năm 1943, Irena bị Gestapo bắt, tra tấn. Irena may mắn thoát án tử hình nhờ các thành viên của tổ chức mật mà bà phục vụ đút lót cho quân Đức. Sau chiến tranh, bà đào những chiếc lọ lên và tìm cách đoàn tụ những đứa trẻ lưu lạc với gia đình chúng.
Dựa trên những dữ liệu tìm được này, bốn học sinh Trường Uniontown đã viết một vở kịch về người phụ nữ dũng cảm này tên gọi Sự sống trong chai. Công trình của họ với sự hướng dẫn của thầy Conard đã giành giải nhất trong cuộc thi giữa các trường nhân kỷ niệm Ngày lịch sử quốc gia, còn vở kịch được đưa đi giới thiệu ở nhiều câu lạc bộ, các tổ chức tôn giáo và nhóm công dân trong cộng đồng khắp bang Kansas, rồi nhiều nơi trên đất Mỹ và sang tận châu Âu (cho đến tháng 11- 2006, tổng cộng họ đã biểu diễn 200 lần). Các tác giả được khuyến khích tìm kiếm đoạn kết của câu chuyện: liệu nữ nhân vật Irena Sendler có còn sống và đang ở đâu?
Cho đến lúc đó, cứ mỗi lần đi biểu diễn, các nữ sinh lại mang theo một cái chai để bỏ tiền quyên góp cho “Quĩ ủng hộ Irena và những cứu tinh khác” (đề án cũng mang tên “Sự sống trong chai”). Đề án đặc biệt này dần dần thu hút nhiều sự quan tâm, giúp các học sinh mở rộng các mối quan hệ. Nhờ đó, họ biết được cụ bà Irena Sendler vẫn còn sống và đang ở Warsaw (Ba Lan). Những người quen đề nghị sẽ giúp chuyển quĩ ủng hộ tới bà Irena. Các nữ sinh liền viết thư cho bà và từ đó họ thường xuyên trao đổi thư từ cho nhau. Những dòng thư của bà Irena đã động viên họ rất nhiều: “Vở kịch và công trình của các cháu là sự tiếp nối nỗ lực mà ta đã bắt đầu từ 50 năm trước, các cháu là những cháu gái yêu quí của ta”.
Các nữ sinh cũng tìm được một sinh viên Ba Lan - Anna Karasinska - đang du học tại một trường địa phương và Anna trở thành phiên dịch cho họ. Họ thu thập các lá thư và chia sẻ các tư liệu có được với các trường đại học, các hội lịch sử và Quĩ Do Thái của thành phố New York và Chicago. Các nữ sinh còn được mời đến các chương trình phát thanh, truyền hình; hình ảnh của họ xuất hiện trên các kênh truyền hình CBS, CNN và nhiều bài báo. Họ được mời tới thủ đô Washington biểu diễn trước Quĩ Do Thái ở NewYork và bắt đầu hiểu nhiều hơn về những đề tài như nạn diệt chủng, Chiến tranh thế giới thứ hai và Tổ chức mật Ba Lan. Ít nhất năm trường trung học đã sử dụng các lá thư của họ trao đổi với Irena và tiết mục biểu diễn của họ cho các chương trình học của mình.
Cứu tinh của các cứu tinh
![]() |
Các nữ sinh Uniontown trong vở kịch Sự sống trong chai Ảnh: holocaustandhumanity.org |
Ngày 22-5-2001, thầy Conard và bốn học sinh cùng một số phụ huynh đã bay tới Warsaw. Họ đến nhà của cụ Irena Sendler, mở rộng biên giới lớp học của mình ra khắp thế giới. Tổ chức “Ba Lan vì các trẻ em của nạn diệt chủng” đã mở cuộc gặp đầu tiên giữa những vị cứu tinh và những đứa trẻ sống sót. Trong số những người sống sót, một nhà thơ Ba Lan nổi tiếng từng được bà Irena cứu, tác giả hồi ký nổi tiếng về nạn diệt chủng , đã gọi các học sinh này là “cứu tinh của các cứu tinh”. Các nữ sinh được nghe chính bà Elzbeita Ficowska, một trong những người được Irena cứu khi còn là một bé gái sáu tháng tuổi, kể lại câu chuyện đời mình. Báo chí Ba Lan đưa tin đậm về cuộc gặp gỡ quốc tế này.
Năm 2003, sau khi bộ phim tài liệu Danh sách của Irena Sendler được trình chiếu và đoạt giải thưởng tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế “Lòng nhân đạo cho thế giới” tại Thụy Điển, tất cả các báo khu vực đều viết về người phụ nữ anh hùng khi ấy đã 94 tuổi này. Danh tiếng Irena Sendler lan truyền khắp thế giới. Báo chí Mỹ bình chọn Irena là “Người phụ nữ trong năm” (2003). Tổng thống Ba Lan trao cho bà giải thưởng cao quí nhất: Huân chương Đại bàng trắng (tháng 10-2003). Bà cũng được nhiều tổ chức Do Thái vinh danh, trong đó có danh hiệu “Con người chân chính nhất” của Quĩ Yad Vashem ở Jerusalem, và năm 1991 được phong làm công dân danh dự của Israel. “Diễn đàn những người Do Thái Ba Lan” đã mở cuộc vận động đề cử Irena Sendler vào giải Nobel hòa bình, thu thập được 12.000 chữ ký mà tổ chức này cho là “quá sức mong đợi” của họ. Tổng thống Ba Lan trong cuộc họp Quốc hội ngày 14-3-2007 đã kêu gọi đề cử bà ngay lập tức vào ứng viên giải Nobel hòa bình 2007. Hôm đó, bà cũng được Quốc hội vinh danh là anh hùng dân tộc Ba Lan.
________________________
Tuy nhiên, người phụ nữ nay đã 97 tuổi và đang sống lặng lẽ trong một nhà dưỡng lão ở Warsaw này chưa bao giờ nghĩ bà là một anh hùng. Bà hối tiếc: “Lẽ ra tôi đã có thể cứu được nhiều hơn. Niềm hối tiếc này còn theo tôi đến khi tôi chết”.
Kỳ tới:Một người có thể thay đổi thế giới
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận