Ông Vương Tuấn Dương, phó giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, cho rằng cần phải có một quy trình cổ phần hóa gồm công bố thông tin, về bản cáo bạch… - Ảnh: NGUYỄN NAM
Phát biểu tại hội thảo cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước - góc nhìn chuyên gia tổ chức hôm 12-6, các chuyên gia kiến nghị một loạt giải pháp nhằm cải thiện quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Cần có bản cáo bạch bằng tiếng Anh và minh bạch thông tin
Ông Vương Tuấn Dương, phó giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, cho rằng cần phải có một quy trình cổ phần hóa gồm công bố thông tin, về bản cáo bạch.
Dẫn chứng bằng một câu chuyện bất cập trong bán vốn nhà nước, ông Dương kể một nhà đầu tư nói rằng cách đây vài năm rất muốn rót vốn vào một công ty khi doanh nghiệp đó cổ phần hóa.
"Nhưng thật đáng tiếc, công ty đó không có bản cáo bạch bằng tiếng Anh. Đặc biệt, nhà đầu tư không thể gặp được ban lãnh đạo của công ty đó. Thời gian từ khi công ty công bố thông tin đến khi đấu giá không rõ ràng và rất ngắn gọn, ít thời gian cho nhà đầu tư phân tích thông tin" - ông Dương nói.
Liên quan đến việc minh bạch hóa thông tin, bảo đảm cho công chúng và thị trường có được thông tin đầy đủ, kịp thời, ông Dương nhấn mạnh một trong những vấn đề cần được cải thiện hiện nay là công tác thông tin đến công chúng.
"Theo định kỳ sáu tháng hoặc ít nhất là hằng năm, Chính phủ nên cung cấp cho báo chí, cộng đồng nhà đầu tư những thông tin cơ bản về kế hoạch cổ phần hóa/thoái vốn cho giai đoạn vừa qua; những thành quả đạt được và các biện pháp khắc phục khi không đạt kế hoạch" - ông Dương đề xuất.
Mặt khác, ông Dương khuyến nghị nên bám sát kế hoạch cổ phần hóa dù thị trường có thay đổi. Chẳng hạn, mục tiêu cổ phần hóa 150 doanh nghiệp trong năm nay, "nhưng vì thị trường sụt giảm mà dừng lại chỉ cổ phần hóa 15-20 doanh nghiệp là không nên".
Đặc biệt với các thương vụ lớn, theo ông Dương, Chính phủ nên có kế hoạch kỹ càng và thực hiện từng bước, tránh gây ra tình trạng thị trường không hấp thu kịp.
Chọn cổ đông chiến lược mà không bán cố lấy giá cao
Từ thực tiễn bán vốn nhà nước tại các công ty cổ phần, ông Lê Song Lai, phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, đánh giá hiện nay vẫn đang lúng túng trong việc tối đa hóa số tiền thu về cho Nhà nước với việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược giúp phát triển doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Trọng Dũng, phó trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, cho rằng nếu mục tiêu chỉ để thu được tiền tức là giá càng cao càng tốt thì dễ, nhưng cần phải hướng đến mục tiêu dài hạn hơn, trong đó có vấn đề "Nhà nước có thể phải giữ lại một tỉ lệ nhất định không phải là 31%, mà là 36% để có tiếng nói phủ quyết cuối cùng".
Ông Dũng nói thêm trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, Nhà nước không nên chỉ đặt mục tiêu vì tiền, mà cần chú ý đến các tiêu chí khác như vấn đề an sinh xã hội, giữ gìn thương hiệu quốc gia, an ninh, quốc phòng. Nói cách khác thì bên cạnh đó, tiêu chí xác định cổ đông chiến lược cần phải gắn kết lâu dài với doanh nghiệp "chứ không chỉ có tiền không".
Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung, Đại học quốc tế RMIT Việt Nam, khẳng định nhà đầu tư chiến lược có vai trò rất quan trọng với sự phát triển của doanh nghiệp. Do đó, theo ông Trung, doanh nghiệp cần phải có cách tiếp cận linh hoạt trong việc chọn nhà đầu tư.
Theo thông lệ quốc tế, sẽ tùy vào từng trường hợp, đặc biệt với doanh nghiệp lớn có giá trị trên 1 tỉ USD, ông Trung khuyên cần khéo léo chọn nhà đầu tư chiến lược, dựa vào hồ sơ, lịch sử, cam kết chứ không nên chỉ chọn giá.
"Nếu chạy theo giá cao thì đâu biết 3 năm họ làm mất thương hiệu của mình thì sao?" - ông Trung đặt vấn đề.
Để chọn trúng nhà đầu tư chiến lược, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng Chính phủ cần đánh giá lịch sử hoạt động của nhà đầu tư qua kết quả phát triển kinh doanh dựa trên thương hiệu bản địa trong quá khứ.
Chẳng hạn, theo ông Long, tỉ lệ doanh thu của công ty đến từ thương hiệu bản địa đã mua lại.
Bên cạnh đó, để đảm bảo có thể thúc đẩy, mở rộng thị trường cho sản phẩm, nhà đầu tư chiến lược cũng cần có kinh nghiệm dày dạn ở thị trường Việt Nam, đảm bảo có thể kế thừa và phát triển tốt các sản phẩm của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, thoái vốn.
Cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước rất chậm
Theo Bộ Tài chính, trong 5 tháng qua có 5 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 8.752 tỉ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 2.644 tỉ đồng.
Theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp.
Như vậy, việc triển khai cổ phần hóa là còn rất chậm, có khả năng không đạt được số lượng theo kế hoạch.
Về tình hình thoái vốn, theo quyết định của Thủ tướng, năm 2018 có 181 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn, tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2018 mới có 1 đơn vị thuộc danh sách thoái vốn. Như vậy, việc triển khai thoái vốn nhà nước đang rất chậm.
Để quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước hỗ trợ tốt hơn nữa cho mục tiêu cải thiện chất lượng quản trị tại doanh nghiệp, PGS.TS Ngô Trí Long gợi ý nhà nước phải tạo môi trường để các nhà đầu tư này tham gia tích cực hơn vào quá trình điều hành hoạt động của doanh nghiệp.
Mặt khác, cũng cần có cơ chế cho phép nhà đầu tư chiến lược nắm giữ được một lượng cổ phần đủ lớn để có thể tạo ra sự ảnh hưởng có ý nghĩa tới hoạt động của doanh nghiệp.
Có như vậy mới có thể tận dụng được các lợi thế của nhà đầu tư, cải thiện sản xuất kinh doanh, tiết kiệm chi phí nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp sau cổ phần hóa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận