10/07/2015 14:25 GMT+7

Bàn về quyền nhân thân: Nóng với chuyện chuyển giới!

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Nhiều ý kiến đề nghị luật công nhận quyền chuyển giới bởi đó không phải là đua đòi, phong trào, nhưng có quan điểm cho rằng nhiều người nhầm lẫn giữa xác định lại giới tính và chuyển giới.

Bạn Nguyễn Hữu Toàn tham gia tại buổi hội thảo - Ảnh: Hoàng Điệp

Quyền riêng tư của con người, hình ảnh của trẻ em được bảo vệ thế nào; Người khuyết tật bị kỳ thị trong vấn đề y tế hay luật nên quy định về việc chuyển đổi giới tính là những vấn đề được bàn luận tại hội nghị tham vấn “Hoàn thiện các quy định của pháp luật về quyền nhân thân, trong dự thảo Bộ Luật Dân sự sửa đổi”.

Hội nghị do Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức ngày 10-7 tại TP.HCM.

Nhiều bạn đã chết sau khi sang Thái Lan chuyển giới

Bật khóc khi nhắc đến những khó khăn của mình cũng như những người bạn đã chuyển đổi giới tính nhưng không được công nhận ở Việt Nam, bạn Nguyễn Hữu Toàn (người được sinh ra giới tính là nam và đã qua Thái Lan phẫu thuật chuyển giới) thuyết phục những đại biểu trong hội nghị đưa quyền chuyển đổi giới tính vào luật.

Theo lời Toàn, bản thân bạn sinh ra là con trai nhưng sau khi đủ nhận thức để biết rằng mình là nữ, Toàn đã quyết định chuyển đổi giới tính dù khi đó chưa được gia đình đồng ý.

“Chúng con không có tội gì, con không đua đòi để được chuyển đổi giới tính mà bởi tạo hóa đã sắp đặt nhầm lẫn cho con. Khó khăn lắm chúng con mới đủ tiền để phẫu thuật nhưng khi trở về VN thì chúng con bị coi như những tên tội phạm. 

Con phải sống chui sống nhủi, muốn làm gì cũng phải nhờ người khác làm giùm.Chúng con có công việc, có thu nhập và chúng con không làm gì ảnh hưởng đến xã hội”, Toàn phát biểu.

Phản đối lại luồng ý kiến cho rằng nhiều người chuyển đổi giới tính là bởi phong trào và có người trục lợi vì điều đó, Toàn nói: “Những ai chưa từng sống bằng đời sống của chúng con thì đừng phán xét như vậy, bởi chúng con phải chịu đau đớn vô cùng và không ít bạn bè con sau khi phẫu thuật từ Thái Lan về đã thiệt mạng do không được chăm sóc hậu phẫu.

Thậm chí, khi các bạn con bị biến chứng từ ca phẫu thuật, khi đến cơ sở y tế người ta từ chối khám chữa và khuyên tụi con sang Thái Lan.

Từ VN sang Thái Lan thì xa, chưa sang tới nơi thì bạn con đã chết. Đã có gần 10 bạn chết trên tay con rồi”, Toàn bật khóc nức nở giữa hội nghị, tha thiết đề nghị các nhà làm luật công nhận việc chuyển đổi giới tính trong luật.

Cùng quan điểm với Toàn, chị Ái Nhi (ngụ tỉnh Bình Dương), một người mẹ có con là người chuyển đổi giới tính từ nữ sang nam cho rằng hiện tại xã hội kỳ thị những người đồng tính, song tính và chuyển giới.

Sau khi tìm hiểu tâm sự của con và bạn bè của con, chị và những người thân trong gia đình của mình đã thay đổi suy nghĩ và cảm thấy thật hạnh phúc khi thấy con hạnh phúc.

“Con tôi phẫu thuật và tôi thấy nó đủ mạnh mẽ để bảo vệ người phụ nữ mà nó yêu thương. Vì sự kỳ thị của xã hội mà nhiều gia đình có con đồng tính đã rất bất hạnh khi họ chưa hiểu hết về chính đứa con mình”, chị Nhi cũng tha thiết đề nghị nên đưa quyền chuyển đổi giới tính vào luật.

Chị Ái Nhi đề nghị nên công nhận việc chuyển đổi giới tính - Ảnh: Hoàng Điệp

Cần phải cân nhắc

Trước đó, phát biểu về việc có nên quy định quyền chuyển đổi giới tính vào Bộ Luật dân sự hay không, có ý kiến cho rằng thực tế việc công nhận quyền chuyển đổi giới tính ở các nước trên thế giới quy định chặt chẽ và ngặt nghèo.

Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp kể rằng ông đi Mỹ đúng vào thời điểm một bang công nhận quyền được kết hôn của những người đồng tính.

Tuy nhiên, bang này cũng chỉ mới cho phép quyền kết hôn của đồng tính nam chứ chưa công nhận hôn nhân của đồng tính nữ.  

“Một đất nước nhiều tự do như Mỹ nhưng khi quyết định một việc họ cũng rất thận trọng, và thực tế, sau khi một bang công nhận việc kết hôn đồng tính thì có rất nhiều người phản đối nên mới có việc chờ phán quyết của tòa tối cao ở Mỹ”. Ông Thảo nói.

Còn ông Nguyễn Văn Mạnh, vụ Pháp luật của Văn phòng Chính phủ thì cho rằng hiện tại Luật pháp Việt Nam đã công nhận việc xác định lại giới tính nếu có sai sót về mặt sinh học. Theo ông Mạnh, hiện nay nhiều người nhầm lẫn giữa việc xác định giới tính và chuyển giới.

Ông Mạnh cho rằng việc cho phép chuyển đổi giới tính hay không thì cần phải cân nhắc bởi không phải quốc gia nào thừa nhận việc phẫu thuật chuyển giới thì cũng công nhận quyền kết hôn của những người này.

Hơn nữa, nghiên cứu cũng cho thấy việc phẫu thuật chuyển đổi giới tính sẽ làm giảm sút sức khỏe của người được phẫu thuật.

“Vậy có phải sức khỏe của họ họ muốn làm gì thì làm?” ông Mạnh đặt câu hỏi và nêu quan điểm rằng: “Tôi vẫn cho rằng không nên công nhận quyền chuyển đổi giới tính!”.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên