14/11/2010 03:00 GMT+7

Bạn trẻ Việt còn thiếu kỹ năng sống

CÔNG NHẬT ghi
CÔNG NHẬT ghi

TT - Kenji Kato (24 tuổi, người Nhật, du học sinh tại TP.HCM) Sinh sống và học tập khá lâu tại TP.HCM, tôi có vài suy nghĩ về giới trẻ tại đây như sau:

5jcXbN2u.jpgPhóng to

Kenji (bìa trái) trong một chuyến dã ngoại cùng bạn bè tại VN - Ảnh do nhân vật cung cấp

Thân thiện

Tôi có thể dễ dàng bắt chuyện, nhờ họ giảng bài và sau đó chúng tôi đi cà phê, trở thành những người bạn thật sự... dẫu trước đó hai bên chưa từng quen nhau. Điều này rất khó xảy ra tại Nhật Bản. Nếu bạn hỏi một chuyện gì đó (dù là đơn giản) thì sẽ có hai trường hợp xảy ra: hoặc họ không trả lời, hoặc họ trả lời và sau đó chấm dứt. Mọi thứ diễn ra khá lạnh lùng và vô cảm.

“Vô tư” tại nơi công cộng

Có thể điều này không xảy ra với tất cả giới trẻ Việt, nhưng tôi đã gặp rất nhiều bạn trẻ ăn to, nói lớn và đứng ngồi chiếm hết lối đi ở những nơi công cộng. Khi nhận được những cái cau mày, họ thường đáp trả bằng ánh mắt thách thức như sẵn sàng gây hấn. Tôi không phủ nhận giới trẻ Nhật cũng có những trường hợp “vô tư” tương tự, nhưng hầu hết sẽ lẳng lặng bỏ đi khi được góp ý chứ không phản ứng tiêu cực như trên.

Không quan tâm nhiều đến “văn hóa đi bộ”

Ở Nhật Bản, chúng tôi thường xuyên đi bộ đến trường học, chỗ làm... điều này vừa có lợi cho sức khỏe vừa là phương pháp hoàn hảo để gìn giữ môi trường. Nếu để ý, các bạn sẽ thấy chúng tôi đi bộ rất nhanh và hiếm khi trò chuyện với nhau, bởi chúng tôi xác định rất rõ mục đích của từng hoạt động, “giờ nào việc đó”. Đi bộ là đi bộ, còn trò chuyện thì lúc khác. Trong khi ở VN thì cả khi đi bộ hay đi xe máy mọi người hay tranh thủ trò chuyện, đùa giỡn với nhau. Đường phố của các bạn đã quá đỗi đông đúc và có nhiều vấn đề, những hành động trên của các bạn sẽ càng gây nguy hiểm cho chính bản thân mình lẫn người khác.

Vừa thiếu vừa thừa sự quan tâm của người lớn

Tôi nhận thấy trẻ em ở những gia đình khá giả hầu hết đều bị béo phì, và thật ngạc nhiên khi điều này không khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng. Quan điểm “ăn được, ngủ được là tiên” không sai, nhưng nó chỉ đúng trong một chừng mực nhất định. Phụ huynh ở VN cũng can thiệp quá nhiều vào suy nghĩ, việc học hành của con cái... Điều này khiến khoảng cách thế hệ ngày càng xa. Chợt nhớ thời gian trước đây Nhật Bản từng rơi vào tình trạng tương tự, để rồi những bữa cơm ấm áp trong gia đình giờ chỉ là mơ ước xa vời của người dân đất nước chúng tôi. Đáng lo hơn khi đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến tỉ lệ tự tử trong giới trẻ ở Nhật luôn nằm trong tốp cao nhất thế giới.

Thiếu những kỹ năng cơ bản

Tôi thật bất ngờ khi biết rất nhiều người bạn Việt của mình không biết bơi hoặc không biết những kỹ năng cơ bản để ứng phó với thiên tai như sóng thần, động đất...

Ở Nhật Bản, tất cả các trường đều có hồ bơi, một số trường ở vùng sâu vùng xa không đủ điều kiện về cơ sở vật chất thì học sinh cũng được tạo điều kiện đi học bơi (bắt buộc). Đất nước chúng tôi có số lượng trận động đất cao hàng đầu thế giới, tuy vậy tỉ lệ thương vong do nguyên nhân này khá thấp bởi chúng tôi được dạy các cách tránh động đất từ lúc còn rất nhỏ (ở trường mẫu giáo hoặc cấp I).

Bên cạnh những kỹ năng “cứng” và “mềm”, chúng tôi cũng được giáo dục rằng kỹ năng để giúp bản thân thoát hiểm trong tình huống nguy cấp rất quan trọng. Bởi khi không đủ sức giữ mạng sống của chính bản thân thì mình sẽ chẳng thể giữ được bất kỳ điều gì khác...

Thành phố của các bạn trước giờ vốn không bị ảnh hưởng nhiều bởi thiên tai... nhưng điều đó không có nghĩa thiên tai không bao giờ xảy ra. Sẽ rất nguy hiểm nếu ai cũng dửng dưng, thờ ơ với điều này. Báo chí gần đây có nhắc về việc TP.HCM sẽ là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất trước việc biến đổi khí hậu, và chẳng ai biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai gần...

CÔNG NHẬT ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên