02/09/2021 06:53 GMT+7

Bản tin sáng 2-9: Bộ Y tế 'nhắc' đẩy nhanh tiêm chủng; nhiều tỉnh thành tiếp tục giãn cách

TUỔI TRẺ ONLINE
TUỔI TRẺ ONLINE

TTO - Bộ Y tế vừa có công văn gửi các tỉnh thành TP.HCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương báo cáo ngay tiến độ và kết quả tiêm chủng đến ngày 2-9, nêu rõ số lượng tiêm 1 mũi, 2 mũi và số tiêm so với số vắc xin đã phân bổ.

Bản tin sáng 2-9: Bộ Y tế nhắc đẩy nhanh tiêm chủng; nhiều tỉnh thành tiếp tục giãn cách - Ảnh 1.

Cán bộ Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia hỗ trợ Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm tại Thanh Xuân, khu vực dịch nóng nhất hiện nay của Hà Nội - Ảnh: Q.T.

Bộ Y tế vừa có công văn gửi các tỉnh thành TP.HCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương đề nghị báo cáo ngay tiến độ và kết quả tiêm chủng đến ngày 2-9, nêu rõ số lượng tiêm 1 mũi, 2 mũi và số tiêm so với số vắc xin đã phân bổ để làm cơ sở cho các đợt phân bổ vắc xin kế tiếp.

Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 31-8, TP.HCM được phân bổ 9.115.690 liều vắc xin COVID-19, Bình Dương 2.369.650 liều, Long An 1.652.180 liều, Đồng Nai 1.799.090 liều. Long An và Đồng Nai đủ tiêm mũi 1 cho 80% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Bộ Y tế đề nghị các tỉnh thành tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, tổ chức tiêm tại nhiều cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động. Theo Bộ Y tế, cả nước đã tiêm 20.582.000 liều, trong khi đến 1-9 đã tiếp nhận khoảng 29,5 triệu liều vắc xin.

TP.HCM: Phát hiện làm giấy đi đường giả để lưu thông trên đường

Sở Công thương TP.HCM đang phối hợp với lực lượng liên ngành, doanh nghiệp, đơn vị quản lý shipper theo dõi việc hoạt động, nhất là khâu giao nhận hàng hóa tiêu dùng thiết yếu của shipper đến người dân.

Thông qua công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng CSGT TP.HCM đã phát hiện một số trường hợp sử dụng giấy đi đường không đúng nhóm đối tượng được phép lưu thông, hoặc làm giấy đi đường giả để lưu thông trên đường.

Đối với các trường hợp người dân sử dụng giấy đi đường không đúng nhóm đối tượng được phép lưu thông, lực lượng chức năng sẽ lập biên bản xử lý theo nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong y tế, đồng thời thu hồi giấy đi đường. 

Đối với các đối tượng làm hoặc sử dụng giấy đi đường giả, lực lượng chức năng sẽ lập hồ sơ bàn giao cho cơ quan CSĐT để xử lý theo quy định.

Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết Bộ Y tế vừa quyết định cấp cho thành phố thêm 2 loại vắc xin AstraZeneca và Pfizer với tổng số 1.960.000 liều. Hai loại vắc xin này sẽ được dùng để tiêm mũi 2 cho người đã đủ thời gian tiêm theo khuyến cáo.

Bản tin sáng 2-9: Bộ Y tế nhắc đẩy nhanh tiêm chủng; nhiều tỉnh thành tiếp tục giãn cách - Ảnh 2.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Nhiều tỉnh thành gia hạn giãn cách xã hội

Đồng Nai tiếp tục giãn cách xã hội trên toàn tỉnh 15 ngày theo chỉ thị 16. Đợt này, mỗi hộ dân chỉ được phát phiếu đi chợ 1 lần/tuần. Hiện Đồng Nai có trên 23.000 ca COVID-19 và 194 ca tử vong, tỉnh tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội 15 ngày đến hết ngày 15-9.

Kiên Giang thông báo tiếp tục kéo dài giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 thêm 5 ngày, tới hết ngày 6-9. Tính đến 19h ngày 30-8, tỉnh này có 1.523 ca COVID-19. Dự kiến sau ngày 6-9, Kiên Giang sẽ căn cứ kết quả xét nghiệm diện rộng để áp dụng quy định giãn cách phù hợp.

Bến Tre sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 từ ngày 30-8 đến 10-9. Tính đến 6h ngày 31-8, Bến Tre có thêm 11 ca COVID-19, nâng tổng số ca mắc trong toàn tỉnh là 1.751 ca. Trong đó, có 1.214 ca xuất viện, 42 ca tử vong.

Tiền Giang có gần 10.000 ca mắc COVID-19, quyết định tiếp tục giãn cách xã hội từ ngày 31-8 đến hết ngày 15-9 theo chỉ thị số 16 với thành phố Mỹ Tho, huyện Chợ Gạo, Châu Thành, Cái Bè, Gò Công Đông, thị xã Cai Lậy, thị xã Gò Công. Bốn huyện còn lại gồm huyện Cai Lậy, Gò Công Tây, Tân Phước và Tân Phú Đông áp dụng chỉ thị số 15.

Trà Vinh có 1.326 ca COVID-19, quyết định giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 kể từ ngày 31-8.

Khuya 30-8, huyện biên giới Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước thông báo tiếp tục giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 thêm 7 ngày, từ 0h ngày 31-8 đến 6h ngày 7-9. Lộc Ninh có tổng số ca mắc COVID-19 trong toàn huyện đến nay là 55 ca. Hiện tại có 17 ca khỏi bệnh và 38 ca đang điều trị.

Long An tiếp tục giãn cách theo chỉ thị 16 thời gian 7 ngày (đến hết ngày 6-9) ở các địa phương "vùng xanh" và 14 ngày (đến hết ngày 13-9) đối với các địa phương "vùng đỏ", "vùng cam", "vùng vàng" (TP Tân An và các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Châu Thành, Thủ Thừa, Cần Đước, Tân Trụ).

Tây Ninh tiếp tục giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 thêm 14 ngày (từ 0h ngày 30-8), khi kết quả tổng xét nghiệm sàng lọc COVID-19 những ngày qua cho thấy tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.

Bình Dương cho biết tiếp tục kéo dài giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 đến ngày 15-9. Một số "vùng đỏ" tại Thuận An, Tân Uyên và Dĩ An đang "khóa chặt, đông cứng" thực hiện chỉ thị 16 tăng cường.

Bắc Ninh quyết định tiếp tục giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 toàn huyện Lương Tài thêm 7 ngày từ 0h ngày 29-8 nhằm kiểm soát triệt để, khống chế, đẩy lùi dịch bệnh.

Khánh Hòa yêu cầu TP Nha Trang và huyện Vạn Ninh tiếp tục giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 trong 14 ngày tiếp theo kể từ ngày 25-8. Cam Ranh, Cam Lâm, Diên Khánh, Ninh Hòa giãn cách theo chỉ thị 15 bổ sung, nâng cao; Khánh Sơn và Khánh Vĩnh thực hiện theo chỉ thị 19.

Bình Định tiếp tục giãn cách xã hội toàn tỉnh theo chỉ thị 15, một số địa phương áp dụng giãn cách theo chỉ thị 16 và thực hiện phong tỏa toàn diện phường Đập Đá (thị xã An Nhơn), xã Cát Tường, Cát Hưng, Cát Hải, Cát Thắng và thị trấn Cát Tiến (huyện Phù Cát).

Hiện TP.HCM đang thực hiện xét nghiệm trên diện rộng đợt 2. Qua báo cáo sáng 1-9 của các địa phương, tỉ lệ ca dương tính từ 3,6% trong tổng số mẫu được lấy đã giảm xuống dưới 2%.

Tại Hà Nội, tới ngày 6-9 Hà Nội mới kết thúc đợt giãn cách thứ 3 theo chỉ thị 16, nhưng đã có những ý kiến cho biết có thể đề nghị Hà Nội giãn cách thêm 7 ngày. Tối 1-9, Hà Nội đã đưa gần 1.200 người sống tại ngõ 328 và 330 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân Trung đi cách ly tập trung. 

Hiện Hà Nội đang tiếp tục mở rộng lấy mẫu xét nghiệm. Trong 2 ngày 1 và 2-9, Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia đã cử 100 cán bộ hỗ trợ lấy 17.000 mẫu xét nghiệm tại quận Thanh Xuân, là vùng dịch nóng nhất của Hà Nội hiện nay.

WHO mở trung tâm cảnh báo sớm đại dịch tại châu Âu

Ngày 1-9, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khai trương Trung tâm Cảnh báo sớm đại dịch tại thủ đô Berlin, Đức. Mục đích nhằm tăng cường cung cấp thông tin kịp thời, chính xác các bệnh truyền nhiễm tiềm ẩn cũng như nguy cơ xảy ra đại dịch để các chính phủ có thể phản ứng một cách nhanh chóng, hiệu quả ngay từ giai đoạn đầu.

Các thông tin được thu thập bao gồm các dịch bệnh ở động vật, bệnh bất thường ở người, những thay đổi hành vi của con người, hệ quả của biến đổi khí hậu và dịch chuyển dân số,… Những thông tin này được thu thập từ khắp thế giới và đánh giá bằng trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện các đại dịch tiềm tàng.

Chính phủ Đức đã cung cấp 30 triệu euro (35 triệu USD) để tài trợ cho trung tâm cảnh báo sớm và sẵn sàng hỗ trợ nhân lực, cơ sở thực nghiệm, theo WHO.

Cũng tại châu Âu, trong nỗ lực tăng sức ép lên nhóm chưa tiêm vắc xin COVID-19, Chính phủ Ý đã mở rộng phạm vi áp dụng chứng chỉ an toàn Green Pass. Theo đó, kể từ ngày 1-9, hành khách đi tàu cao tốc, máy bay hoặc xe buýt liên khu vực sẽ phải chứng minh đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin.

Green Pass là một chứng chỉ giấy hoặc kỹ thuật số thể hiện tình trạng tiêm chủng của một người như số liều đã tiêm, kết quả xét nghiệm. Những người đã mắc COVID-19 và khỏi bệnh cũng có thể đăng ký Green Pass.

Khoảng 70% dân số trên 12 tuổi của Ý đã được tiêm phòng đầy đủ và đại đa số mọi người ủng hộ việc tiêm chủng cũng như sử dụng Green Pass, theo Hãng thông tấn AFP.

Ontario, tỉnh đông dân nhất Canada, cũng chuẩn bị các thủ tục yêu cầu người đến phòng gym, rạp hát, nhà hàng ở không gian trong nhà, các trung tâm tổ chức tiệc cưới, hội trường,… chứng minh đã được tiêm vắc xin.

Quy định mới bắt đầu áp dụng từ ngày 22-9 tới và sẽ có hình phạt dành cho cá nhân lẫn doanh nghiệp không tuân thủ nhưng miễn trừ cho những người thuộc diện hoãn tiêm vì lý do y tế.

Liên quan chiến dịch tiêm chủng, tờ Cubadebate của Cuba cho biết nước này chuẩn bị tiêm vắc xin COVID-19 diện rộng cho trẻ em trong tháng 9 này.

Theo đó, trẻ trong độ tuổi từ 2 đến dưới 18 tuổi sẽ được tiêm ít nhất 2 liều vắc xin Soberana-2 do Cuba phát triển. Việc tiêm chủng sẽ bắt đầu từ ngày 3-9 tới tại hàng ngàn phòng khám, trung tâm tiêm chủng trên khắp Cuba.

Việc tiêm chủng cho dân số trưởng thành chủ yếu sử dụng vắc xin Abdala cũng do Cuba tự nghiên cứu và sản xuất trong nước. Khoảng 50% trong tổng số 11,3 triệu dân Cuba đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin, trong đó 3,5 triệu người đã tiêm đầy đủ các liều theo quy định.

BẢO DUY

Ấn Độ tiêm vắc xin COVID-19 công nghệ DNA cho thiếu niên Ấn Độ tiêm vắc xin COVID-19 công nghệ DNA cho thiếu niên

TTO - Ấn Độ dự kiến bắt đầu tiêm ngừa cho 120 triệu thanh thiếu niên tuổi từ 12 đến 18 bằng vắc xin công nghệ DNA đầu tiên trên thế giới mà nước này phát triển, trong khi các trường học Ấn Độ đang dần mở cửa trở lại.

TUỔI TRẺ ONLINE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên