01/06/2018 15:54 GMT+7

Bán tài khoản và thẻ ngân hàng: nguy cơ tiếp tay cho tội phạm

A.HỒNG
A.HỒNG

TTO - Các chuyên gia khuyến cáo những người cho mượn giấy tờ đi mở tài khoản và thẻ ngân hàng rồi bán lại nếu không khéo sẽ là tiếp tay cho tội phạm.

Bán tài khoản và thẻ ngân hàng: nguy cơ tiếp tay cho tội phạm - Ảnh 1.

Ông Huỳnh Bửu Quang, Tổng giám đốc Ngân hàng Hàng hải (Maritime Bank), cho biết các đối tượng thuê người đứng tên mở thẻ ATM với mục đích dùng tài khoản mua được để nhận tiền trong các giao dịch lừa đảo.

Do sim được sử dụng đăng ký với ngân hàng là sim rác nên sau khi thực hiện trót lọt các phi vụ lừa đảo, kẻ lừa đảo bỏ luôn sim để xóa dấu tích. Người cho thuê tên mở tài khoản và thẻ cũng không biết có giao dịch xảy ra vì không nhận được thông báo biến động số dư.

"Chỉ vì ham số tiền nhỏ nhưng người cho thuê tên mở thẻ, tài khoản phải đối mặt với những rắc rối về pháp lý khi cơ quan công an điều tra những vụ lừa đảo" - ông Quang nói.

Theo các chuyên gia, việc cho mượn tên, giấy tờ để làm thẻ, mở tài khoản hiểu theo góc độ nào đó cũng là một hình thức tiếp tay cho đối tượng lừa đảo, vì tài khoản mua được trở thành phương tiện cho các đối tượng lừa đảo nhận tiền của các phi vụ lừa đảo.

Quy trình mở và sử dụng tài khoản

NH phải gặp trực tiếp khách hàng, kiểm tra, đối chiếu hồ sơ mở tài khoản đầy đủ và hợp lệ so với bản chính hoặc bản sao có công chứng CMND/CCCD trước khi ký kết hợp đồng mở thẻ, tài khoản. NH cũng phải xác minh đầy đủ thông tin nhận diện khách hàng theo quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền.

Bán tài khoản và thẻ ngân hàng: nguy cơ tiếp tay cho tội phạm - Ảnh 2.

Đồng thời, chủ thẻ, chủ tài khoản phải được tư vấn rõ và ký cam kết về việc sử dụng tài khoản theo đúng điều kiện, điều khoản của ngân hàng và quy định của pháp luật trên hợp đồng tại thời điểm mở.

Những cuộc gọi giữa trưa...

Hình thức lừa đảo điển hình để yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản được tội phạm chỉ định đã xảy ra thời gian qua:

Ông N. (TP.HCM) ngày nọ bất ngờ nhận được điện thoại qua số máy bàn. Đầu dây bên kia xưng là người của bưu điện, thông báo ông có một thư bảo đảm nhưng bưu điện phát thư nhiều lần cho ông không được. Nếu muốn biết thêm chi tiết yêu cầu bấm số 9.

Sau khi bấm số 9 theo hướng dẫn, ông được nghe giọng một người nói rằng do phát thư nhiều lần cho ông không được nên thư đó đã bị hủy, chỉ còn lưu lại nội dung trên hệ thống máy tính. 

Nội dung thư là ông đã bị kẻ gian lợi dụng số CMND của ông để mở tài khoản thẻ tín dụng tại ngân hàng có trụ sở ở Hà Nội. Hiện tài khoản thẻ tín dụng đã bị kẻ gian xài hơn 16 triệu đồng và ngân hàng đã ghi nợ cho ông số tiền này.

"Nghe thông báo như vậy tôi rất lo. Chưa kể người kia còn nói chuyển điện thoại cho tôi nói chuyện với cơ quan công an. Nhưng lúc đó là hơn 12h trưa, tôi sực nhớ ra cơ quan công an không làm việc giờ này nên nói họ cung cấp thông tin cụ thể hơn để tôi nhờ cơ quan báo chí xác minh. Nghe đến đây thì họ cúp điện thoại" - ông N. thuật lại. Sau đó ông N. đến ngân hàng trực tiếp xác minh, nếu có số tài khoản này thì nhờ ngân hàng xóa bỏ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Sacombank cho biết đó là chiêu lừa của tội phạm thẻ. Dù đã diễn ra nhiều lần nhưng nhiều trường hợp mất cảnh giác vẫn chuyển tiền vào tài khoản của tội phạm và bị rút hết tiền, sau đó mới đến trình báo ngân hàng.

'Bán' tài khoản ngân hàng và chiếc bẫy không ngờ

TTO - Bán mỗi tài khoản ngân hàng và thẻ ATM được 200.000 đồng, nhưng hệ quả sẽ lớn hơn gấp bội nếu rơi vào chiếc bẫy lừa "lấy mỡ rán mỡ" được giăng ra.

A.HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên