29/10/2014 10:11 GMT+7

​Bản sắc và một “sự thất bại về văn hóa”

QUANG THI
QUANG THI

TT - Ngày 28-10, Trường đại học Văn Lang đã phối hợp cùng Hội Mỹ thuật TP.HCM tổ chức hội thảo Mỹ thuật ứng dụng trên đường tìm về bản sắc Việt.

Áo dài được xem là thiết kế thành công về bản sắc truyền thống và hiện đại, đã trở thành biểu tượng văn hóa dân tộc hôm nay - Ảnh: T.T.D.
Áo dài được xem là thiết kế thành công về bản sắc truyền thống và hiện đại, đã trở thành biểu tượng văn hóa dân tộc hôm nay - Ảnh: T.T.D.

Họa sĩ Phan Quân Dũng của Đại học Văn Lang mở đầu bằng câu chuyện về một người bạn Thụy Điển có thói quen đi nước nào cũng mua vài món nghệ thuật đặc trưng cho quốc gia đó. Khi anh hỏi người bạn tại sao trong bộ sưu tập đó không có sản phẩm nào của Việt Nam, người bạn này ngập ngừng nói rằng anh chưa tìm thấy món nghệ thuật nào đặc trưng cho Việt Nam cả (!).

Quả thật, sự nhợt nhạt hay thất tán bản sắc văn hóa trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ đang là mối lo lắng của nhiều họa sĩ, nhà văn hóa. Các đại biểu dẫn ra các ví dụ như thổ cẩm Tây Bắc cách đây hơn 10 năm rất đẹp.

Nhưng bây giờ các thợ thủ công không xe sợi, nhuộm màu... tự nhiên như trước kia nữa mà thay thế bằng những sợi vải nhuộm công nghiệp rất thường. Hay những làng sơn mài Bình Dương đã bỏ cách làm sơn ta truyền thống để làm lối sơn Tây tiện lợi, dẫn đến nguy cơ thất truyền các kỹ thuật của cha ông...

Lấy làng nghề gốm Bát Tràng trải qua ít nhất 700 năm tuổi nghề là ví dụ, họa sĩ - nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nhận xét đây là “điển hình” của sự đánh mất bản sắc bởi sự ảnh hưởng bởi những mẫu mã, kỹ thuật bên ngoài: “Trong cơ chế thị trường, do ảnh hưởng kiểu dáng, men màu và thẩm mỹ bên ngoài, bản sắc Bát Tràng bị phai mờ nghiêm trọng. Người ta không tìm thấy cái gì là truyền thống ở đây nữa”.

Các đại biểu tiếp tục dẫn ra thực trạng: sáng tác thủ công mỹ nghệ phụ thuộc nhiều điển tích Trung Hoa. Trong khi sử Việt cũng có những anh hùng như Hai Bà Trưng, thánh Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ... nhưng bị bỏ khuyết. Họa sĩ Phan Cẩm Thượng gọi chung cho hiện trạng thiếu bản sắc của các sản phẩm văn hóa, thủ công mỹ nghệ hiện nay là một sự “thất bại về văn hóa”.

Nhà nghiên cứu, phê bình Nguyễn Quân cho rằng nạn sao chép, nhái tràn lan các môtíp hoa văn, chủ đề, kiểu dáng mỹ thuật bên ngoài trong đồ mỹ thuật thủ công là “đáng báo động”.

Tuy nhiên, ông và họa sĩ Phan Cẩm Thượng đều cho rằng Việt Nam vẫn có những thiết kế làm nên bản sắc giữa truyền thống và hiện đại, đó là thiết kế áo dài của họa sĩ Cát Tường và Lê Phổ.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quân cũng đặt ra một so sánh đáng lưu ý: “Thật ra văn hóa Việt không giống văn hóa Hán như chúng ta tưởng. Mới đây, Bảo tàng Guimée ở Paris (Pháp) trưng bày triển lãm Rồng bay có trình bày diễn biến thiết kế con rồng từ tượng Đông Sơn, hoa văn trống đồng đến con rồng Lý - Trần - Lê sơ rất thuần Việt - Đông Nam Á, rất hấp dẫn.

Một nghiên cứu khác đính chính tượng Quan âm nghìn tay - báu vật của bảo tàng này trước đây bị gắn nhãn Trung Hoa là tác phẩm Việt Nam theo trường phái Bút Tháp rất thuyết phục. Việc khai quật thành cổ Thăng Long cho thấy bản chất Đông Nam Á mạnh mẽ trong cả cung đình Việt Nam”.

Họa sĩ Uyên Huy, chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, đưa ra thực tế: “Các trường mỹ thuật Thái Lan, Campuchia, Lào... đều có khoa mỹ thuật truyền thống, nhưng ở ta thì không. Tôi có những người bạn sáng tác những vật phẩm tìm về bản sắc văn hóa, nhưng không giải quyết được đầu ra. Trong khi Nhà nước lại đi mua hàng chợ để tặng các đối tác!”.

Như vậy, phải chăng cái “thất bại về văn hóa” mà họa sĩ Phan Cẩm Thượng nêu ra chỉ là bức tranh của thực trạng văn hóa hôm nay? Chúng ta vẫn có một nguồn vốn văn hóa dân tộc dồi dào với bề dày tiếp nhận, sáng tạo mà chúng ta vẫn chưa nắm bắt hết để làm nền tảng, vốn liếng cho sự sáng tạo văn hóa hiện đại?

Nỗi ám ảnh về bản sắc

Giáo sư Hoàng Đạo Kính cảnh báo rằng nếu cứ chạy theo “bánh chưng bánh giầy, nón lá, áo dài...” để được xem là bản sắc dân tộc thì chỉ sa vào hình thức, bảo thủ.

Trong thời đại bùng nổ về thông tin, điều mà ông e ngại không phải mà mất bản sắc mà là bỏ lỡ cơ hội tiếp nhận để sáng tạo: “Tôi cho rằng chúng ta hơi bị ám ảnh bởi hai chữ bản sắc. Ít ai nói nhiều về bản sắc như chúng ta.

Tôi không e ngại về sự mất bản sắc, bởi vì người Việt còn thì bản sắc còn đó. Tôi chỉ sợ chúng ta bỏ lỡ cơ hội thời đại, tiếp nhận để sáng tạo. Văn hóa là phải sáng tạo. Cái sáng tạo hôm nay sẽ là bản sắc của ngày mai”.

QUANG THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên