28/02/2019 15:45 GMT+7

Bán lẻ VN áp dụng công nghệ để khách tự chọn, phối đồ, phối màu…

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Diện mạo người dùng đang thay đổi nhanh chóng và các cửa hàng trong những khu trung tâm thương mại sẽ là nơi những thương hiệu đầu tư cho công nghệ, trải nghiệm khách hàng và thu thập dữ liệu thị hiếu tiêu dùng.

Bán lẻ VN áp dụng công nghệ để khách tự chọn, phối đồ, phối màu… - Ảnh 1.

Các cửa hàng thời trang đang được đầu tư, dần đưa công nghệ vào để tăng trải nghiệm cho người dùng - Ảnh: T.T

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, đã nhấn mạnh như vậy khi nói về thị trường bán lẻ Việt Nam 2018 tại hội thảo "Tương lai của bán lẻ Việt Nam" do Tập đoàn Vingroup tổ chức ngày 28-2 tại TP.HCM.

Theo bà Loan, không ai nghĩ cách đây vài năm VN có thể định hình một ngành công nghiệp bán lẻ nhưng những gì đang nhìn thấy có thể tự tin rằng tương lai của ngành công nghiệp bán lẻ VN đang rất nhiều tiềm năng.

Trong đó, công nghệ và sáng tạo là hai yếu tố kiên quyết để cạnh tranh trên thị trường. Bởi chỉ thông qua công cụ này, các nhà vận hành bất động sản mới có thể tích hợp dữ liệu và mô hình mua sắm giữa các thương hiệu, từ đó hỗ trợ cải thiện trải nghiệm của khách hàng, tăng hiệu suất hoạt động và giảm chi phí tiếp thị.

Rebecca Pearson, phó giám đốc công ty CBRE châu Á thị trường bán lẻ cũng cho rằng đang có nhiều thay đổi về hành vi, xu hướng tiêu dùng toàn cầu và điều này diễn ra nhanh đến mức khó có ai có thể chắc chắn được thị trường sẽ đi theo xu hướng nào trong vài năm tới. Những thách thức này bắt buộc các nhà bán lẻ cần phải liên tục đưa ứng dụng công nghệ, sáng tạo để bắt kịp cũng như đáp ứng cầu người dùng.

Tại VN, năm 2018, thị trường bán lẻ đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ đạt hai con số gắn với niềm tin người tiêu dùng Việt Nam xếp thứ 2 thế giới. Nhiều thương hiệu Việt Nam cũng đã vươn ra khu vực, trong đó, đáng chú ý là sự gia tăng bán lẻ hàng điện tử, dịch vụ giao hàng ngày càng uy tín, chuyên nghiệp.

"Khoảng cách giữa kênh bán hàng trực tuyến và bán hàng truyền thống càng ngày thu hẹp và bổ trợ cho nhau một cách rõ nét. Điều này đòi hỏi các trải nghiệm của người dùng tại điểm bán cần được đầu tư, đảm bảo cho người dùng cảm giác "hơn một cửa hàng mua sắm"", đại diện công ty quản lý bất động sản trên nói.

Theo ông Geoffrey Morrison, sáng lập kiêm giám đốc điều hành Concept I, hiện nay trên thế giới, các cửa hàng của những thương hiệu lớn không đơn giản chỉ là nơi trưng bày hàng hoá. Chúng được đầu tư công nghệ, tăng thêm tính trải nghiệm cho người dùng, cung cấp thông tin về xu hướng, màu sắc, thậm chí cả "hậu trường" sản xuất sản phẩm... Những cửa hàng mẫu này được xem còn lối sống, phong cách, đẳng cấp của một thương hiệu.

Bán lẻ Việt Nam cũng sẽ theo xu hướng tất yếu này dù sẽ chuyển động chậm hơn so với thế giới. Những cửa hàng có quy mô lớn, áp dụng công nghệ 3D, màn hình cảm ứng để khách tự chọn, phối đồ, phối màu… Lĩnh vực thời trang và mỹ phẩm đang đầu trong xu hướng này.

"Hiện tại VN còn hơi sớm, nhưng có một điều chắc chắn rằng việc tăng cường áp dụng kỹ thuật số, công nghệ tương tác với khách hàng gắn việc đổi mới, sáng tạo đem lại tối đa trải nghiệm cho khách hàng là việc các nhãn hàng dù ở thị trường nào cũng sẽ phải thực hiện", ông Geoffrey Morrison nói với Tuổi Trẻ Online.

Theo bà Trần Thu Hiền, phó tổng giám đốc kinh doanh & marketting Vincom Retail, trong năm 2018, các trung tâm thương mại mà hệ thống này đang vận hành đã đón hơn 160 triệu lượt khách và mục tiêu sẽ đưa con số này lên 220 triệu lượt khách trong năm 2019.

Với sự hỗ trợ của công nghệ, các trung tâm thương mại mà Vincom Retail đang vận hành ngày càng thân thiện với người tiêu dùng, không chỉ giải quyết các vấn đề về logistics mà cả quá trình thanh toán, phục vụ, tương tác với khách hàng. "Chúng tôi luôn có bộ phận nghiên cứu đánh giá thị hiếu tiêu dùng để linh hoạt trong cơ cấu các ngành hàng ở mỗi trung tâm thương mại. Có những trung tâm dành nhiều diện tích cho dịch vụ ăn uống, giải trí, khu vui chơi dành cho trẻ em... nhưng cũng sẽ có những trung tâm ưu tiên thương hiệu thời trang, mỹ phẩm…", bà Hiền phân tích.

Bà Dymfke Kuijpers, đối tác cấp cao phụ trách mảng bán lẻ toàn cầu của McKinse, giới thiệu đến hội thảo 6 xu hướng mới về kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo trong trung tâm thương mại:

- Ranh giới giữa bán lẻ truyền thống và hiện đại ngày càng mờ nhạt

- Công nghệ mới giúp cho các bên thắt chặt quan hệ

- Người dùng kỹ thuật số dễ dàng trải nghiệm

- Xu hướng hợp tác mới giữa nhà chủ mặt bằng và người thuê

- Từ kênh phân phối đến thương hiệu

- Mô hình kinh tế có khả năng phát triển

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên