31/08/2012 09:08 GMT+7

Băn khoăn cầu vượt thép hay hầm chui

NGỌC ẨN
NGỌC ẨN

TT - UBND TP.HCM vừa giao Sở Giao thông vận tải TP chuẩn bị báo cáo làm rõ phương án xây dựng cầu vượt hoặc hầm chui ở ngã tư Thủ Đức, dù từ ngày 10-7 công trình cầu vượt bằng thép đã được khởi công tại đây.

PF6eNYkb.jpgPhóng to
Giao lộ ngã tư Thủ Đức, Q.Thủ Đức, TP.HCM tấp nập giao thông chiều 30-8 - Ảnh: Thuận Thắng

Theo ông Vũ Văn Điệp (phó giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 TP.HCM, chủ đầu tư), sở dĩ TP chọn phương án xây cầu vượt bằng thép ở ngã tư Thủ Đức vì thi công nhanh, trong thời gian bảy tháng, nhằm giải quyết ngay ùn tắc giao thông. Trong khi xây dựng hầm chui sẽ mất 3-4 năm thì thiệt hại về ùn tắc giao thông diễn ra hằng ngày sẽ rất lớn.

Một kỹ sư đã tham gia thiết kế các phương án xây dựng cầu hoặc hầm tại ngã tư Thủ Đức khẳng định xây dựng cầu tại vị trí trên không hiệu quả bằng hầm. Bởi địa hình tự nhiên tại ngã tư Thủ Đức là đỉnh dốc hướng từ ngã tư Bình Thái đến Thủ Đức khá cao. Do đó, xây dựng cầu càng làm tăng thêm độ dốc cầu. Cụ thể, xây cầu thì độ dốc ít nhất 4% sẽ bất lợi khi xe lưu thông nên độ an toàn giao thông không cao.

Ông Hà Ngọc Trường, phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường - cảng TP.HCM, phân tích nếu xây cầu vượt thép, độ dốc cầu khá cao. Hơn nữa, trục xa lộ Hà Nội có số lượng lớn xe tải nặng và xe container lưu thông nên xây dựng cầu vượt trên trục đường chính này không phù hợp. Nên chuyển xây dựng cầu vượt từ đường Lê Văn Việt qua Võ Văn Ngân thay cho cầu vượt trên xa lộ Hà Nội.

Ông Trường cho rằng xây hầm chui theo hướng xa lộ Hà Nội ở giao lộ ngã tư Thủ Đức có thuận lợi là độ dốc hầm và chiều sâu hầm không đáng kể. Đồng thời do mặt đường có độ dốc nên hệ thống thoát nước trong hầm thuận lợi, giá thành giảm và chi phí đền bù giải phóng mặt bằng không lớn. Hơn nữa, việc xây hầm chui trên xa lộ Hà Nội cũng phù hợp với sơ đồ quy hoạch nút giao thông hoàn chỉnh ở khu vực này đã được các chuyên gia đề xuất trước đây.

Đồng tình với ý kiến của ông Trường, một kỹ sư từng nghiên cứu thiết kế cho dự án nút giao thông Thủ Đức cho biết làm hầm chui theo hướng xa lộ Hà Nội độ dốc là 0,35% nên rất thuận tiện cho xe lưu thông. Do điều kiện địa chất khu vực nút giao ngã tư Thủ Đức khá tốt nên tổng mức đầu tư xây hầm sẽ rẻ hơn so với xây cầu vượt bằng thép. Theo báo cáo, tổng mức đầu tư xây cầu vượt bằng thép giai đoạn 1 là 277 tỉ đồng cho bốn làn xe lưu thông. Giai đoạn 2 tiếp tục xây dựng thêm cầu vượt bằng thép cho bốn làn xe lưu thông. Như vậy tổng kinh phí xây cầu của hai giai đoạn sẽ hơn 550 tỉ đồng. Trong khi đó hầm chui xây dựng tám làn xe có kinh phí khoảng 400 tỉ đồng.

Tuy nhiên, nhược điểm của phương án xây hầm chui là thời gian thi công từ 24-37 tháng. Thế nhưng về lâu dài hầm bêtông cốt thép sẽ có tuổi thọ cao hơn phương án cầu thép. Đồng thời chi phí vận hành và duy tu bảo dưỡng hầm tiết kiệm hơn so với xây cầu. Mặt khác, xây dựng hầm làm cảnh quan khu vực này đẹp hơn.

Một cán bộ của Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết ông rất đồng tình với ý kiến xây hầm chui. Theo vị cán bộ này, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP đã đề xuất phương án xây hầm bằng vốn của doanh nghiệp, TP và sẽ hoàn vốn bằng thu phí giao thông trên xa lộ Hà Nội. Như vậy, việc huy động vốn của xã hội vào công trình xây dựng hạ tầng giao thông có lợi hơn trong hoàn cảnh vốn ngân sách còn eo hẹp.

Đầu tháng 9-2012 rào đường xây cầu vượt

Theo ông Bùi Xuân Cường - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, mặc dù có ý kiến cần xây hầm chui theo hướng xa lộ Hà Nội thay cho việc xây cầu vượt bằng thép, thế nhưng đến nay UBND TP.HCM vẫn chưa có chỉ đạo mới nên vẫn tiến hành xây dựng cầu vượt. Còn ông Vũ Văn Điệp - phó giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 - cho biết hiện đơn vị thi công đang mở rộng xa lộ Hà Nội nhằm bảo đảm mặt đường giao thông và dự kiến tuần đầu tháng 9 sẽ rào lại một phần mặt đường để thi công cầu vượt Thủ Đức.

NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên