Đây là những doanh nghiệp đến TP.HCM trong khuôn khổ chuỗi sự kiện "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế" (Viet Nam International Sourcing 2023), do Bộ Công Thương phối hợp UBND TP.HCM tổ chức ngày 14-9.
Ông Lý Hoàng Hải - giám đốc Công ty Eurofins - cho biết hàng hóa, nông sản Việt Nam sang thị trường khu vực châu Mỹ Latin còn hạn chế, mà chủ yếu đến từ lý do địa lý, vận chuyển hơi khó khăn.
Nhưng trong bối cảnh thị trường biến động như hiện nay, thì đây lại là cơ hội lớn cho các nhà xuất khẩu Việt Nam tìm kiếm những thị trường mới, phát triển. Vì đây không phải là thị trường quá khó tính với liên quan đến chất lượng.
"Không khó để tuân thủ về quy định chất lượng, do hệ thống tiêu chuẩn tương đồng với Việt Nam nhưng doanh nghiệp vẫn cần am hiểu thị hiếu, thị trường để chào bán đúng sản phẩm cho từng thị trường như quy định dán nhãn, tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, những chất gây dị ứng phổ biến với người tiêu dùng... ", ông Hải nói thêm về cách đưa hàng đến thị trường này.
Cũng vì thị trường xa nên những doanh nghiệp từng xuất hàng sang đây chia sẻ phải chọn bao bì đóng gói phù hợp với cách thức tiêu dùng và kênh phân phối ở Mỹ Latin, hạn sử dụng xa... Về thanh toán, doanh nghiệp Việt Nam nên mở L/C để hỗ trợ cả hai phía đầu nhập và đầu xuất.
Những doanh nghiệp Việt Nam được lựa chọn để giới thiệu tới các nhà nhập khẩu, tập đoàn phân phối của các nước châu Mỹ Latin đều đạt các chứng chỉ quốc tế, trong lĩnh vực may mặc, thực phẩm... Ông Nguyễn Mạnh Cường, đại diện Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam - cho biết từ năm 2024, một số quốc gia ở châu Mỹ Latin bắt đầu áp dụng các quy định về nhập khẩu sản phẩm liên quan đến biến đổi gene, đây là cơ hội của các sản phẩm, nông sản sạch, an toàn.
Đại diện Tập đoàn Coppel, Mexico cho biết mong muốn tìm thấy nhiều sản phẩm nông sản an toàn, thực phẩm chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ... từ Việt Nam. Doanh nghiệp không yêu cầu những sản phẩm cụ thể, mà mở rộng với nhiều chủng hàng, tăng cơ hội kết nối giao thương.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới bất ổn như hiện nay, việc thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương cũng như trong các khuôn khổ đa phương là hết sức cần thiết để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế trên phạm vi toàn cầu.
Ông Tạ Hoàng Linh, vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, cho biết xét về quan hệ thương mại của Việt Nam và Mỹ Latin vẫn luôn nằm trong số các thị trường quan trọng nhất.
Không chỉ là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như hàng dệt may, da giày, nông thủy sản… Mỹ Latin còn là khu vực cung ứng nguyên phụ liệu quan trọng cho ngành sản xuất của Việt Nam với các sản phẩm thế mạnh như ngô, đậu tương, thức ăn chăn nuôi… Năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều đã lên mức 23 tỉ USD.
Còn 8 tháng đầu năm 2023, kim ngạch trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ Latin đạt 13,4 tỉ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022, tuy vậy, đà giảm xuất nhập khẩu đang được thu hẹp dần.
Bên cạnh các thị trường có kim ngạch trao đổi hàng đầu tại khu vực như Brazil, Mexico, Argentina, Chile, nhiều thị trường mới nổi như Panama, Colombia, Peru đã và đang trở thành điểm sáng trong trao đổi thương mại của Việt Nam với Mỹ Latin.
"Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Mỹ Latin năm 2023" được tổ chức nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong nỗ lực tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, thúc đẩy kết nối giữa các kênh phân phối, nhà nhập khẩu nước ngoài và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận