27/03/2018 09:09 GMT+7

'Bạn chả biết gì về Trung Quốc đâu!'

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Chúng ta nghe nhiều thứ từ Bắc Kinh, đa phần đều khen ngợi, nhưng thật sự đằng sau những câu chuyện đó là gì thì chỉ có người trong cuộc cung cấp mới hiểu rõ nhất.

Bạn chả biết gì về Trung Quốc đâu! - Ảnh 1.

Các đại biểu Quốc hội Trung Quốc tại Bắc Kinh trong kỳ họp gần đây - Ảnh: REUTERS

Tạp chí nổi tiếng Foreign Policy của Mỹ chuyên về chính sách ngoại giao vừa có một bài viết khá thú vị về "thật - giả" tại Trung Quốc. 

Cây bút James Palmer - hiện là biên tập viên mảng châu Á của tạp chí này, đã đưa ra nhiều câu chuyện từ cấp địa phương tới trung ương phía sau tấm rèm lộng lẫy của Bắc Kinh.

Thoạt đầu, ông Palmer cho biết những ai đi du lịch hay sinh sống tại Trung Quốc có lẽ đều quen thuộc với một lời đối đáp, một câu cửa miệng hằng ngày của những người dân địa phương: "Anh/chị chả biết gì về Trung Quốc đâu!".

Đó là một sự phản ứng tự động đối với một số vấn đề hiện đại khó nói hoặc để biện hộ cho một trong nhiều huyền thoại mà những đứa trẻ sống ở Trung Quốc đại lục được dạy là "những sự thật không thể lay chuyển về thế giới".

Theo James Palmer, chúng ta chả biết gì về Trung Quốc vì mọi thông tin được quốc gia này phát đi đều không đáng tin, bán chính xác hoặc bị bóp méo hoàn toàn. Mức độ kiểm duyệt thông tin ngày một mạnh và tràn khắp đã khiến khả năng tìm hiểu về Trung Quốc của chúng ta trở nên què quặt.

Nhiều dữ liệu chính thức được bắn đi một cách mượt mà dùng cho mục đích tuyên truyền và trong đó là cả một bí mật được người trong cuộc thêu dệt. Cả người Trung Quốc và ngoại quốc đều được tiếp cận rộng rãi thứ thông tin này. 

Người Trung Quốc đôi khi còn "được ưu tiên" nhiều hơn trong việc tìm hiểu. Tuy nhiên, giá trị sau khi lan truyền các thông tin như vậy thậm chí còn cao hơn.

Đơn cử, chúng ta chỉ nghe Trung Quốc nói chứ chúng ta chẳng hề biết được số liệu thật sự của Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở đất nước tỉ dân này.

GDP từ lâu đã được dùng để đánh giá năng suất và hiệu quả làm việc của các quan chức địa phương ở Trung Quốc. Các dữ liệu liên quan vì thế đã bị làm lệch đi ở mọi cấp vì nếu GDP cao thì những người báo cáo cũng chính là những người được hưởng lợi, được khen, được thưởng, được thăng quan tiến chức.

Do đó, chính quyền trung ương nước này phải hạ thấp các số liệu để chúng có vẻ hợp lý và đáng tin hơn. Nếu cộng dồn số liệu GDP được các tỉnh cung cấp, tổng trung bình sẽ cao hơn số liệu GDP cuối cùng được chính phủ Trung Quốc công bố với thế giới.

Bạn chả biết gì về Trung Quốc đâu! - Ảnh 2.

Các phóng viên Trung Quốc tại cuộc họp Quốc hội Trung Quốc hôm 6-3 - Ảnh: AFP

Các số liệu đã bị vặn vẹo để đạt được mục đích chính trị. Các chính quyền địa phương những năm gần đây ngày một thừa nhận điều này. Tuy nhiên, chuyện làm giả số liệu đã diễn ra trong mấy chục năm qua ở Trung Quốc hiện đại.

Giờ đây, chúng ta cũng không biết gì về số tài sản thật sự của người Trung Quốc. Đôi khi chúng ta chỉ nghe những mặt tốt trong khi những mặt xấu đã bị ém nhẹm. Chúng ta cũng không hề biết được hệ số Gini về bất bình đẳng trong thu nhập trên nhiều vùng miền, tầng lớp ở Trung Quốc.

Trớ trêu thay, các dữ liệu về kinh tế lại dường như đáng tin hơn các lĩnh vực khác vì "quá nhiều sự chú ý đã đổ dồn vào sự thiếu tin cậy của nó". 

Chính Cục thống kê quốc gia của Trung Quốc đã nêu ra một số trường hợp báo cáo dữ liệu sai và giờ họ muốn "tự lực cánh sinh" thu thập dữ liệu trực tiếp tại các tỉnh.

Nhưng những gì chúng ta không biết về Trung Quốc còn nhiều hơn thế, chứ không chỉ giới hạn ở chuyện nền kinh tế.

Bạn chả biết gì về Trung Quốc đâu! - Ảnh 3.

Người Trung Quốc được cho là đang giàu nhanh nhưng cũng có không ít thành phần bị bỏ quên bên rìa của sự phát triển thần kỳ - Ảnh: AFP

Đúng là chúng ta chả biết gì về Trung Quốc! Chúng ta không biết dân số thật sự của Trung Quốc vì nhiều trường hợp gia đình sinh 2 hay 3 con hay nhiều hơn nhưng họ lại không dám đăng ký lên cơ quan quản lý kế hoạch hóa gia đình, bởi đẻ hơn một con theo như chính sách trước đây họ sẽ bị… phạt không nương tay.

Trong khi đó, các chính quyền địa phương vùng sâu vùng xa lại khuyến khích phóng đại các báo cáo về dân số để nhận được những khoản trợ cấp nhiều hơn từ chính phủ. Còn chính quyền các thành thị lại cố ý hạ thấp số liệu để đáp ứng mục tiêu kiểm soát dân số.

Dân số "chính thức" của thủ đô Bắc Kinh là 21,7 triệu người trong khi con số thực tế có thể từ 30-35 triệu người. Hàng chục và có lẽ là hàng trăm trong số hàng triệu người trên giấy tờ là ở quê nhưng thực tế lại sống ở thành phố để có cơ hội sinh kế. 

Chúng ta cũng không biết liệu những người này đang hít khí sạch hay được uống nước sạch hay không vì các dữ liệu về môi trường chứa đầy lỗ hỗng.

Chúng ta chả biết gì về Trung Quốc, về nền chính trị nước này. Chúng ta không biết hoạt động chính trị bên trong khu Trung Nam Hải ở Bắc Kinh diễn ra thế nào, "thâm cung bí sử" ra sao. 

Các chính trị gia Trung Quốc sẽ không đời nào kể cho bạn nghe và những nhà báo ở nước này cũng chẳng có gan moi móc.

Chúng ta không biết liệu các quan chức bị tóm trong chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" có thật sự chỉ vì lý do tham nhũng hay không, hay họ bị triệt tiêu vì đang là đối thủ chính trị đáng gờm của người khác. 

Chúng ta cũng không biết mức độ bè phái ra sao và liệu các quan chức có thật sự tin những gì lãnh đạo của mình nói ra hay không.

Bạn chả biết gì về Trung Quốc đâu! - Ảnh 4.

Các binh sĩ Trung Quốc tham gia lễ duyệt binh ở Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh ngày 3-9-2015. Vẫn chưa ai biết con số thực của số binh sĩ Trung Quốc cũng như ngân sách dành cho lực lượng này - Ảnh: REUTERS

Chúng ta chả biết gì về Trung Quốc, về ngân sách quốc phòng thật sự của nước này. Chúng ta không hề biết mục đích phía sau việc nghiên cứu các vũ khí tối tân của Trung Quốc. 

Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự ở châu Phi chỉ đơn giản là để bảo vệ hòa bình, chống cướp biển? Chúng ta không biết điều kiện sinh hoạt của các binh sĩ trong quân đội Trung Quốc. Họ chỉ biết làm và "không biết nói"!

Chúng ta chả biết gì về Trung Quốc, về chất lượng giáo dục của các trường học ở nước này. Những số liệu được Chương trình đánh giá học sinh quốc tế  (PISA) giúp Trung Quốc vươn lên vị trí đầu thế giới thật ra được lấy từ một nhóm trường tốp đầu ở thành phố Thượng Hải. 

Số liệu thống kê nếu được lấy thêm từ Bắc Kinh và hai thành phố giàu khác sẽ khiến vị trí Trung Quốc tụt mạnh. Hơn nữa, chúng ta không biết chất lượng giáo dục ở các vùng sâu vùng xa của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tệ đến mức nào.

Và đáng nói hơn, chúng ta chả biết gì về Trung Quốc cũng bởi vì chúng ta không biết người dân Trung Quốc thật sự đang nghĩ gì. Chúng ta không biết những người được phỏng vấn trên sóng truyền hình quốc có thật sự đang nói những gì thâm tâm họ muốn hay không…

Trung Quốc muốn "hô phong, hoán vũ" bất chấp ảnh hưởng nước khác Trung Quốc muốn 'hô phong, hoán vũ' bất chấp ảnh hưởng nước khác

TTO - Kết hợp dữ liệu thời gian thực từ vệ tinh và các công nghệ quân sự tối mật, hệ thống thay đổi thời tiết của Trung Quốc có thể tạo ra mưa lớn trên một diện tích lớn gấp 3 lần Tây Ban Nha.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên