11/01/2015 08:30 GMT+7

Bàn câu chuyện thiết thân tại ĐH sinh viên TP.HCM lần V

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TT - 10 tổ thảo luận tại Đại hội đại biểu Hội Sinh viên VN TP.HCM lần V bàn những chuyện không chỉ là điều rút ruột, mà còn là kỳ vọng mà sinh viên nói với người bạn lớn.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm trước logo của đại hội - Ảnh: Quang Định

Đạo đức tác phong, học và làm theo lời Bác, sức sống phong trào “Sinh viên 5 tốt”, nghiên cứu khoa học, hội nhập, ứng xử cộng đồng khi tham gia mạng xã hội, xây dựng hội, bồi dưỡng kỹ năng... là những chủ đề được 445 đại biểu cùng bàn thảo.

Kiến tạo hình ảnh

Nhiều ý kiến cùng gặp nhau khi cho rằng danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” rất cao quý nhưng không phải sinh viên nào cũng quan tâm. Đại biểu Lê Yên Thanh (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM) kể cũng từng rủ bạn học cùng lớp tham gia đăng ký rèn luyện, nhưng các bạn lắc đầu và hỏi ngược lại “Sinh viên 5 tốt thì được gì?” dù bạn nào cũng học rất giỏi.

Đại biểu Phạm Thị Oanh (ĐH Giao thông vận tải cơ sở 2) nói phải giới thiệu danh hiệu này ngay với sinh viên năm thứ nhất để các bạn có thông tin, đặt mục tiêu phấn đấu ngay từ đầu. Trong khi đại biểu Nguyễn Trần Hải Đăng (ĐH Luật TP.HCM) đề xuất tổ chức “chuyến xe 5 tốt” đưa sinh viên đạt danh hiệu đến giao lưu và giới thiệu về “Sinh viên 5 tốt” với học sinh THPT.

Đại biểu Trần Đình Thi (ĐH Công nghệ thông tin, ĐHQG TP.HCM) đề nghị Hội Sinh viên thành phố xây dựng trang web về sinh viên 5 tốt. “Sinh viên tham gia rèn luyện và cả sinh viên đạt danh hiệu có thể cập nhật thông tin về hành trình đến danh hiệu của mình, cả tin tức sinh viên 5 tốt thành công ra sao để chia sẻ với bạn bè” - Thi nói.

Đại biểu Đặng Thanh Hào (ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) nói quan trọng nhất chính là hội phải tạo được những hoạt động đủ sức thu hút, kích thích sinh viên tham gia rèn luyện, chứ làm mãi các sản phẩm truyền thông về danh hiệu thì cũng có lúc nhàm.

Ứng xử với cộng đồng mạng xã hội

Một chủ đề nhận được nhiều quan tâm của đại biểu chính là ứng xử của sinh viên với cộng đồng mạng xã hội sao cho đúng. Có đại biểu gay gắt nói nhiều bạn quá lạm dụng tốn thời gian cho mạng xã hội trong khi chẳng đem lại lợi ích gì, và khó chọn lọc thông tin. Tuy vậy, không phủ nhận chính qua mạng xã hội mà nhiều thông tin, hoạt động của tổ chức hội sinh viên đã lan truyền đến đông đảo sinh viên. Do đó, điều cần chính là phải giúp sinh viên nhận diện đúng sai, chọn được thông tin đúng từ rừng thông tin đa chiều trên mạng xã hội.

Đại biểu Nguyễn Minh (Sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM) nói: “Mạng xã hội, ở đây chủ yếu là Facebook, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống người trẻ, nhưng thông tin chia sẻ trên đó đôi khi có những tác động hai mặt, quan điểm cá nhân nhưng ảnh hưởng đến nhiều người. Vì vậy hội nên định hướng, giáo dục nhận thức cho các bạn trẻ về việc phát biểu những quan điểm cá nhân trước các vấn đề chính trị, đất nước trên mạng”.

Cũng có ý kiến cho rằng có thể xét danh hiệu này mỗi năm hai đợt. Đợt một như là vòng sơ tuyển để xem sinh viên nào còn chưa đạt tiêu chí gì hội sẽ tìm cách hỗ trợ, tạo điều kiện giúp các bạn đạt đến danh hiệu, đợt hai sẽ là công nhận và tuyên dương những sinh viên xuất sắc.

Đại biểu Nguyễn Công Lý (ĐH Lao động - xã hội cơ sở 2) mong Hội Sinh viên thành phố chuẩn bị các điều kiện và thành lập câu lạc bộ “Sinh viên 5 tốt” cấp thành để làm tốt hơn việc truyền thông, giới thiệu danh hiệu này đến đông đảo sinh viên.

Cùng sinh viên hội nhập

Kỹ năng, ngoại ngữ được nhiều ý kiến đề cập khi bàn đến hành trang của sinh viên chuẩn bị cho quá trình hội nhập, nhất là khi cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành vào cuối năm nay.

Đại biểu Đoàn Thiên Phúc (Hội Du học sinh) cho rằng cần tăng cường trang bị kiến thức, văn hóa cho du học sinh, đặc biệt là các bạn chuẩn bị đi du học song song với tạo động lực trong việc học ngoại ngữ.

Còn đại biểu Thu Thúy (ĐH Kinh tế TP.HCM) đề nghị tập trung tuyên truyền về quá trình luân chuyển lao động khi hội nhập, cũng như phải hỗ trợ sinh viên trang bị kỹ năng thực hành xã hội.

“Cùng với việc giúp sinh viên tư duy khu vực và quốc tế thì điều cần chính là phải cung cấp kiến thức để mỗi bạn biết giữ gìn truyền thống, văn hóa dân tộc làm nội lực cho mình trong quá trình hội nhập” - Thúy phát biểu.

Trong khi đó đại biểu Bùi Trần Lê Duy (ĐH Ngoại ngữ - tin học) đề xuất hội có giải pháp hỗ trợ sinh viên tham gia nhiều hơn các hoạt động quốc tế, hội nhập, tổ chức các chương trình giao lưu quốc tế, gặp gỡ các thành viên từng tham gia chương trình tàu thanh niên Đông Nam Á.

Một trong những điều không thể xem nhẹ là thái độ học tập nghiêm túc, đam mê sáng tạo và chủ động tiếp cận khoa học công nghệ của sinh viên. Đại biểu Nguyễn Hương Giang (ĐH Luật TP.HCM) mong hội tổ chức các hoạt động tập huấn kỹ năng nghiên cứu khoa học cho sinh viên, thậm chí tập huấn chuyên sâu để sinh viên có thể tham gia nghiên cứu khoa học cấp thành hoặc cao hơn.

“Nhiều đề tài đoạt giải Euréka chưa được ứng dụng thực tế nên có ngày hội, chương trình giới thiệu các kết quả, sản phẩm nghiên cứu, giao lưu giữa các trường để tăng cơ hội đưa các đề tài ứng dụng vào cuộc sống” - Hương Giang đề nghị.

Khi hội là bạn

Trả lời câu hỏi “Khi gặp khó khăn sinh viên có tìm đến với hội sinh viên?”, đại biểu Nguyễn Ngọc Tài (ĐH Công nghệ Sài Gòn) thẳng thắn: “Thực tế hiện nay khi gặp khó khăn trong cuộc sống, học tập, định hướng nghề nghiệp, sinh viên thường tìm đến gia đình, bạn bè để chia sẻ, được tư vấn, giúp đỡ chứ chưa phải hội sinh viên”.

Đây cũng là day dứt mà bao thế hệ cán bộ hội của TP.HCM vẫn luôn đặt ra. Từ đó, Ngọc Tài cho rằng cần có nhiều buổi đối thoại, tiếp xúc và cán bộ hội phải năng động hơn nữa để thật sự là bạn của sinh viên.

Đại biểu Bùi Trần Lê Duy (ĐH Ngoại ngữ - tin học) mong muốn phải có nhiều hoạt động trang bị kỹ năng phù hợp cho nữ sinh viên, những chỗ ở cho sinh viên do hội giới thiệu đảm bảo tiêu chí an toàn, có thể hình thành nhiều khu nhà trọ an toàn, văn hóa cho sinh viên.

“Cần quan tâm nhiều hơn nữa với sinh viên có nguy cơ bỏ học vì cuộc sống khó khăn, thường xuyên định hướng, tư vấn và hướng nghiệp cho sinh viên trong cuộc sống và việc làm” - Lê Duy nói.

Các đại biểu là sinh viên mong mỗi cán bộ hội nhiệt huyết, hết lòng với công việc hơn nữa để truyền cảm hứng, lôi kéo sinh viên đến với hoạt động hội. Trong khi các đại biểu là cán bộ hội đề xuất được bồi dưỡng, tập huấn định kỳ, không chỉ là nghiệp vụ công tác mà còn là những kỹ năng cần thiết, sao cho chất lượng đội ngũ, hoạt động của cán bộ hội ngày càng chuyên nghiệp, để hình ảnh Hội Sinh viên ngày càng gần gũi, đáp ứng kỳ vọng của sinh viên.

Đại biểu Phạm Thượng Hải (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM) phát biểu: “Cần đầu tư thêm những kỹ năng mang tính thực tiễn cho cán bộ hội như: khả năng giải quyết vấn đề, kỹ năng tư vấn để có thể hỗ trợ sinh viên giải quyết các vấn đề khẩn cấp một cách nhanh nhất”.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên